Biếng ăn ở trẻ - Những điều mẹ nên biết

Biếng ăn là hiện tượng bé không chịu ăn hoặc ăn không đủ lượng dinh dưỡng cần thiết. Biếng ăn là một tình trạng rất phổ biến của trẻ trong giai đoạn từ 1 – 6 tuổi, vì vậy khi thấy trẻ có các biểu hiện biếng ăn, các mẹ đừng quá lo lắng và hãy tìm cách xử trí phù hợp nhất. Bài viết này chúng tôi mong muốn cung cấp cho bạn đọc cái nhìn tổng quan nhất về biếng ăn. Chúc bạn đọc có được những kiến thức tốt nhất về biếng ăn ở trẻ

Các biểu hiện của biếng ăn

  • Trẻ ăn ít hơn bình thường, ngậm thức ăn trong miệng lâu, không chịu nhai, nuốt, bữa ăn thường kéo dài hơn bình thường.
  • Số bữa ăn và lượng thức ăn của bé ăn trong mỗi bữa ít hơn.
  • Trong bữa cơm, bé không chịu ăn một số loại thức ăn như thịt, cá, trứng, sữa hoặc từ chối ăn tất cả các loại thức ăn và tâm trạng không thoải mái.
  • Bé thường có biểu hiện quấy nhiễu trong giờ ăn như chạy trốn khi tới bữa ăn, nghe thấy tiếng lanh canh của thìa, bát, hay nhìn thấy thức ăn thì khóc, và nũng nịu không chịu ăn.
  • Bé không tăng cân trong nhiều tháng liên tiếp.

Một số nguyên nhân gây biếng ăn

1. Biếng ăn do tâm lý: Đây là nguyên nhân thường gặp nhất. Trẻ biếng ăn khi có cảm giác bị ép buộc, bỏ rơi, bị gò bó hoặc bị đánh lừa:

  • Mẹ đi làm để trẻ cho người khác chăm sóc.
  • Bị ép phải mang khăn ăn, phải ngồi một chỗ từ đầu đến cuối bữa ăn.
  • Bị ép phải ăn hết xuất ăn trong một khoảng thời gian.
  • Không khí bữa ăn của gia đình căng thẳng.
  • Cha mẹ cho thuốc vào thức ăn, vào sữa.

2. Biếng ăn do sai lầm trong chế biến thức ăn và thời gian chuyển tiếp chế độ ăn.

Những sai lầm trong chế biến thức ăn cho trẻ:

  • Hầm khoai tây, cà rốt, củ dền, đậu, thịt... xay nhuyễn và cho trẻ ăn hết trong nhiều ngày, gây cảm giác chán và sợ.
  • Chỉ cho trẻ ăn nước rau, nước thịt, không cho ăn thịt, cá… lâu ngày dẫn đến tình trạng thiếu các chất dinh dưỡng.
  • Lạm dụng thức ăn xay nhuyễn đến lúc 2, 3 tuổi.
  • Pha bột vào sữa, pha sữa quá đặc, pha sữa bằng nước cháo hoặc nước hầm đậu, hầm xương... làm trẻ khó tiêu hóa.
  • Pha bột quá đặc khi trẻ mới tập ăn dặm.

Thời gian chuyển tiếp chế độ ăn không phù hợp:

  • Ăn dặm quá sớm (trước khi trẻ được 4 tháng).
  • Ăn cơm quá sớm (trong khi răng trẻ chưa đủ để nhai cơm).

3. Biếng ăn do bệnh lý:

  • Suy dinh dưỡng .
  • Nhiễm ký sinh trùng (giun, sán…); nhiễm trùng (viêm đường hô hấp, viêm amiđan...) và virus.
  • Bệnh lý răng miệng (sâu răng, viêm lợi), rối loạn đường tiêu hóa.

4. Biếng ăn sinh lý:

Trẻ vẫn khỏe mạnh nhưng tự nhiên ăn ít đi trong vài ngày đến vài tuần. Các thời điểm này thường trùng với lúc bé biết lẫy, ngồi, đứng, đi... Sau đó, trẻ trở lại ăn uống bình thường.

