Mề đay mẩn ngứa không chỉ gây cảm giác khó chịu mà còn có thể tiềm ẩn những biến chứng nguy hiểm nếu không được chăm sóc, điều trị đúng cách. Trong bài viết dưới đây, Tuệ Linh sẽ cung cấp cho bạn đọc thông tin tổng hợp về những cách trị mề đay mẩn ngứa được áp dụng phổ biến hiện nay.
Hiểu nhanh về mề đay mẩn ngứa
Mề đay (mày đay) đặc trưng bởi sự xuất hiện của các nốt sẩn cục (gần giống nốt muỗi đốt) xuất hiện theo từng mảng lớn, kèm theo cảm giác ngứa ngáy, vô cùng khó chịu. Chúng có thể là triệu chứng của nhiều bệnh lý hoặc tình trạng khác nhau, bao gồm: chức năng gan kém, rối loạn nội tiết, dị ứng thực phẩm, dị ứng hóa chất, dị ứng thuốc hoặc dị ứng phấn hoa và lông động vật… Ngoài ra, hiện tượng nổi mề đay cũng có thể liên quan đến yếu tố di truyền hay sự thay đổi thời tiết, nhiệt độ đột ngột…
Khi các tác nhân gây hại tấn công cơ thể, hệ thống miễn dịch sẽ được kích hoạt, giải phóng hàng loạt các chất, bao gồm histamine để chống lại chúng. Điều này làm cho niêm mạc và mao mạch dưới da bị kích thích, dẫn đến tình trạng nổi mề đay, sưng tấy và ngứa ngáy.
Phần lớn trường hợp mề đay mẩn ngứa đều không nguy hiểm, chúng thường chỉ gây khó chịu và làm ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, nếu không được can thiệp xử lý và chăm sóc đúng cách, mề đay mẩn ngứa có thể dẫn đến các biến chứng như nhiễm trùng, suy nhược cơ thể… Trường hợp dị ứng nghiêm trọng người bệnh cũng có thể bị suy hô hấp, thậm chí tử vong trong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Các cách trị mề đay mẩn ngứa
Dưới đây là một số cách trị mề đay mẩn ngứa bạn có thể tham khảo:
1. Cách ly với tác nhân gây bệnh
Đa số các trường hợp nổi mề đay thông thường, triệu chứng sẽ thuyên giảm và biến mất trong khoảng 24 giờ. Tuy nhiên nếu không được cách ly với các tác nhân gây dị ứng, tình trạng có thể nhanh chóng trở nên nghiêm trọng hơn.
Chính vì vậy, một trong những việc làm quan trọng trong điều trị mề đay mẩn ngứa là xác định chính xác tác nhân gây kích ứng và tránh tiếp xúc với chúng.
Để làm được điều này, hãy xem xét các yếu tố mà bạn đã tiếp xúc hoặc sử dụng gần đây (côn trùng, lông động vật, thuốc, hóa chất…) cũng như những thay đổi đổi về tâm sinh lý (nội tiết, stress), từ đó xác định căn nguyên gây bệnh. Ngoài ra, bạn có thể đến gặp bác sĩ để được thăm khám và thực hiện các xét nghiệm cần thiết, từ đó xác định chính xác yếu tố dị nguyên và kiểm soát tình trạng mề đay mẩn ngứa một cách hiệu quả.
2. Trị mề đay mẩn ngứa bằng muối
Muối có đặc tính sát khuẩn, có thể giúp giảm ngứa và làm dịu da. Bạn có thể sử dụng muối để trị mề đay mẩn ngứa theo cách sau:
- Chuẩn bị khoảng 200g muối hạt, rang trên chảo cho đến khi muối phát ra tiếng nổ lách tách
- Chút muối đã rang vào khăn sạch, quấn lại, cho vào túi chườm
- Vệ sinh vùng da bị mề đay, thấm khô nước, sau đó nhẹ nhàng đặt túi chườm muối lên, chú ý nhiệt độ tránh bị bỏng
- Khi muối nguội, có thể làm nóng lại và chườm thêm lần nữa.
3. Trị mề đay mẩn ngứa với lá khế
Từ lâu trong dân gian đã xem lá khế như “thần dược” trị mề đay mẩn ngứa nhờ khả năng xoa dịu cơn ngứa, cải thiện các nốt mề đay với đặc tính kháng viêm, kháng khuẩn.
Cách làm:
- Chuẩn bị một nắm lá khế tươi, rửa sạch
- Rang lá khế trên chảo cho đến khi lá héo lại thì tắt bếp
- Chờ vài phút cho lá khế nguội bớt rồi dùng đắp lên vùng da bị mề đay
- Thực hiện nhiều lần trong ngày cho đến khi các nốt mề đay biến mất hoàn toàn.
