Hiện tượng nổi mề đay mẩn ngứa gây cảm giác khó chịu, làm ảnh hưởng không ít đến cuộc sống sinh hoạt của nhiều người. Vậy bệnh mề đay mẩn ngứa là gì? Đâu là nguyên nhân và cách trị ra sao? Bạn hãy cùng Tuệ Linh tìm hiểu nhé.
Mục lục
Bệnh mề đay mẩn ngứa là gì?
Mề đay hay mày đay là tình trạng da nổi sần, ngứa ngáy, các nốt sần có thể lan rộng thành mảng lớn, vô cùng khó chịu. Mề đay mẩn ngứa thực chất không phải là một bệnh mà là triệu chứng của các bệnh lý hoặc tình trạng khác nhau. Chúng xảy ra do phản ứng của các niêm mạc và mao mạch dưới da khi gặp phải tác nhân gây dị ứng, bao gồm cả tác nhân bên trong hoặc bên ngoài cơ thể.
Khi các tác nhân gây dị ứng xâm nhập, tấn công cơ thể, hệ thống miễn dịch sẽ phản ứng lại bằng cách giải phóng ra một loạt các chất để chống lại chúng, trong đó có histamin – một chất được tạo ra từ tế bào mast và các tế bào miễn dịch khác. Lúc này, cơ thể cũng phản ứng lại với lượng histamin tăng cao bằng cách gây ra các phản ứng dị ứng như nổi mề đay, sưng tấy, kèm theo cảm giác ngứa ngáy.
Các nốt mề đay có thể xuất hiện tại bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, tuy nhiên phổ biến nhất ở các vùng mặt, lưng, ngực, tay, chân. Hiện nay, chúng có thể được chia thành 2 dạng chính:
- Mề đay cấp tính: Khởi phát đột ngột và kéo dài dưới 6 tuần.
- Mề đay mạn tính: Tái phát nhiều lần và kéo dài hơn 6 tuần.
Nguyên nhân gây mề đay mẩn ngứa
Tình trạng mề đay mẩn ngứa có thể xuất hiện do nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm:
Dị ứng
Đây là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến mẩn ngứa nổi mề đay. Tình trạng này có thể xuất hiện do nhiều tác nhân gây dị ứng như:
Dị ứng thực phẩm: Khi ăn phải các thực phẩm bản thân bị dị ứng, hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ xác định chúng là các yếu tố ngoại lai, đồng thời hình thành các phản ứng dị ứng như nổi mề đay để chống lại chúng. Dị ứng thực phẩm thường gặp phải khi ăn một số món giàu đạm từ hải sản, đậu phộng, trứng…
Dị ứng thuốc: Thường xảy ra khi sử dụng thuốc kháng sinh. Một số trường hợp dùng thuốc giảm đau hoặc thuốc điều trị viêm khớp, huyết áp, cảm cúm… cũng có thể gặp phải tình trạng này. Khi bị nổi mề đay mẩn ngứa do dị ứng thuốc, người bệnh cần ngừng uống và thông báo cho bác sĩ hoặc đến các cơ sở uy tín để được thăm khám, xử lý kịp thời.
Dị ứng côn trùng: Một số loại côn trùng như ong, nhện, kiến ba khoang… có chứa độc tố và có thể gây dị ứng khi bị chúng cắn.
Dị ứng hóa chất: Việc tiếp xúc với các loại hóa chất, chất tẩy rửa, mỹ phẩm, thuốc uốn – duỗi hoặc thuốc nhuộm tóc, nước giặt… cũng có thể gây tình trạng mẩn ngứa, nổi mề đay ở những người có cơ địa dị ứng.
Các tác nhân khác: Mẩn ngứa nổi mề đay cũng có thể xuất hiện khi người bệnh tiếp xúc với các yếu tố dị nguyên khác như lông động vật, phấn hoa, bụi bẩn, nguồn nước ô nhiễm….
Bệnh lý
Một số bệnh lý như tuyến giáp tự miễn, cryoglobulinemia, lupus ban đỏ… không chỉ khiến nội tiết tố bị rối loạn mà còn làm suy giảm khả năng miễn dịch của cơ thể, tạo điều kiện thuận lợi cho các phản ứng dị ứng, dẫn đến tình trạng nổi mề đay mẩn ngứa.
Ngoài ra, người mắc các bệnh lý như tiểu đường, viêm mạch máu… cũng có nguy cơ bị mề đay mẩn ngứa cao hơn bình thường.
