Nhắc đến nhồi máu cơ tim thì chắc hẳn ai cũng biết đến mức độ nguy hiểm của nó, bởi nhồi máu cơ tim có thể đe dọa tính mạng bệnh nhân bất cứ lúc nào. Vậy có cách nào để phòng tránh hiện tượng nguy hiểm chết người này không?
- Bài viết trước : Kiến thức cơ bản về nhồi máu cơ tim
Dưới đây là một số lời khuyên đưa ra để phòng tránh nhồi máu cơ tim:
Kiểm tra sức khỏe thường xuyên : 2 tác nhân chính gây nên nguy cơ bệnh mạch vành mà không hề có triệu chứng ở giai đoạn sớm là chứng mỡ máu cao và hiện tượng cao huyết áp. Rất nhiều người có nguy cơ tiềm ẩn này nhưng vấn có thể sống bình thường mà không thấy có triệu chứng cụ thể nào cả. Điều đó cho thấy, chúng ta cần kiểm tra, theo dõi sức khỏe thường xuyên có thể phát hiện ra những yếu tố nguy cơ tiềm ẩn khi nó còn chưa gây ra bệnh lý nguy hiểm. Kiểm tra sức khỏe thường kỳ là rất quan trọng, đặc biệt là những người có yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, tăng cholesterol máu, đái tháo đường, tiền sử gia đình nhiều người bị nhồi máu cơ tim.
Kiểm tra, theo dõi sức khỏe thường xuyên có thể phát hiện ra những yếu tố nguy cơ tiềm ẩn
Loại bỏ các yếu tố nguy cơ : Khi thay đổi lối sống, giảm các yếu tố nguy cơ, bệnh nhân bệnh mạch vành sẽ có cuộc sống lâu dài hơn. Sau khi cùng bác sĩ điều trị các nguy cơ thì bạn cần lưu ý một số vấn đề sau :
Không hút thuốc lá : Tránh hút thuốc lá là cách tốt nhất để duy trì sức khỏe và dự phòng nhồi máu cơ tim, ung thư phổi và nhiều bệnh lý đe dọa cuộc sống khác.
Giữ cân nặng ở mức độ thích hợp : Khi bạn tăng cân, cũng làm tăng theo hàm lượng cholesterol máu, triglycerid, huyết áp tăng và dễ bị đái tháo đường, hàm lượng HDL máu giảm. Vì vậy, rất quan trọng khi giữ cân nặng của bạn ở mức tốt nhất.
Ăn thức ăn ít chất béo. Cụ thể như sau :
- Khống chế loại thức ăn và lượng thức ăn bạn ăn hằng ngày.
- Không nên ăn nhiều thịt, cá và thịt gia cầm trong 1 ngày.
- Cố gắng ăn nhiều hơn các thức ăn như rau, cơm, mì, đậu. Chỉ ăn kèm với số lượng nhỏ thịt, cá hoặc thịt gia cầm.
- Chỉ 5-8 thìa cà phê dầu hoặc mỡ dùng để chế biến thức ăn trong 1 ngày.
- Cố gắng chế biến thức ăn ít hoặc không có chất béo như luộc, chần, hạn chế dùng đồ rán.
- Không nên ăn phủ tạng động vật như gan, não, thận, tim …
- Ăn nhiều rau, quả.
Tập thể dục đều đặn: việc giữ tập thể dục đều đặn giúp bảo vệ bạn trước nhồi máu cơ tim. Vì vậy bạn nên cố gắng tập thể dục 3-4 lần/tuần, mỗi lần 30-60 phút.
Tránh căng thẳng : Căng thẳng có thể làm hại trái tim của bạn hoặc làm tăng nguy cơ cho bạn, bạn hãy làm gì đó để tránh điều này.
Uống rượu vừa phải: Nghiên cứu cho thấy uống rượu ở một mức độ vừa phải giúp bảo vệ quả tim của bạn. Uống quá nhiều rượu có thể làm tăng huyết áp, tăng cân nặng, tăng triglycerid máu và có thể gây rối loạn nhịp tim.
Với phụ nữ đang sử dụng thuốc tránh thai: Thuốc tránh thai có thể sử dụng nhiều năm mà không có tác dụng phụ nào. Tuy nhiên, bạn nên kiểm tra y tế thường xuyên. Hằng năm, bạn nên kiểm tra huyết áp, triglycerid và đường máu.
Luôn chủ động đề phòng bệnh tái phát: Sau cơn nhồi máu cơ tim, khả năng tái phát cơn vẫn còn và thường gặp vì nhồi máu chỉ là hậu quả, còn nguyên nhân gây bệnh thì vẫn tồn tại. Do vậy, để tránh tái phát, các nguyên tắc trên, người bệnh còn phải dùng thuốc điều trị suốt đời, quản lý và kiểm soát tốt các bệnh lý gây ra nhồi máu cơ tim: đưa trị số huyết áp về mức bình thường bằng thuốc hạ áp, phải kiểm soát được lượng đường trong máu nếu có bệnh tiểu đường…
Bệnh nhân cần được trang bị các loại thuốc giãn mạch để sử dụng kịp thời khi xuất hiện các cơn đau co thắt ngực gây ra do mạch vành tim bị co thắt hoặc bán tắc. Ngoài ra, cần thăm khám định kỳ theo khuyến cáo của thầy thuốc.