Mẩn đỏ khắp người có thể xảy ra do những kích ứng thông thường nhưng cũng có thể là dấu hiệu bệnh lý, khiến không ít người lo lắng. Trong bài viết này, hãy cùng Tuệ Linh tìm hiểu chi tiết nguyên nhân dẫn đến tình trạng này và giải đáp thắc mắc “Bị mẩn đỏ khắp người phải làm sao?”.
Bị mẩn đỏ khắp người là bệnh gì?
Nổi mẩn đỏ khắp người là tình trạng phổ biến, có thể gặp phải ở nhiều người. Ban đầu, các nốt mẩn đỏ có thể xuất hiện thành từng mảng với kích thước khác nhau, sau đó lan rộng ra toàn cơ thể và thường kèm theo cảm giác ngứa ngáy, khó chịu. Tuy nhiên, triệu chứng cụ thể sẽ khác nhau ở mỗi người và phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh.
Một số nguyên nhân, bệnh lý có thể dẫn đến tình trạng này bao gồm:
Mề đay
Mề đay xảy ra do phản ứng của niêm mạc và mao mạch dưới da, làm xuất hiện các nốt sẩn đỏ, ngứa ngáy. Chúng khởi phát đột ngột tại bất kỳ vùng da nào trên cơ thể, sau đó lan rộng ra toàn thân.
Các nốt mề đay thường biến mất sau vài giờ, tuy nhiên chúng cũng có thể kéo dài đến vài ngày, thậm chí hơn 6 tuần (mề đay mạn tính).
Dị ứng
Dị ứng là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến da bị mẩn đỏ toàn thân. Cụ thể, khi cơ thể tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng, hệ miễn dịch sẽ phản ứng lại bằng cách sản sinh histamin, gây ra các triệu chứng dị ứng như nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy.
Tình trạng này có thể xảy ra khi người bệnh tiếp xúc với mỹ phẩm, xà phòng, hóa chất, nguồn nước ô nhiễm hoặc dị ứng với các thành phần trong thuốc trị bệnh.. Ngoài ra, chúng cũng có thể khởi phát do các yếu tố dị nguyên như khói bụi, phấn hoa, côn trùng, lông động vật…
Sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm gây ra bởi virus dengue. Nổi mẩn đỏ trên da được xem là một trong những triệu chứng đặc trưng của bệnh. Thông thường, các nốt mẩn đỏ sẽ xuất hiện ở thân mình trước, sau đó lan rộng ra tay chân.
Ngoài ra, người bệnh sốt xuất huyết có thể gặp phải các triệu chứng khác như sốt cao đột ngột, đau đầu, đau cơ, đau bụng, mệt mỏi, chán ăn, chảy máu cam, chảy máu chân răng…
Bệnh sởi
Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính liên quan đến virus. Bệnh cũng đặc trưng bởi tình trạng xuất hiện mẩn đỏ trên da. Ban đầu, các nốt này sẽ xuất hiện sau tai, sau đó lan xuống mặt, cổ, thân mình rồi đến tay chân.
Bên cạnh đó, bệnh sởi còn gây ra các triệu chứng khác như sốt, ho, chảy nước mũi, mắt đỏ và đau nhức, nôn mửa, tiêu chảy…
☛ Xem thêm: 10 bài thuốc trị bệnh sởi
Viêm mạch bạch huyết
Viêm mạch bạch huyết là tình trạng nhiễm khuẩn cấp tính thường liên quan đến vi khuẩn streptococcal, làm các hạch bạch huyết sưng lên, kèm theo triệu chứng điển hình là các vệt ban đỏ nhạy cảm trên da.
Một số triệu chứng khác của bệnh có thể bao gồm sốt, ớn lạnh, đau đầu, đau cơ, ăn không ngon…
Thay đổi nội tiết
Người trong độ tuổi dậy thì hoặc phụ nữ mang thai, tiền mãn kinh… thường có những thay đổi lớn về hệ thống nội tiết. Điều này có thể khiến hệ miễn dịch bị kích thích, phản ứng lại bằng tình trạng phát ban, nổi mẩn trên da.
Ngoài ra, các trường hợp mắc bệnh lý về tuyến giáp cũng rất dễ bị nổi mẩn khắp người.