Chức năng gan kém
Chức năng gan kém cũng có thể là nguyên nhân gây tình trạng mề đay mẩn ngứa. Theo đó, khi gan hoạt động kém hiệu quả, chúng sẽ không thể loại bỏ độc tố ra khỏi cơ thể, làm các chất độc tích tụ ngày một nhiều thêm. Hệ thống miễn dịch có thể bị kích thích để cố gắng chống lại các chất này, dẫn đến mề đay mẩn ngứa.
☛ Đọc thêm: Cách trị mẩn ngứa ở người bệnh gan
Yếu tố di truyền
Hiện tượng nổi mề đay mẩn ngứa cũng có thể liên quan đến yếu tố di truyền. Nếu trong gia đình có người thân cận huyết mắc bệnh, ta sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với những người khác.
Stress
Tình trạng stress kéo dài sẽ khiến cơ thể sản sinh ra nhiều các hormone cortisol, norepinephrine và adrenaline. Sự gia tăng của chúng sẽ làm giảm khả năng hoạt động của hệ thống miễn dịch, tạo điều kiện cho các tác nhân gây dị ứng tấn công cơ thể, đồng thời làm tăng nồng độ histamine, gây mề đay mẩn ngứa.
Nguyên nhân khác
Mề đay mẩn ngứa cũng có thể khởi phát bởi các yếu tố khác như:
- Chà xát da quá mạnh hoặc mặc quần áo quá chật
- Mặc quần áo ẩm ướt
- Vận động thể chất với cường độ cao, làm việc nặng nhọc, gắng sức
- Tiếp xúc quá lâu với ánh nắng mặt trời
- Thay đổi nhiệt độ đột ngột…
Dấu hiệu nhận biết bệnh mề đay mẩn ngứa
Các triệu chứng mề đay mẩn ngứa có thể khác nhau ở mỗi người, bao gồm cả mức độ nặng – nhẹ. Dưới đây là một số dấu hiệu điển hình:
Da nổi sẩn: Da của người bệnh xuất hiện các nốt sẩn phù (mề đay) với kích thước khác nhau, có màu đỏ hoặc nhạt hơn so với vùng da xung quanh và có ranh giới rõ ràng. Các nốt này thường xuất hiện tại một số vùng nhất định, tập trung thành từng mảng lớn hoặc cũng có thể mọc ở một vùng, sau đó lan rộng ra toàn thân.
Ngứa ngáy, càng gãi càng ngứa: Đây là triệu chứng dễ nhận thấy nhất khi bị mề đay mẩn ngứa. Theo đó, vùng da bị kích ứng sẽ có cảm giác ngứa dữ dội, càng gãi càng thấy ngứa, thậm chí kèm theo cảm giác nóng rát. Đặc biệt, cơn ngứa thường trở nên dữ dội hơn vào ban đêm, làm ảnh hưởng trực tiếp đến giấc ngủ của người bệnh.
Các triệu chứng khác: Sưng môi, sưng mí mắt, đau bụng dữ dội, buồn nôn, nôn mửa, đi ngoài phân lỏng…
Mề đay mẩn ngứa có nguy hiểm không?
Phần lớn các trường hợp mề đay mẩn ngứa đều lành tính, chỉ gây cảm giác khó chịu và làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của người bệnh trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, trường hợp nghiêm trọng hoặc không được xử lý, chăm sóc đúng cách, chúng có thể gây ra các biến chứng như:
- Nhiễm trùng, tổn thương da: Thói quen gãi cào khi ngứa có khiến da bị tổn thương, chảy máu, thậm chí nhiễm trùng, bội nhiễm.
- Suy nhược cơ thể: Tình trạng ngứa ngáy kéo dài, đặc biệt và ban đêm, khiến bệnh nhân mất ăn – mất ngủ, lo lắng, lâu dần dẫn đến suy nhược cơ thể.
- Suy hô hấp: Một số trường hợp mề đay mẩn ngứa do dị ứng nghiêm trọng, thanh quản và lưỡi gà của người bệnh có thể bị phù nề (phù Quincke), dẫn đến các triệu chứng như khó thở, hạ huyết áp, rối loạn nhịp tim… thậm chí sốc phản vệ, đe dọa tính mạng người bệnh. Đây cũng là biến chứng nguy hiểm nhất, cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế để được xử lý cấp cứu ngay lập tức, tránh đáng tiếc có thể xảy ra.
