Theo thống kê 90% nhồi máu cơ tim xảy ra do xơ vữa động mạch. Có thể kể đến một số nguyên nhân khác như tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì, hút thuốc lá, stress thường xuyên ….trong đó tăng cholesterol được coi là nguyên nhân chính. Với y học tiến bộ, nhồi máu cơ tim có thể được xác định sớm để phòng ngừa biến chứng. Tuy nhiên, không phải có người có bệnh nào cũng được kiểm soát đầy đủ. Vì thế những biến chứng tiềm tàng có thể xảy ra bất kỳ lúc nào gây nguy hiểm đến tính mạng cho người bệnh.
Những biến chứng sau nhồi máu cơ tim
Sau nhồi máu cơ tim, người bệnh có thể gặp một số biến chứng. Các biến chứng này được chia làm 3 loại: biến chứng sớm, biến chứng thứ phát và biến chứng muộn.
Biến chứng sớm :
Các biến chứng sớm hay gặp sau nhồi máu cơ tim có thể là suy tim, trụy mạch, rối loạn nhịp tim, tai biến nghẽn mạch …
- Suy tim : Thường gặp trong 2 tuần đầu, nhất là trên những bệnh nhân đã bị nhồi máu cơ tim cũ, hoặc trên những người bị thể nặng, rộng, có cơn đau kéo dài.
- Trụy mạch biểu hiện bằng huyết áp tụt, mạch nhanh, yếu, vã mồ hôi.
- Suy tim trái cấp tính biểu hiện bằng cơn khó thở kịch phát, phù phổi cấp, mạch nhanh, tiếng ngựa phi.
- Rối loạn nhịp tim : Nhịp nhanh xoang hay gặp. Nếu nhanh nhiều và kéo dài thì tiên lượng xấu.
- Ngoại tâm thu hay gặp, nhất là khi nhồi máu cơ tim mới bắt đầu. Ngoại tâm thu nhiều, đa dạng có tiên lượng xấu.
- Cơn nhịp nhanh kịch phát ít gặp hơn nhưng rất nguy hiểm vì có thể dẫn đến tử vong nhanh chóng, đặc biệt với cơn nhịp nhanh thất. Thường xảy ra trong nhồi máu cơ tim nặng thể lan rộng. Loạn nhịp hoàn toàn gặp trong 10 – 15% trường hợp.
- Rối loạn dẫn truyền nhĩ – thất gặp trong 4% trường hợp nhất là trong nhồi máu cơ tim sau. Thường xuất hiện sớm. Blốc nhĩ thất hoàn toàn thường nặng.
- Tai biến tắc nghẽn mạch: Gặp trong 20 – 40% trường hợp, đặc biệt trong các thể nặng. Chủ yếu là:
- Tăng cục nghẽn mạch vành dẫn đến nhồi máu cơ tim (diện tích lớn hơn). Cục nghẽn mạch tạo thành ở trong tim: thường gặp trong nhồi máu cơ tim lan rộng xuyên qua thành tim kèm theo suy tim. Tắc động mạch phổi thường là kết quả của tai biến tắc nghẽn tĩnh mạch chi dưới hoặc nghẽn mạch buồng tim phải.
- Vỡ tim: Gặp trong 5 – 10% trường hợp, xảy ra chủ yếu tuần thứ hai. Thường gặp ở thất trái dẫn đến tràn máu màng ngoài tim làm chết đột ngột hoặc chết nhanh chóng do trụy tim mạch. Vỡ vách liên thất biểu hiện bằng một tiếng thổi tâm thu ở giữa tim, có cường độ mạnh, kèm theo rung mui và suy tim phải cấp tính dẫn đến trụy mạch.
- Đứt cột tim (ít gặp): khi bộ van hai lá bị vỡ sẽ gây ra tổn thương van hai lá nặng không hồi phục.
- Chết đột ngột: Gặp trong 10% trường hợp. Thường là hậu quả của những thể nặng, nhất là ở tuần lễ đầu. Nguyên nhân chết đột ngột có thể do cơn nhịp nhanh thất, rung thất, tắc mạch phổi lớn, vỡ tim, trụy mạch nặng.
Biến chứng thứ phát.
Biến chứng thứ phát sau nhồi máu cơ tim có thể kể đến hội chứng Dressler, khi xét nghiệm máu thấy bạch cầu tăng, đa nhân trung tính tăng, tốc độ máu lắng tăng. Điều trị bằng cocticoid có thể khỏi nhanh hơn. Tuy nhiên hội chứng dễ tái phát và khi tái phát nhiều sẽ trở nên rất phiền phức cho người bệnh.
Biến chứng muộn
Các chứng đau:
- Đau thần kinh nhạy cảm: Là các cơn đau ngực lan tỏa, cường độ trung bình, giống như cảm giác đau ê ẩm, nặng nề ở vùng trước tim. Những người có chứng đau này thường là những người hay lo lắng, đồng thời bị suy nhược về thể lực và tâm thần. Liệu pháp tâm lý và các thuốc trấn tĩnh thường có thể giải quyết được.
- Đau kiểu thấp khớp : Thường gọi là viêm quanh khớp vai cánh tay, hội chứng vai – bàn tay, hay gặp ở vai và tay trái. Đôi khi chữa bằng các thuốc giảm đau thông thường cũng khỏi. Một số trường hợp phải dùng cocticoid. Tránh tiêm thuốc vào trong khớp nhất là khi bệnh nhân đang dùng thuốc chống đông. Trong một số trường hợp nhồi máu cơ tim thoái triển có thể gặp xơ cứng cân gân tay, co rút và có thể dẫn đến Dupuytren.
- Chứng đau thắt ngực sau nhồi máu cơ tim: khi có dấu hiệu nhồi máu cơ tim tái phát, phải điều trị như nhồi máu cơ tim cấp.
