Mày đay hay mề đay là tình trạng da liễu khá phổ biến, gây ngứa ngáy khó chịu, làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ và có khả năng tái phát nhiều lần. Trong bài viết này, hãy cùng Tuệ Linh tìm hiểu các món ăn bài thuốc phòng bệnh mày đay hiệu quả nhé!
Mục lục
Sơ lược về mày đay
Mày đay (mề đay) là tình trạng trên da xuất hiện các nốt sẩn cục tương tự vết muỗi đốt với nhiều kích thước khác nhau, mọc thành từng mảng, kèm theo cảm giác ngứa ngáy khó chịu. Chúng có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý hoặc nhiều tình trạng khác nhau như rối loạn nội tiết; suy giảm chức năng gan; Lupus ban đỏ; dị ứng thuốc, thức ăn, hóa chất, lông động vật… hoặc yếu tố vật lý như thay đổi nhiệt độ đột ngột, ánh nắng, chà xát da… Ngoài ra, mề đay cũng có thể liên quan đến việc tiết cholin.
Theo Đông y, mày đay còn gọi là Phong chẩn, Ma chẩn, xảy ra khi chức năng tạng phủ bị suy giảm – đặc biệt là gan và lách. Tình trạng này khiến độc tố tích tụ không được đào thải ra ngoài, dẫn đến tổn thương phổi. Trong khi đó, phổi là cơ quan chủ quản da, lông, tóc và móng nên khi phổi bị tổn thương, trên da có thể xuất hiện các nốt ban sẩn.
Mặt khác, khi sự cân bằng giữa dinh và vệ bị rối loạn (“Dinh khí” tương ứng với chức năng tuần hoàn, “Vệ khí” tương ứng với hệ miễn dịch), sức đề kháng suy yếu cũng tạo điều kiện cho tà khí xâm nhập, làm tắc nghẽn kinh lạc, giảm lưu thông ký huyết. Tình trạng này có thể gây uất khí, sinh nhiệt, dẫn đến nổi mày đay ngứa ngáy trên da.
Mặc dù hầu hết các trường hợp mề đay đều không nguy hiểm, tuy nhiên nếu không điều trị, chăm sóc đúng cách, người bệnh có thể đối diện với các biến chứng như nhiễm trùng, suy nhược cơ thể, thậm chí trường hợp dị ứng nghiêm trọng có thể bị suy hô hấp, dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Việc điều trị mày đay trong Đông y chủ yếu tập trung vào điều hòa tạng phủ, cân bằng khí huyết, thanh nhiệt, giải độc. Bên cạnh các phương pháp như dùng thuốc, châm cứu, bấm huyệt, trong Đông y còn có những món ăn bài thuốc giúp hỗ trợ điều trị bệnh hiệu quả.
Món ăn bài thuốc phòng bệnh mày đay
Dưới đây là một số món ăn bài thuốc thường dùng trong phòng ngừa, điều trị mày đay:
Món ăn bài thuốc số 1
Chuẩn bị: Phòng phong 10g, mạch nha 15g.
Thực hiện:
- Tán nhỏ 2 vị dược liệu, hãm với nước sôi trong bình kín.
- Hãm khoảng 20 phút thì có thể dùng, uống thay trà và dùng hết trong ngày.
- Bài thuốc này rất tốt cho các trường hợp nổi mày đay do gió lạnh.
Món ăn bài thuốc số 2
Chuẩn bị: Bạch tiên bì, Thổ phục linh mỗi vị 15g.
Thực hiện:
- Rửa sạch các vị dược liệu, cho vào ấm sắc cùng nước sạch.
- Chắt nước thuốc ra bát, uống thay trà mỗi ngày 1 thang.
- Dùng tốt cho các trường hợp nổi mày đay mẩn cục kéo dài.
Món ăn bài thuốc số 3
Chuẩn bị: 1 củ khoai môn.
Thực hiện:
- Khoai môn cạo sạch vỏ, rửa sạch, thái miếng vừa ăn.
- Đem khoai môn đi hầm nhừ, thêm đường hoặc muối cho dễ ăn.
- Chia thành nhiều phần và ăn hết trong ngày.
- Dùng trong trường hợp trẻ bị mày đay do dị ứng thức ăn.
Món ăn bài thuốc số 4
Chuẩn bị: Xác ve sầu 10 con, 30g đậu xanh, 50g gạo tẻ.
