Trước kia và ngay cả bây giờ nữa, nhiều người nghĩ đến “nhồi máu cơ tim”, các bệnh tim mạch như một nỗi kinh hoàng. Người ta còn cho rằng bị nhồi máu cơ tim coi như là “hết”, “sống cũng như chết” … nhưng thật ra đó là những quan niệm hết sức sai lầm. Trên thực tế, đại đa số người sống sót sau một trận nhồi máu cơ tim có thể có một cuộc đời gần như bình thường. Tuy nhiên, có một số lưu ý mà người bệnh nên quan tâm để đảm bảo sức khỏe tốt nhất.
- Xem trước: Hiểu hơn về nhồi máu cơ tim
Những điều cần tránh sau nhồi máu cơ tim
Trong hầu hết các trường hợp, nhồi máu cơ tim làm bệnh nhân già đi nhiều, một số chết đột ngột vì biến chứng rung thất, tắc mạch phổi, vỡ tim hoặc nhồi máu cơ tim tái phát. Ngoài việc tuân thủ dùng thuốc theo chỉ định của bác sỹ, người bệnh cần chú ý tránh một số vấn đề sau :
- Tránh phá vỡ nhịp điệu giờ giấc trong sinh hoạt và làm việc.
- Tránh say rượu và phải bỏ rượu: Say rượu là một dạng stress, làm tăng nguy cơ bị nhồi máu cơ tim và nghiện rượu gây suy nhược cơ thể.
- Tránh các cơn tăng huyết áp : Bởi tăng huyết áp cùng với xơ vữa động mạch vành là hai bệnh gốc của nhồi máu cơ tim.
- Tránh các chấn thương tinh thần và quá sức về trí óc: Trầm cảm rất có hại, dễ làm bệnh tái phát. Nghiên cứu hồi cứu trên đa số bệnh nhân nhồi máu cơ tim thấy trước khi bệnh khởi phát đã có giai đoạn làm việc căng thẳng (stress). Chính vì vậy, người có tiền sử bị nhồi máu cơ tim thì càng cần tránh xa stress.
- Tránh những gắng sức thể lực quá mức: Gắng sức quá mức sẽ là nhân tố đe dọa đáng sợ, nó phát động nhồi máu cơ tim khá rõ. Sự quá sức càng lớn, nhồi máu cơ tim càng nhanh xuất hiện. Khi gắng sức quá mức sẽ làm tăng huyết áp đối với trường hợp có sẵn bệnh tăng huyết áp. Mà cơn tăng huyết áp cũng là một nhân tố đe dọa nhồi máu cơ tim
- Tránh hút thuốc lá quá nhiều: Tốt nhất là bỏ thuốc lá hoàn toàn vì tác hại của thuốc lá không chỉ về nhồi máu cơ tim mà còn về bệnh mạch máu, bệnh ung thư phế quản – phổi…
- Tránh chủ quan với bệnh đái tháo đường, bệnh gút (thống phong).
Chuyện “yêu” sau khi bị nhồi máu cư tim
Nhiều người cho rằng, người sau khi bị nhồi máu cơ tim thì nên kiêng hẳn “chuyện yêu”. Tuy nhiên, theo các chuyên gia tim mạch, phần lớn các bệnh nhân nhồi máu cơ tim hoàn toàn có thể có một cuộc sống tình dục bình thường.
Phần lớn các bệnh nhân nhồi máu cơ tim hoàn toàn có thể có một cuộc sống tình dục bình thường.
Bệnh nhân sau khi bị nhồi máu cơ tim hoặc có vấn đề về tim mạch thường được các bác sỹ khuyến khích khôi phục lại hoạt động tình dục vì cuộc sống tình dục đầy đủ có ảnh hưởng tích cực đến hệ tim mạch. Việc ngừng hoàn toàn các hoạt động tình dục có thể làm rối loạn cuộc sống cân bằng của bệnh nhân và có thể làm đổ vỡ mối quan hệ gia đình.
Vậy khi nào có thể quan hệ tình dục trở lại sau khi bị nhồi máu cơ tim? Các chuyên gia tim mạch cho rằng, 15 – 30 ngày sau khi phục hồi, rèn luyện thể chất và tiến hành các xét nghiệm chẩn đoán cần thiết, nhiều bệnh nhân có thể tiếp tục quan hệ tình dục.
Bệnh nhân sau nhồi máu cơ tim nên luyện tập thể dục để tim dần thích nghi với điều kiện gắng sức. Bệnh nhân không nên chọn những môn thể thao quá nặng, có tính đối kháng, mà nên chọn những môn thể thao giúp cải thiện hệ tim mạch như: đi bộ, đạp xe chậm, bơi, tập yoga. Phương pháp kiểm tra đơn giản là nếu bệnh nhân có thể leo được 2 tầng cầu thang mà không có triệu chứng gì thì có thể bắt đầu lại đời sống tình dục.
Tuy nhiên, sau khi luyện tập thể lực và vượt qua “bài kiểm tra với những bậc cầu thang”, bệnh nhân nên tuân theo những hướng dẫn sau:
- Nên tiến hành “chuyện yêu” sau khi nghỉ ngơi, thư giãn đầy đủ, tốt nhất là thời điểm sáng sớm, sau một giấc ngủ ngon;
- Tốt nhất nên sinh hoạt tình dục sau bữa ăn ba tiếng, để thức ăn được tiêu hóa hoàn toàn, bộ máy tiêu hóa được nghỉ ngơi, tránh những áp lực cho hệ thống tim mạch;
- Nên chọn những “địa điểm yêu” yên bình, quen thuộc, hạn chế những ảnh hưởng của môi trường xung quanh;
- Nên chọn “tư thế yêu” thích hợp, để tránh áp lực lớn lên cơ thể bệnh nhân;
- Hãy tạm quên bệnh tình để thư giãn, thăng hoa với “chuyện yêu” và hạn chế thất bại “chăn gối” do những lo lắng về sức khỏe.