- Phồng vách tim: Là hậu quả xa của nhồi máu xuyên thành tim. Biểu hiện: nghe tim có tiếng đập phụ ở thì tâm thu, trên mỏm tim. Xquang thấy hình ảnh một cung giãn nở thì tâm thu, chủ yếu ở bờ trái. Điện tâm đồ: có sự tồn tại của dấu hiệu “tổn thương”, đồng thời với dấu hiệu hoại tử.
Làm gì để hạn chế biến chứng do nhồi máu cơ tim?
Khi nhồi máu cơ tim được phát hiện sớm, các bác sỹ sẽ dùng phương pháp “tan huyết khối mạch vành” bằng ác thuốc bằng các thuốc tiêu sợi huyết, đặc hiệu trong 2 giờ đầu tiên hoặc 4 giờ đầu tiên của nhồi máu cơ tim, quá 6 giờ thì không tác dụng nữa vì vùng hoại tử đã lan toàn bộ bề dày của thành tâm thất, gọi là nhồi máu cơ tim xuyên thành. Chính vì thế, bằng giá nào cũng phải chuyển bệnh nhân nhồi máu cơ tim đến bệnh viện chuyên về tim mạch hoặc khu chăm sóc đặc biệt càng sớm càng tốt. Việc làm như vậy nhằm mục đích đảm bảo chẩn đoán chắc chắn và điều trị đúng quy tắc hạn chế biến chứng và tử vong, kể cả những giờ sau, ngày sau, tuần sau của nhồi máu cơ tim, khi mà loại biến chứng khác là suy tim truỵ mạch, sốc tim lại thường xảy ra.
Tập luyện sau nhồi máu cơ tim
Sau nhồi máu cơ tim và phẫu thuật tim, bên cạnh chế độ dùng thuốc, chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi thì hoạt động thể lực là yêu cầu không thể thiếu giúp người bệnh trở lai cuộc sống hàng ngày tốt hơn.
Bệnh nhân nên trở lại hoạt động bình thường sau 3-4 tuần bị nhồi máu cơ tim. Tùy vào hoạt động thể lực mà từng người yêu thích mà có mức độ tập luyện phù hợp. Nên đạt được ít nhất 30 phút tập luyện thể lực với mức độ trung bình (ví dụ như đi bộ với bước đi dài) mỗi ngày.
Các hình thức tập luyện như chạy nhanh, chạy đường dài, tập tạ có thể làm tăng huyết áp, do đó người bệnh nên tránh.
Những lưu ý để tập luyện hiệu quả:
- Ngừng hút thuốc lá : làm giảm nguy cơ bị tái phát những biến cố tim do mạch vành
- Hạn chế ăn những thức ăn có chứa chất béo bão hoà được thấy trong các sản phẩm sữa, pho mát, thịt mỡ, bơ, dầu dừa và dầu cọ và hầu hết các thức ăn nhanh, các loại bánh như bánh bích quy, bánh gatô.
- Thay thế bằng các thức ăn có chứa một lượng trung bình các chất béo đa chuỗi và đơn chuỗi không bão hoà như dầu ô lưu, dầu hướng dương, dầu đậu nành và dầu lạc.
- Lựa chọn các thức ăn có nguồn gốc thực vật như rau xanh, hoa quả và một số loại đậu, các thức ăn làm từ ngũ cốc như bánh mỳ, mỳ sợi, bánh đa, bánh phở và ăn một lượng trung bình thịt nạc, thịt gia cầm, cá và ăn hạn chế các sản phẩm có mỡ.
- Cân bằng về năng lượng mà ăn hoặc uống vào với năng lượng tiêu hao qua việc hoạt động thể lực tránh béo phì.
Lưu ý với cơn đau ngực khi tập luyện :
Người bệnh cần cảnh giác với cơn đau thắt ngực hay khó chịu ở ngực xuất hiện khi tập luyện. Khi đó người bệnh nên nghỉ ngơi, ngậm hay xịt thuốc nitroglycerin dưới lưỡi và hãy báo ngay với bác sĩ điều trị để có được những điều chỉnh kịp thời. Nếu đau ngực hay cảm giác khó chịu ở ngực không đỡ, hãy dùng lại các thuốc trên sau 5 phút. Các dấu hiệu trên không hết hoàn toàn trong vòng 10-15 phút sau khi đã nghỉ ngơi và dùng thuốc, có thể bị nhồi máu cơ tim tái phát cần đến các trung tâm cấp cứu ngay lập tức.
Có nên hoạt động tình dục sau nhồi máu cơ tim?
Người bệnh sau nhồi máu cơ tim nên luyện tập thể dục thường xuyên để tim thích nghi với điều kiện gắng sức và không nên kiêng tuyệt đối quan hệ chăn gối.
Bệnh nhân nhồi máu cơ tim có thể có hoạt động tình dục khi hồi phục. Hiện nay có một phương pháp kiểm tra khá lý thú là nếu bệnh nhân có thể leo được 2 tầng cầu thang mà không có triệu chứng gì thì có thể bắt đầu lại với hoạt động tình dục. Lời khuyên đưa ra cho các bệnh nhân sau nhồi máu cơ tim là nên chơi một số môn thể thao không đối kháng, những môn có tính chất bền bỉ giúp cải thiện hệ tim mạch mà không quá nặng cho tim như đi bộ hằng ngày, đạp xe chậm hoặc đạp xe trong nhà, bơi (tránh nước lạnh), chơi gôn, đi câu, tập yoga, thể dục nhịp điệu, cần tránh động tác nín thở hay các động tác hạn chế thở, nhịp điệu quá nhanh.
Đọc thêm : Những thay đổi tâm lý sau nhồi máu cơ tim