Ngoài ra, việc dùng cành và lá khế nấu nước tắm cũng được nhiều người áp dụng trong việc trị mề đay mẩn ngứa.
4. Trị mề đay mẩn ngứa bằng lá trà xanh
Lá trà xanh hay còn gọi là chè xanh có chứa các thành phần như catechin, quercetin và EGCG… với khả năng chống oxy hóa mạnh mẽ cùng đặc tính kháng khuẩn, chống viêm, giúp cải thiện tình trạng viêm ngứa, đồng thời tăng cường hàng rào bảo vệ, thúc đẩy phục hồi tổn thương da.
Cách trị mề đay mẩn ngứa bằng trà xanh thường được áp dụng như sau:
- Chuẩn bị một nắm lá trà xanh, rửa sạch, ngâm nước muối loãng để loại bỏ vi khuẩn và tạp chất
- Vò nát lá trà xanh, cho vào ấm đun sôi cùng 1 lít nước sạch
- Chắt nước lá trà xanh ra thau sạch, thêm một chút muối vào và hòa tan hoàn toàn
- Pha thêm nước vào nước lá trà xanh cho vừa đủ ấm rồi dùng vệ sinh vùng da bị mề đay mẩn ngứa.
5. Cách trị mề đay mẩn ngứa với lá trầu không
Lá trầu không nổi tiếng với khả năng chống viêm, ngăn ngừa viêm nhiễm nên thường được áp dụng trong nhiều bài thuốc dân gian, bao gồm cả bầ thuốc trị mề đay mẩn ngứa.
Cách làm:
- Chuẩn bị một nắm lá trầu tươi và một chút muối hạt
- Rửa sạch lá trầu không, ngâm nước muối loãng sau đó vớt ra để ráo
- Giã nát lá trầu cùng một chút muối hạt
- Vệ sinh dùng da bị mề đay, đắp hỗn hợp trầu không và muối lên da và giữ nguyên khoảng 30 phút, có thể dùng băng gạc cố định lại
- Sau khoảng 30 phút thì tháo băng bạc và để thêm 30 phút nữa rồi mới rửa lại bằng nước ấm.
Lưu ý: Người bệnh không nên áp dụng các mẹo này trong trường hợp da có vết thương hở. Các mẹo chữa mề đay mẩn ngứa bằng phương pháp dân gian thường cho tác dụng chậm, hiệu quả sẽ phụ thuộc cơ địa mỗi người.
6. Trị mề đay mẩn ngứa theo Đông y
Theo quan điểm Đông y, mề đay mẩn ngứa hay “Phong chẩn”, “Ma chẩn” xảy ra khi chức năng tạng phủ suy giảm, đặc biệt là can và tỳ (gan và lách), khiến độc tố tích tụ trong cơ thể không được thải trừ ra ngoài, gây hại cho phế (phổi). Phế là tạng chủ bì mao (quản về da, lông, tóc và móng), khi phế bị tổn thương, da sẽ phát ban sẩn.
Ngoài ra, khi dinh – vệ bất hòa, sức đề kháng của cơ thể sẽ suy yếu, tạo điều kiện cho ngoại tà xâm nhập, làm kinh lạc tắc nghẽn và giảm lưu thông khí huyết. Uất khí lại dẫn đến sinh nhiệt, phát ra bì phu (da), làm nổi sẩn, kèm theo ngứa.
Hướng điều trị mề đay mẩn ngứa theo Đông y sẽ tập trung vào việc cân bằng lại khí huyết, điều hòa tạng phủ và thanh nhiệt, giải độc. Dưới đây là một số bài thuốc tham khảo:
Bài thuốc số 1:
- Chuẩn bị: Kim ngân 20g, Kinh giới, Cỏ mực, Nam hoàng bá, Cam thảo đất mỗi vị 16g, Chi tử, Phòng phong, Đương quy, Ngân hoa, Huyền sâm mỗi vị 12g.
- Rửa sạch dược liệu, sắc cùng nước sạch, uống mỗi ngày 1 thang.
Bài thuốc số 2:
- Chuẩn bị: Cát căn, Thương nhĩ, Hạ khô thảo, Nam hoàng bá, Kinh giới, Cỏ mực, Rau má, Thổ linh, Bồ công anh mỗi vị 16g, Liên kiều, Chi tử, Hoàng cầm mỗi vị 12g.
- Rửa sạch dược liệu, cho vào ấm sắc cùng nước sạch, uống hết trong ngày.
