Mẩn ngứa là một biểu hiện bên ngoài dễ gặp ở người bệnh gan . Gan có nhiệm vụ trung hòa độc tố và đào thải muối mật, khi gan bị bệnh, chức năng gan bị suy giảm, những tác nhân này có thể bị tích tụ trong cơ thể và lắng đọng ở da, gây kích ứng và sẩn ngứa. Điều trị sẩn ngứa ở người bệnh gan rất phức tạp. Dưới đây là những thông tin cụ thể.
Về hiện tượng mẩn ngứa ở người bệnh gan
Mẩn ngứa có thể là biểu hiện của một số bệnh ngoài da đơn thuần, nhưng cũng có thể là biểu hiện của một số bệnh lý liên quan đến gan. Với những trường hợp bị bệnh gan có ứ tắc mật như xơ đường mật tiên phát, tắc đường mật do sỏi, tình trạng sẩn ngứa thường lan tỏa nhưng nặng hơn ở chân và tay. Tuy rằng các mức độ của sẩn ngứa không có liên quan trực tiếp với nồng độ của các độc tố và muối mật, nhưng các biện pháp điều trị giảm nồng độ muối mật có thể giúp giảm bớt triệu chứng ngứa.
Điều trị mẩn ngứa ở người bệnh gan
Việc điều trị mẩn ngứa ở người bệnh gan vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Điều trị khởi đầu là sử dụng chất resin trao đổi anion có tác dụng hấp thu các phân tử axít mật như cholestyramine, với liều 4g/ngày, tăng dần đến 24g/ngày, chia 2 lần uống trong bữa ăn.
Nếu tình trạng mẩn ngứa không đáp ứng với cholestyramine hoặc người bệnh không dung nạp được với thuốc, có thể điều trị thử bằng thuốc chống lao rifampin, thuốc này có tác dụng thúc đẩy chuyển hóa các chất gây ngứa nội sinh, có hiệu quả giảm ngứa do ứ mật khi được dùng với liều khởi đầu 150mg/ngày và tăng dần lên tới 600mg/ngày, tùy thuộc vào đáp ứng lâm sàng.
Các thuốc dòng thứ 3 có thể được dùng thử là các dẫn xuất kháng thuốc phiện như naltrexone và nalmefene.
Gạn huyết tương có thể được cân nhắc sử dụng nếu điều trị bằng thuốc thất bại. Các phương pháp điều trị khác mang tính thực nghiệm bao gồm thay huyết tương, điều trị chống ôxy hóa , chiếu tia hồng ngoại và ghép gan.
Tìm hiểu thêm: Làm gì khi nổi mề đay mẩn ngứa do gan kém?