Tình trạng mẩn ngứa diễn ra khá phổ biến với những người có vấn đề về gan, bao gồm cả những người mắc viêm gan B. Vậy bị viêm gan B và hay bị mẩn ngứa phải làm sao? Hãy cùng Tuệ Linh tìm hiểu chi tiết nhé!
Mục lục
Sơ lược về viêm gan B
Viêm gan B hay viêm gan siêu vi B là bệnh truyền nhiễm gây ra bởi virus HBV. Bệnh chủ yếu lây qua đường máu hoặc do tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết của người bệnh. Các nguyên nhân được xác định có thể bao gồm: Lây từ mẹ sang con, quan hệ tình dục không an toàn, sử dụng chung bơm kim tiêm hoặc các dụng cụ y tế, thẩm mỹ…
Viêm gan B có thể được chia thành 2 dạng chính:
- Viêm gan B cấp tính: Quá trình nhiễm virus và loại bỏ chúng ra khỏi cơ thể diễn ra tối đa trong khoảng 6 tháng.
- Viêm gan B mạn tính: Sau giai đoạn cấp tính, virus HBV vẫn tồn tại trong cơ thể và tiến triển thành mạn tính. Tùy trường hợp, các thể bệnh có thể bao gồm: thể hoạt động, thể ngủ và người lành mang bệnh.
Thời gian đầu khi nhiễm viêm gan B, người bệnh thường không có triệu chứng rõ ràng và dễ nhầm lẫn với các tình trạng sức khỏe khác, dẫn đến tâm lý chủ quan, không điều trị. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện sớm, bệnh có thể tiến triển mạn tính, khiến gan bị tổn thương nặng nề và dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như suy gan, xơ gan, ung thư gan… thậm chí đe dọa tính mạng.
Vì sao bị viêm gan B hay bị mẩn ngứa?
Mẩn ngứa là một trong những triệu chứng thường gặp ở những người mắc viêm gan B. Tình trạng này có thể xảy ra do các nguyên nhân như:
Phản ứng của hệ miễn dịch
Khi virus viêm gan B xâm nhập vào cơ thể, hệ thống miễn dịch sẽ được kích hoạt để tạo ra kháng thể chống lại chúng. Lúc này, phức hợp miễn dịch kháng nguyên và kháng thể có thể đọng lại trong máu, gây ra các phản ứng mẩn ngứa, nổi mề đay.
Chức năng gan bị suy giảm
Gan nắm giữ vai trò chính trong việc chuyển hóa các chất dinh dưỡng và xử lý, đào thải các chất độc hại ra khỏi cơ thể.
Khi virus viêm gan B xâm nhập, tấn công cơ thể, chúng sẽ gây tổn thương các tế bào gan, khiến chức năng gan suy giảm, ảnh hưởng đến việc loại bỏ độc tố. Điều này cũng khiến thận phải tăng cường hoạt động để cùng gan đào thải các chất độc. Tuy nhiên, cả gan và thận sẽ dễ rơi vào tình trạng quá tải, hoạt động kém hơn và làm độc tố tích tụ trong máu, dẫn đến hiện tượng nổi mụn nhọt, mẩn ngứa và mề đay.
Các yếu tố nguy cơ gây ngứa da
Thực tế, không phải tất cả các trường hợp mắc viêm gan B đều bị mẩn ngứa. Tình trạng này thường xuất hiện khi có các yếu tố gây kích thích như:
Chế độ ăn uống không lành mạnh: Việc thường xuyên tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn hoặc các loại thức ăn nhiều dầu mỡ, ít chất xơ, uống nhiều bia rượu… có thể khiến gan phải hoạt động nhiều hơn để đào thải độc tố, lâu dần chức năng gan sẽ suy giảm, dẫn đến mẩn ngứa.
Sinh hoạt thiếu khoa học: Thói quen thức khuya, ít vận động hoặc thường xuyên vận động quá sức đều không tốt cho gan. Ban đêm là thời gian quá trình thải độc và phục hồi của gan diễn ra mạnh mẽ nhất. Việc thức khuya sẽ làm cản trở những hoạt động này. Trong khi đó, thói quen lười vận động hoặc vận động quá sức lại làm ảnh hưởng tới quá trình lưu thông máu đến gan, đồng thời làm tăng nguy cơ tổn thương gan.
Căng thẳng kéo dài: Căng thẳng kéo dài làm giảm lưu lượng máu tới gan, khiến việc nuôi dưỡng tế bào gan bị ảnh hưởng. Ngoài ra, chúng cũng có thể tác động đến hệ miễn dịch, kích thích các phản ứng dị ứng và làm xuất hiện tình trạng mẩn ngứa.
Triệu chứng mẩn ngứa do viêm gan B
Triệu chứng mẩn ngứa do viêm gan B gây ra có thể bao gồm:
- Nổi sẩn li ti: Trên da có thể xuất hiện các nốt mụn nhỏ li ti, kèm theo cảm giác ngứa ngáy âm ỉ, càng gãi càng ngứa.
- Mẩn đỏ lan rộng: Các nốt sẩn ngứa nhỏ có thể lan rộng, tạo thành từng mảng đỏ hoặc hồng có kích thước khác nhau, thậm chí lan ra khắp người.
- Nổi mề đay sẩn cục: Trên da người bệnh có thể xuất hiện các nốt sẩn cục với ranh giới rõ ràng, sờ vào thấy dày và chắc, kèm theo những cơn ngứa dữ dội.