Bệnh về gan thận
Gan và thận có vai trò quan trọng trong việc lọc và đào thải độc tố. Các bệnh lý như viêm gan, xơ gan, ung thư gan, suy thận, viêm thận… có thể làm độc tố tích tụ tích tụ lại bên trong cơ thể. Hệ thống miễn dịch sẽ tăng cường hoạt động để loại bỏ các chất độc này, hệ quả làm xuất hiện tình trạng mẩn đỏ trên da, kèm theo ngứa ngáy, khó chịu.
Đặc biệt, các bệnh lý gan thận nếu không được can thiệp điều trị kịp thời, đúng cách có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, gây ra các biến chứng nguy hiểm, thậm chí dẫn đến tử vong.
☛ Tìm hiểu thêm: Bị mề đay mẩn ngứa do gan kém phải làm sao?
Tiểu đường
Khi lượng đường trong máu vượt quá ngưỡng cho phép, cơ thể có thể xuất hiện một số rối loạn, làm các mạch máu dưới da bị tổn thương, giảm khả năng vận chuyển máu và các chất dinh dưỡng đến các tế bào da. Da không được cung cấp đủ dưỡng chất sẽ trở nên khô sần, nổi mẩn, ngứa ngáy.
Bệnh về máu
Các bệnh lý như đa hồng cầu, loạn sản tủy, tăng Eosin trong máu… có thể gây ra các rối loạn về máu trong cơ thể, dẫn đến hiện tượng nổi mẩn toàn thân.
Các nguyên nhân khác
- Rôm sảy: Rôm sảy hay phát ban nhiệt là tình trạng thường gặp khi thời tiết nóng ẩm, tuyến mồ hôi bị tắc nghẽn và không thể phát ra bên ngoài, tích tụ dưới da và hình thành các nốt mẩn đỏ, châm chích.
- Nhiễm giun sán: Một số trường hợp ấu trùng giun sán có thể chui vào ống mật, khiến ống mật bị tắc nghẽn và làm độc tố tích tụ trong cơ thể. Đồng thời, hệ miễn dịch cũng phản ứng lại với các chất độc này để loại bỏ chúng, gây nổi mẩn đỏ toàn thân.
- Căng thẳng, stress: Khi cơ thể rơi vào tình trạng căng thẳng kéo dài, não bộ sẽ sản sinh ra một số chất không tốt cho sức khỏe. Chúng có thể tác động xấu đến hệ miễn dịch, làm da nổi mẩn đỏ.
Bị mẩn đỏ khắp người phải làm sao?
Thông thường, tình trạng nổi mẩn đỏ trên da không quá nguy hiểm và không đe dọa đến tính mạng. Tuy nhiên, nó có thể là dấu hiệu của những bệnh lý nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Do đó việc theo dõi, phát hiện sớm các triệu chứng và can thiệp khắc phục kịp thời là điều vô cùng quan trọng.
Dưới đây là một số biện pháp xử lý khi bị mẩn đỏ khắp người mà bạn không nên bỏ qua:
Giữ vệ sinh và chăm sóc, bảo vệ da
Giữ vệ sinh và chăm sóc da đúng cách cũng là việc làm quan trọng để giúp các tổn thương nhanh phục hồi, cải thiện nhanh chóng tình trạng nổi mẩn đỏ khắp người. Một số gợi ý cụ thể bao gồm:
- Làm sạch da bằng nước ấm mỗi ngày. Sau khi tắm dùng khăn bông mềm thấm khô nước trên da, giữ da luôn khô thoáng.
- Chọn trang phục rộng rãi, thoải mái và thấm hút mồ hôi tốt, tránh tình trạng bít tắc lỗ chân lông và kích ứng.
- Tránh gãi cào khiến da bị tổn thương nhiều hơn, tăng nguy cơ viêm nhiễm.
- Hạn chế tiếp xúc với các tác nhân có thể gây kích ứng như bụi bẩn, phấn hoa, lông động vật… Đồng thời sử dụng các biện pháp bảo vệ da khi tiếp xúc với xà phòng, chất tẩy rửa và các hóa chất độc hại…
- Che chắn, bảo vệ da khỏi tác động của ánh nắng mặt trời, đặc biệt khi nắng gắt.