Phục hồi sau khi bị nhồi máu cơ tim
Khi nhồi máu cơ tim xảy ra, một phần của cơ tim bị tổn thương và chết đi do không nhận được ôxy và các chất dinh dưỡng. Nhưng các phần cơ tim còn lại vẫn phải tiếp tục hoạt động. Tuy nhiên do một vùng cơ tim bị tổn thương, chết đi và không thể co bóp, toàn bộ quả tim đập yếu và khả năng đẩy máu của tim bị suy giảm. Mức độ tổn thương và giảm co bóp của quả tim khi bị nhồi máu cơ tim tùy thuộc vào diện cơ tim bị thiếu máu, thời gian cơ tim được khôi phục lại dòng máu (nhờ điều trị hay trong một số ít trường hợp nhờ cục huyết khối tự tan) và sự có mặt của các nhánh mạch bàng hệ trước đó.
Khi bị tổn thương, tim cũng cần được nghỉ ngơi để hồi phục. Khi tim đã hồi phục trở lại và bác sĩ nói rằng tim bạn đã ổn định, bạn có thể dần dần hoạt động trở lại.
Sau nhồi máu, vùng cơ tim đã bị tổn thương trở thành “sẹo” cơ tim. Thường thì để phục hồi và cơ tim hoạt động ổn định trở lại, bạn sẽ cần nghỉ ngơi ít nhất từ 4 đến 6 tuần. Thời gian hồi phục phụ thuộc vào độ rộng của tổn thương và khả năng thích nghi với tình trạng sau nhồi máu của chính quả tim bạn. Đó là lý do bác sĩ khuyến khích người bệnh chọn một chế độ tập luyện vừa sức phù hợp sau nhồi máu cơ tim khi đã ổn định.
Khoảng 88% bệnh nhân dưới 65 tuổi sau nhồi máu cơ tim có thể trở lại công việc thường ngày. Dĩ nhiên họ trở lại công việc tùy thuộc vào 2 yếu tố: tim họ bị tổn thương đến mức nào và họ làm công việc gì sau nhồi máu cơ tim. Một số người cần chuyển sang công việc khác không quá nặng nề phù hợp hơn với tim của họ.
Lời khuyên cho người bị nhồi máu cơ tim
Về hoạt động nghề nghiệp : Gần nhuư tất cả những người nhồi máu cơ tim mà không có biến chứng gì đều có thể tiếp tục nghề cũ của mình, trung bình một tháng sau tính từ ngày bắt đầu đau. Nếu trừ đi thời gian nằm viện, thường từ 1- 2 tuần, thì chỉ cần nghỉ ở nhà 2 – 3 tuần là đủ. Nghỉ lâu quá không có lợi, vì người yếu thêm, lại hay lo nghĩ bi quan, rồi lại mất thói quen nghề nghiệp mất ‘ghế’, đi làm lại khó khăn hơn. Không nên về hưu vì nhồi máu cơ tim (trừ những trường hợp gần sát tuổi nghỉ hưu rồi).
Về thể dục thể thao , nên bắt đầu hoạt động sớm.Ngay khi còn nằm trên giường bệnh, người nhồi máu cơ tim đã nên “ngó ngoáy” chân tay, trở mình; và từ ngày thứ 2-3 không ai còn bắt bệnh nhân ‘tuyệt đối nằm im’ như những bài học cũ trước kia. Sau đó tập đi bộ tăng dần cho đến khi ra viện thì có thể đi lại trong nhà, ngoài sân, mới đầu đi đường bằng, sau đó dần dần lên vài bậc hoặc leo dốc nhẹ. Vài tuần sau lên gác 2, sau nhà giặt giũ, xách nước cần đợi lâu hơn. 2 tháng đã có thể đánh Tennis lại, trước ít sau nhiều, dần dần đi bộ xa hơn, xe đạp rất tốt, xe máy đi được chỉ cần tránh đường quá đông đúc. Bơi rất tốt nếu bơi thong thả. Nên chú ý ngừng nghỉ một lúc nếu thấy tức ngực, khó thở, chóng mặt hoặc tim đập quá nhanh.
Về tâm lý , điều hết sức quan trọng là theo đúng lời khuyên của thầy thuốc. Không nên quá sợ hãi (sợ tái phát, sợ mất việc…), quá lo lắng làm khó ngủ và mất bình tĩnh. Ðặc biệt, không nên nghe theo lời mách của những người không chuyên môn, kể cả những bệnh nhân nhồi máu cơ tim cũ và các bác sĩ không chuyên khoa thí dụ kiêng quá mức hoặc dùng những thuốc tác dụng không rõ ràng..
Về cách ăn uống và thuốc men sau nhồi máu cơ tim là một vấn đề quan trọng. Sau đây là những lời khuyên cho chế độ ăn của bạn.
- Hạn chế ăn thịt, cá và thịt gia cầm.
- Cố gắng ăn nhiều hơn các thức ăn như rau, cơm, mỳ, đậu. Chỉ ăn kèm với số nhỏ thịt, cá hoặc thịt gia cầm.
- Hạn chế dùng dầu hoặc mỡ dùng để chế biến thức ăn.
- Cố gắng chế biến thức ăn ít hoặc không có chất béo. Như luộc, trần, nướng ít nên dùng các biện phát dùng nhiều dầu.
- Không nên ăn phủ tạng động vật như gan, não, thận, tim…
- Ăn nhiều rau, quả.