Điều trị mề đay mẩn ngứa bằng cách nào?
Để khắc phục hiệu quả tình trạng nổi mề đay mẩn ngứa, việc điều trị cần tập trung vào đúng căn nguyên gây bệnh, loại bỏ và tránh tiếp xúc với các yếu tố dị nguyên gây dị ứng.
Ngoài ra, tùy trường hợp cụ thể, các biện pháp điều trị kết hợp có thể bao gồm:
Chăm sóc tại nhà
Dưới đây là một số biện pháp chăm sóc tại nhà mà người bệnh mề đay mẩn ngứa có thể áp dụng:
- Vệ sinh da với nước ấm và xà phòng dịu nhẹ, không sử dụng các sản phẩm có chứa hóa chất hoặc chất gây kích ứng.
- Tránh gãi cào gây tổn thương da, làm tình trạng bệnh thêm nghiêm trọng.
- Sử dụng kem dưỡng ẩm lành tính để làm mát và dịu da, giảm bớt cảm giác ngứa ngáy, khó chịu.
- Mặc quần áo thoáng mát, chất liệu mềm mại và thấm hút mồ hôi tốt để giảm kích ứng.
- Vệ sinh nơi ở, thay chăn, ga và vỏ gối thường xuyên, loại bỏ các tác nhân gây hại có trong môi trường như bụi, phấn hoa, lông vật nuôi…
- Tránh tiếp xúc với các loại xà phòng, hóa chất, chất tẩy rửa. Trường hợp cần sử dụng những sản phẩm này, hãy đeo găng tay và sử dụng đồ bảo hộ cần thiết.
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, tuyệt đối không ăn các thực phẩm mà bản thân bị dị ứng, tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất để cải thiện hoạt động của hệ miễn dịch.
- Uống đủ nước mỗi ngày để cung cấp đủ độ ẩm cho da, đồng thời kích thích quá trình trao đổi chất, hỗ trợ đào thải độc tố, giúp cải thiện tình trạng mề đay mẩn ngứa nhanh chóng, hiệu quả hơn.
☛ Tham khảo: Món ăn bài thuốc phòng bệnh mề đay
Ngoài ra thì có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Do đó, nếu bị mẩn ngứa nổi mề đay không rõ nguyên nhân và mãi không khỏi. Bạn hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị hiệu quả nhất.
Sử dụng thuốc
Sử dụng thuốc là phương pháp điều trị mề đay mẩn ngứa cần thiết và có sự hướng dẫn của bác sĩ. Nội dung dưới đây là những loại thuốc thường được sử dụng cho vấn đề này, không phải là chỉ định dành cho bạn.
Một số loại thuốc có thể được sử dụng bao gồm:
- Thuốc kháng histamine: Các thuốc histamine như cetirizine, loratadine, fexofenadine,… có thể được sử dụng để giảm ngứa, giúp người bệnh dễ chịu hơn.
- Thuốc chống viêm: Các thuốc chống viêm như leukotriene, colchicine… có tác dụng ức chế các chất trung gian gây viêm, góp phần cảm các triệu chứng dị ứng.
- Thuốc corticosteroid toàn thân: Được dùng cho các trường hợp mề đay mẩn ngứa nghiêm trọng, không đáp ứng với thuốc kháng histamine thông thường.
- Thuốc kháng sinh: Dùng trong trường hợp bệnh nhân có xuất hiện các dấu hiệu nhiễm trùng trên da.
- Thuốc ức chế miễn dịch: Trường hợp mề đay mẩn ngứa nghiêm trọng, không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác, thuốc ức chế miễn dịch có thể được chỉ định.
- Biện pháp điều trị khác: Immunoglobuline truyền tĩnh mạch hoặc thay huyết tương có thể được xem xét thực hiện cho các ca bệnh nặng, không đáp ứng điều trị.
Kết luận:
Mề đay mẩn ngứa có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý hoặc tình trạng khác nhau. Để điều trị dứt điểm tình trạng này, cần nắm rõ được nguyên nhân gây bệnh, kết hợp chế độ chăm sóc, điều trị khoa học. Đặc biệt, trường hợp nổi mề đay mẩn ngứa kèm theo các triệu chứng như khó thở, mạch nhanh, rối loạn nhịp tim… người bệnh cần đến các cơ sở y tế ngay lập tức để được cấp cứu kịp thời, tránh những đáng tiếc có thể xảy ra.