Bài thuốc số 3:
- Chuẩn bị: Cỏ mần trầu, Tang diệp, Kim ngân, rau má mỗi vị 20g, Tang ký sinh, quả ké, Xương bồ mỗi vị 16g, Cam thảo, Sài hồ, Hoàng Cầm, Bạch thược mỗi vị 12g.
- Rửa sạch dược liệu, sắc cùng nước sạch, uống mỗi ngày 1 thang.
Lưu ý: Các bài thuốc Đông y nêu trên chỉ mang tính tham khảo, người bệnh không nên tự ý áp dụng khi chưa tham khảo ý kiến của thầy thuốc hoặc người có chuyên môn. Ngoài ra, khi chữa mề đay mẩn ngứa bằng Đông y cần kiên trì thực hiện để cảm nhận được hiệu quả
7. Dùng thuốc tân dược
Sử dụng thuốc là phương pháp trị mề đay mẩn ngứa được đánh giá cao và cho hiệu quả nhanh chóng. Tùy trường hợp cụ thể, các thuốc sử dụng có thể bao gồm:
- Thuốc kháng histamine: Có khả năng làm giảm nhanh cảm giác ngứa ngáy do mề đay gây ra. Một số thuốc có thể được sử dụng bao gồm: Cetirizine, loratadine, fexofenadine,…
- Thuốc chống viêm: Các thuốc chống viêm như Leukotriene và colchicine có thể ức chế các chất trung gian gây viêm, từ đó làm giảm triệu chứng mề đay mẩn ngứa.
- Thuốc corticosteroid toàn thân: Có tác dụng ức chế miễn dịch và chống viêm mạnh. Trường hợp người bệnh bị mề đay mẩn ngứa nghiêm trọng và không đáp ứng với các thuốc điều trị thông thường, thuốc corticosteroid có thể được chỉ định.
- Thuốc kháng sinh: Thuốc kháng sinh có thể được kê đơn nếu bệnh nhân có dấu hiệu tổn thương, nhiễm trùng trên da.
- Thuốc bổ sung vitamin và dưỡng chất: Các sản phẩm bổ sung vitamin và dưỡng chất cũng có thể được chỉ định cho người bệnh mề đay mẩn ngứa để tăng cường sức đề kháng, tăng khả năng chống lại các tổn thương và giúp cơ thể phục hồi nhanh hơn.
- Biện pháp điều trị khác: Các biện pháp như Immunoglobulin truyền tĩnh mạch hoặc thay huyết tương có thể được cân nhắc trong trường hợp bệnh nhân bị dị ứng nổi mề đay mẩn ngứa nghiêm trọng và không đáp ứng với điều trị thông thường.
Lưu ý: Mặc dù đem lại hiệu quả nhanh chóng tuy nhiên việc sử dụng thuốc cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ tác dụng phụ. Người bệnh tuyệt đối không tự ý mua thuốc về sử dụng khi không có chỉ định của bác sĩ, tránh những nguy hiểm có thể xảy ra.
Những điểm cần lưu ý:
Để trị mề đay mẩn ngứa một cách an toàn, hiệu quả, người bệnh cũng cần lưu ý những vấn đề như:
- Giữ vệ sinh da sạch sẽ, cắt móng tay, tránh gãi cào khiến da bị tổn thương.
- Có thể sử dụng kem dưỡng ẩm dịu nhẹ để làm mát và dịu da, hạn chế tình trạng da khô làm tăng nguy cơ kích ứng.
- Bổ sung dinh dưỡng khoa học, lành mạnh, tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất để giúp cải thiện sức đề kháng, nâng cao sức khỏe tổng thể.
- Tránh sử dụng các món ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ hoặc các thực phẩm dễ gây dị ứng như hải sản, thịt bò, trứng, đậu phộng…
- Uống nhiều nước để giúp quá trình trao đổi chất diễn ra hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đào thải độc tố ra bên ngoài cơ thể.
- Làm sạch không gian sống, loại bỏ các tác nhân gây dị ứng như lông động vật, bụi bẩn, phấn hoa, côn trùng
- Tránh tiếp xúc với xà phòng, hóa chất, chất tẩy rửa…
Trên đây là bài viết giới thiệu những cách trị mề đay mẩn ngứa được nhiều người tin dung mà bạn hoàn toàn có thể tham khảo. Tuy nhiên, nếu tình trạng nổi mề đay mẩn ngứa có kèm theo các biểu hiện như chóng mặt, khó thở, sưng môi, sưng mặt hoặc sưng họng… người bệnh cần đến cơ sở y tế ngay lập tức để được cấp cứu kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.