Ngoài ra, tình trạng mẩn ngứa ở người bệnh viêm gan B thường xuất hiện kèm theo các biểu hiện khác như vàng da, vàng mắt, da dễ bầm tím, đau tức hạ sườn phải, nước tiểu sẫm màu, mệt mỏi, chán ăn…
Bị viêm gan B hay mẩn ngứa phải làm sao?
Các trường hợp bị mẩn ngứa có liên quan đến viêm gan B, người bệnh có thể tham khảo các biện pháp sau:
Điều trị viêm gan B
Điều trị viêm gan B là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe, đồng thời cải thiện dứt điểm tình trạng mẩn ngứa do căn bệnh này gây ra.
Tùy trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh sử dụng các thuốc khác nhau, bao gồm cả thuốc kháng virus để ức chế sự nhân lên của virus, hạn chế tổn thương gan.
Tìm hiểu chi tiết: Cách điều trị viêm gan B
Chăm sóc làm giảm triệu chứng
Để giảm bớt cảm giác ngứa ngáy, khó chịu và tình trạng nổi mẩn, người bệnh có thể áp dụng các biện pháp chăm sóc tại nhà như:
- Vệ sinh da mỗi ngày: Tắm nước ấm và sử dụng sữa tắm dịu nhẹ, không chứa xà phòng, chất tẩy để vệ sinh da mỗi ngày, tránh da bị kích ứng.
- Mặc quần áo thoáng mát, có chất liệu thấm hút mồ hôi tốt: Quần áo có chất liệu mềm mại, thoải mái, thấm hút mồ hôi tốt sẽ giúp giữ da thông thoáng hơn. Không mặc đồ quá chật hoặc các chất liệu thô cứng khiến da bị kích ứng.
- Tránh gãi cào: Tình trạng mẩn ngứa khiến người bệnh luôn có xu hướng muốn gãi cào để xoa dịu cơn ngứa, tuy nhiên, việc này có thể để lại tổn thương trên da, khiến tình trạng trở nên trầm trọng hơn và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
- Thoa kem dưỡng ẩm: Các loại kem dưỡng ẩm dịu nhẹ có thể giúp làm dịu da, hạn chế tình trạng da khô, bong tróc làm mẩn ngứa thêm nghiêm trọng.
Đi khám chuyên khoa da liễu
Nếu đã áp dụng các biện pháp chăm sóc tại nhà mà không hiệu quả, người bệnh nên gặp bác sĩ để được thăm khám, áp dụng biện pháp điều trị phù hợp. Tùy trường hợp, các chỉ định có thể bao gồm:
- Thuốc kháng histamine: Các thuốc này có tác dụng giảm nhanh cảm giác ngứa ngáy trên da, đồng thời kiểm soát hiệu quả các phản ứng dị ứng liên quan.
- Thuốc chứa corticoid: Trường hợp người bệnh bị ngứa ngáy nghiêm trọng, không đáp ứng với thuốc kháng histamin, các thuốc chứa corticoid như Fluocinolone, Hydrocortisone, Betamethasone… có thể được chỉ định để giảm sưng viêm, ngứa ngáy.
- Thuốc kháng sinh: Nếu tình trạng mẩn ngứa trên da kèm theo các dấu hiệu viêm nhiễm, thuốc kháng sinh cũng có thể được chỉ định trong điều trị.
Đọc thêm: Cách điều trị mẩn ngứa ở người bệnh gan
Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng
Dinh dưỡng có vai trò quan trọng trong việc duy trì, cải thiện sức khỏe gan. Với người bệnh bị mẩn ngứa do viêm gan B, việc xây dựng chế độ ăn uống khoa học là rất cần thiết. Một vài gợi ý bao gồm:
- Ăn uống đầy đủ và cân bằng các nhóm chất
- Tăng cường bổ sung rau xanh và trái cây tươi, uống nhiều nước
- Ưu tiên tiêu thụ thực phẩm tươi sạch, tránh sử dụng các loại đồ đóng hộp, đồ ăn chế biến sẵn, thức ăn nhiều dầu mỡ hoặc nêm nếm nhiều gia vị cay nóng
- Uống nhiều nước để hỗ trợ trao đổi chất, giúp thanh lọc cơ thể và đào thải độc tố hiệu quả hơn. Ngoài ra, uống đủ nước cũng giúp bổ sung độ ẩm cho da, góp phần giảm nhanh tình trạng mẩn ngứa, khô da và kích ứng.
- Không sử dụng rượu bia, nước ngọt…
Thay đổi thói quen sinh hoạt
Để cải thiện tình trạng mẩn ngứa và hỗ trợ phục hồi chức năng gan, người bệnh cũng cần duy trì lối sống, thói quen sinh hoạt tích cực:
- Làm việc và nghỉ ngơi khoa học, tránh tình trạng làm việc quá sức hoặc duy trì trạng thái căng thẳng kéo dài.
- Tập luyện thể dục thể thao với các bài tập phù hợp, hạn chế các hoạt động phải gắng sức.
- Tránh thức khuya, nên duy trì thói quen ngủ sớm, ngủ đủ 7 – 8 tiếng mỗi ngày.
Trên đây là những thông tin hữu ích về việc “Bị viêm gan B mẩn ngứa phải làm sao?”. Hãy thường xuyên truy cập Tuelinh.vn để theo dõi thêm nhiều thông tin sức khỏe bổ ích nhé!
Chúc bạn thật nhiều sức khỏe và niềm vui!