- Thoa kem dưỡng ẩm 2 lần/ngày để cung cấp đủ độ ẩm cho da, xoa dịu tình trạng kích ứng, đặc biệt trong những ngày trời hanh khô. Tuy nhiên, cần lưu ý chọn các loại kem dưỡng ẩm dịu nhẹ, phù hợp với làn da.
Bổ sung dinh dưỡng phù hợp
Việc bổ sung dinh dưỡng khoa học, phù hợp không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn có thể tác động tích cực đến quá trình phục hồi tổn thương da.
- Tuyệt đối không ăn các loại thực phẩm mà bản thân bị dị ứng.
- Hạn chế sử dụng các món ăn cay nóng, đồ ăn nhiều dầu mỡ.
- Không sử dụng rượu bia và các chất kích thích
- Ăn uống đầy đủ các nhóm chất, tăng cường bổ sung vitamin và khoáng chất, đặc biệt là vitamin C để giúp nâng cao sức đề kháng, cải thiện tình trạng da khô ngứa…
- Uống nhiều nước để thúc đẩy quá trình trao đổi chất, hỗ trợ đào thải độc tố, thanh lọc cơ thể và cung cấp độ ẩm cho da, góp phần giảm nhanh tình trạng nổi mẩn, kích ứng.
Kết hợp thói quen sinh hoạt lành mạnh
Để hỗ trợ quá trình điều trị, khắc phục tình trạng mẩn đỏ toàn thân diễn ra hiệu quả hơn và hạn chế nguy cơ tái phát, người bệnh cũng nên chú ý đến việc xây dựng thói quen sinh hoạt lành mạnh, khoa học. Cụ thể:
- Ngủ đủ giấc 7 – 8 tiếng mỗi ngày, hạn chế thức khuya.
- Dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn để giảm bớt căng thẳng sau những thời gian học tập, làm việc mệt mỏi.
- Tăng cường vận động nhẹ nhàng, tập luyện thể dục thể thao phù hợp với thể trạng để nâng cao sức khỏe tổng thể, củng cố hệ miễn dịch, tăng khả năng chống lại bệnh tật.
Thăm khám và điều trị
Nếu bạn bị nổi mẩn đỏ toàn thân thường xuyên hoặc kéo dài không rõ nguyên nhân hoặc nghi ngờ do các yếu tố bệnh lý, hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám càng sớm càng tốt, tránh tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn.
Tùy trường hợp cụ thể, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh sử dụng một số thuốc điều trị như:
- Thuốc kháng histamin: Trường hợp người bệnh bị ngứa ngáy khó chịu, các thuốc kháng histamin như Clobetasol, Doxepin, Hydroxyzine… có thể được chỉ định để làm giảm nhanh cảm giác ngứa ngáy trên da.
- Thuốc bôi Corticosteroid: Có tác dụng chống viêm mạnh mẽ, làm giảm tình trạng da sưng đỏ, ngứa ngáy. Một số thuốc như Hydrocortisone, Betamethasone, Fluocinolone… thường được dùng trong trường hợp bệnh nhân bị ngứa ngáy nghiêm trọng và đáp ứng với các thuốc kháng histamin.
- Thuốc kháng sinh: Nếu người bệnh bị nổi mẩn đỏ trên da kèm theo các dấu hiệu nhiễm khuẩn, thuốc kháng sinh có thể được chỉ định để tiêu diệt vi khuẩn, khắc phục viêm nhiễm và ngăn tổn thương lan rộng.
Ngoài ra, nếu triệu chứng mẩn ngứa khắp người có liên quan đến yếu tố bệnh lý, người bệnh cũng cần sử dụng thêm các loại thuốc khác tùy thuộc vào căn nguyên cụ thể.
Dù sử dụng bất cứ loại thuốc nào, bệnh nhân cũng cần tuân thủ tuyệt đối hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý tăng – giảm liều hay lạm dụng thuốc, tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Kết luận:
Nổi mẩn đỏ khắp người thường không nguy hiểm tuy nhiên chúng cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý. Người bệnh cần chủ động theo dõi sức khỏe, nếu gặp tình trạng này thường xuyên, kéo dài hoặc nghi ngờ có liên quan đến các căn bệnh khác, hãy chủ động đến gặp bác sĩ để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị, hạn chế các nguy cơ tiềm ẩn.