5. Biếng ăn do thuốc:

Do dùng quá nhiều vitamin, kháng sinh hoặc  các thực phẩm chức năng kích thích ăn uống. Việc lạm dụng kháng sinh có thể gây rối loạn hệ vi khuẩn đường ruột, còn thuốc kích thích ăn sẽ làm cho trẻ biếng ăn thêm ngay sau khi ngừng thuốc (thuốc này chống chỉ định ở trẻ dưới 2 tuổi).

6. Biếng ăn do tâm lý của cha mẹ:

Do cha mẹ quá lo lắng về sự tăng trưởng của con. Khi thấy con ăn ít hơn các trẻ cùng lứa tuổi, nhiều người nghĩ rằng con biếng ăn mặc dù trẻ vẫn tăng cân và tăng chiều cao tốt.

7. Biếng ăn bẩm sinh:

Có khoảng dưới 5% trẻ sinh ra chỉ ngủ, chơi mà không bao giờ đòi bú.

8. Nguyên nhân khác:

Trẻ còn có thể bị biếng ăn như sau khi tiêm phòng hoặc sau chấn thương.

Tham khảo thêm : Vì sao trẻ biếng ăn?

Phòng ngừa và khắc phục biếng ăn

  • Tập cho bé ăn nhiều loại thức ăn khác nhau từ giai đoạn ăn dặm (lúc 5 – 7 tháng tuổi). Giai đoạn này, hệ thống vị giác của trẻ chưa phát triển nên dễ dàng tiếp nhận các loại thức ăn có mùi vị khác nhau và tạo thành thói quen ăn uống đa dạng khi lớn.
  • Không nên cho thuốc vào thức ăn làm trẻ sợ và luôn cảnh giác với thức ăn.
  • Hãy cho bé ngồi thoải mái nơi ưa thích. Để bé đươc tự xúc cùng mẹ dù còn vụng về đổ tháo. Nhiều khi bé thích bóc, nhón thức ăn, vì như vậy thú vị hơn chờ mẹ đút,…Chén đĩa, ly tách, muỗng có hình thù ngộ nghĩnh làm cho bữa ăn của bé thật sự trở thành cuộc vui. Bạn hãy nhớ ở tuổi này bé không chỉ ăn mà còn bận rộn khám phá cả thế giới. Luôn tạo không khí bữa ăn gia đình vui vẻ để bé thoải mái ăn.

Bữa ăn gia đình thoải mái là một yếu tố quan trọng kích thích sự thích thú ăn uống của trẻ.

  • Lớn lên một chút bé thích được hỏi bé muốn ăn gì. Bé có thể tham gia đi chợ và lựa chọn thức ăn cùng mẹ hay tham gia phụ nhặt rau, củ. Chắc chắn các món có sự tham gia của bé sẽ làm bé cảm thấy ngon hơn.
  • Đừng dùng thức ăn vào mục đích khác như khen thưởng hay trừng phạt, lâu ngày sẽ rối loạn hành vi ăn uống. Trẻ dễ có khuynh hướng dùng việc ăn uống để phản đối hay gây sức ép lại cha mẹ khi chúng gặp khó khăn.
  • Không cho trẻ ăn quà vặt trước bữa ăn chính trong vòng 1,5 đến 2 giờ, điều này làm bé ngang dạ khi vào bữa ăn.
  • Có những giai đoạn bé ham thích ăn liên tục một loại thức ăn nào đó như trứng hay nải chuối mỗi ngày. Hãy để bé ăn thỏa thích, bé sẽ trở lại ăn uống bình thường sau vài ngày hay vài tuần.
  • Có những giai đoạn biếng ăn sinh lí và giai đoạn này thường trùng với lúc trẻ học thêm các kĩ năng mới. Đừng nên ép bé ăn quá mà làm bé biếng ăn thực sự. Các thời điểm biếng ăn sinh lý thường gặp: 7 – 9 tháng; 2 – 3 tuổi; 5 – 6 tuổi.
Chủ đề

Sản phẩm tuệ linh