Lời khuyên dành cho người bị Gout

Nếu ai đã từng bị căn bệnh gout hành hạ thì chắc chắn sẽ cảm nhận được những đau đớn, khổ sở do chứng bệnh này gây ra. Bởi những cơn đau từ nhẹ đến nặng, từ thưa đến mau, có khi dữ dội không đi lại được. Người bị khớp thường thấy các khớp bị sưng to, phù nề, căng đỏ, sung huyết khiến cho người bệnh bị giảm sút về sức khỏe, làm ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt hàng ngày. Bài viết dưới đây chúng tôi xin chia sẻ một số lời khuyên giúp cho người bệnh gout giảm sự đau đớn, khó chịu, mong rằng một phần nào đó giúp người bệnh điều trị hiệu quả hơn.

Chế độ ăn: Người bệnh gout cần chú ý đến chế độ ăn điều độ, không được nhịn đói, không được bỏ bữa, không dùng các chất kích thích như ớt, hạt tiêu, các loại dưa muối và cà muối. Hạn chế tối đa các loại thực phẩm như gan, tim, lưỡi động vật, nấm, trứng cá, kem, bánh gato có kem. Tránh ăn các đồ thịt cá rán, thịt chó, nước canh xương hầm, canh cá; tránh ăn một số loại rau quả như các loại đậu đỗ, súp lơ, các loại cà, củ cải. Có thể ăn thịt màu trắng như thịt lườn gà, thịt thỏ, vịt...chúng tốt với cả những người béo hay có bệnh lý tim mạch kèm theo vì chứa ít cholesterol. Sữa và các chế phẩm của sữa như sữa chua; dưa chuột, dưa hấu... đều là các thức ăn tốt cho phòng và điều trị bệnh Gout. Bánh mỳ, trứng và đa số các loại trái cây, rau quả (khoai tây, bí đao, bí đỏ, cải bắp, hành tỏi...trừ cà chua) là những thức ăn mà người bị Gout có thể sử dụng được.

Chế độ uống: Không uống rượu, bia, nước chè, cà phê đặc và các đồ uống có ga. Tăng cường uống nhiều nước (2 – 3 lit/ ngày), các loại nước khoáng có tỷ lệ chất khoáng thấp và tính kiềm có tác dụng đào thải bớt lượng acid uric thừa trong cơ thể, có thể uống 1 – 3 cốc/ ngày trước bữa ăn 1 giờ trong giai đoạn tái phát của bệnh. Việc ăn uống này giúp duy trì nồng độ acid uric. Đồng nghĩa với đó nếu không có chế độ ăn duy trì đươc nồng độ acid uric thì việc tăng cao hàm lượng chất này đột ngột sẽ dẫn đến cơn Gout cấp.

benh-gout

Uống nhiều nước có tác dụng đào thải bớt lượng acid uric thừa trong cơ thể.

Chế độ sinh hoạt : Không nên có những hoạt động nặng hay kéo dài vì điều này sẽ làm ảnh hưởng đến việc gây ra áp lực lên mặt khớp, dẫn đến hư sụn khớp. Chế độ sinh hoạt điều độ, làm việc nhẹ nhàng, tránh lạnh, tránh mệt mỏi về cả tinh thần lẫn thể chất (lao động quá mức, chấn thương...). cần tập thể dục, đi bộ, chơi một số môn thể thao nhẹ nhàng. Điều chỉnh cân nặng về mức hợp lý, luyện tập các bài tập vừa rèn luyện sức bền vừa có tác dụng tăng cường sức khỏe chung, giảm cân và điều hòa quá trình trao đổi chất. Song cần được nghỉ ngơi, nghỉ tập trong giai đoạn bệnh tái phát.

Không nên tự ý dùng thuốc: những triệu chứng của bệnh thường dễ bị nhầm với viêm khớp do nhiễm khuẩn, do vậy nhiều người tự mua thuốc khớp về uống. Điều này rất nguy hiểm vì có loại thuốc khớp không được uống khi bị Gout. Thậm khi dùng những thuốc này có thể làm bệnh càng nặng hơn, hay gây biến chứng và nặng hơn nữa là tử vong. Chính vì vậy khi phát hiện ra những triệu chứng về khớp nên đi gặp bác sỹ để khám và tư vấn về thuốc cũng như cách điều trị. Không nên dùng thuốc làm giảm acid uric trong máu (Allopurinol) trong cơn đau cấp vì nó có thể làm cơn đau tăng lên.

Bệnh Gout là bệnh có thể chữa khỏi, nhưng phải tuân thủ chế độ ăn nghiêm ngặt. Sau khi điều trị khỏi hoàn toàn vẫn phải duy trì chế độ dùng thuốc dự phòng cơn Gout tái phát và thường xuyên đi khám định kỳ (giai đoạn đầu 1 tháng/ lần, sau đó 3 tháng/ lần, rồi 6 tháng/ lần).

Chủ đề

Sản phẩm tuệ linh