Thực hiện:
- Cho xác ve sầu vào nồi, sắc trong 10 phút, sau đó lọc bỏ bã.
- Cho đậu xanh, gạo tẻ vào nồi nước sắc xác ve sầu, nấu thành cháo loãng rồi cho thêm đường cho dễ ăn.
- Chia nhỏ thành từng phần, ăn hết trong ngày.
Món ăn bài thuốc số 5
Chuẩn bị: Đậu xanh và Bách hợp mỗi vị 30g, Thảo quyết minh 10g.
Thực hiện:
- Rửa sạch các nguyên liệu.
- Cho Thảo quyết minh vào nồi sắc kỹ lấy nước, lọc bỏ bã.
- Cho đậu xanh và bách hợp vào hầm nhừ thành cháo loãng, thêm đường cho dễ ăn.
- Chia thành các phần đều nhau, ăn hết trong ngày.
Món ăn bài thuốc số 6
Chuẩn bị: Ô tiêu xà (rắn sọc đen) 1 con khoảng 250g, Thiên ma 9g, , gừng, hành, gia vị.
Thực hiện:
- Sơ chế rắn, lột da, bỏ phần đầu và nội tạng sau đó rửa sạch, cắt khúc.
- Ướp thịt rắn với hành, gừng và thêm một chút rượu, đem hầm chín.
- Thiên ma ngâm nước ấm khoảng 30 phút, vớt ra thái chỉ rồi cho vào ninh cùng thịt rắn, khi chín nêm nếm gia vị cho vừa ăn.
- Chia thành vài phần, ăn hết trong ngày.
Món ăn bài thuốc số 7
Chuẩn bị: Tỳ bà diệp 250g, một chút đường phèn.
Thực hiện:
- Tỳ bà diệp rửa sạch, thái nhỏ rồi đem giã nát, vắt lấy nước.
- Đem nước tỳ bà diệp đi hấp cách thủy cùng một chút đường phèn trong 20 phút.
- Chia thành vài phần bằng nhau, uống hết trong ngày.
- Bài thuốc này rất thích hợp với các trường hợp mày đay nổi cục đỏ ngứa.
Món ăn bài thuốc số 8
Chuẩn bị: Sơn tra và Trúc diệp mỗi vị 10g, Mạch nha 15g, Cam thảo 5g, gạo tẻ 50g.
Thực hiện:
- Cho tất cả dược liệu vào nồi sắc kỹ lấy nước, bỏ bã.
- Cho 50g gạo tẻ vào nước thuốc ninh thành cháo, chế thêm đường trắng cho dễ ăn
- Chia cháo ra thành vài phần, ăn hết trong ngày.
Món ăn bài thuốc số 9
Chuẩn bị: Sườn lợn 100g, Hải đới 50g, Thổ phục Linh 30g.
- Sườn lợn rửa sạch, chặt khúc vừa ăn, đun sôi, vớt sạch bọt nổi lên.
- Cho thêm Hải đới và Thổ phục linh vào ninh thật nhừ, nêm nếm gia vị vừa ăn, dùng làm thức ăn hàng ngày.
- Dùng liên tục liệu trình 10 ngày, phù hợp với các trường hợp mề đay mạn tính.
Lưu ý khi sử dụng món ăn bài thuốc phòng bệnh mày đay
Khi sử dụng các món ăn bài thuốc phòng bệnh mày đay ta cần lưu ý:
- Các món ăn bài thuốc chỉ mang tính tham khảo, nhằm mục đích dự phòng, hỗ trợ điều trị mày đay, không thể thay thế các phương pháp điều trị thông thường. Ngoài ra, tác dụng của chúng sẽ phụ thuộc cơ địa từng người.
- Kiêng các loại đồ ăn có tính nóng như thịt chó, thịt dê… Ngoài ra cần hạn chế các món ăn nêm nếm nhiều gia vị cay nóng như ớt, tỏi, gừng, quế, hồi…
- Tăng cường bổ sung các loại đồ ăn thức uống giàu vitamin và khoáng chất như rau xanh, hoa quả tươi… để cải thiện hệ miễn dịch, tăng cường sức khỏe tổng thể.
- Uống nhiều nước để thúc đẩy quá trình trao đổi chất và đào thải độc tố của cơ thể.
- Tránh sử dụng rượu, bia, thuốc lá và các chất kích thích…
Tham khảo thêm: Tổng hợp cách trị mề đay mẩn ngứa hiệu quả
Nguồn tham khảo: Sức khỏe đời sống