Mùa lạnh nên đặc biệt chú ý giữ ấm cho con khi đi ra đường. Cần tắm cho trẻ trong phòng kín gió, có máy sưởi, lau khô người ngay, hạn chế để trẻ bị lạnh đột ngột…
Con gái tôi 3 tuổi, mùa lạnh cháu thường bị các cơn hen. Bác sĩ khám cho biết cháu bị hen phế quản mãn tính. Mỗi khi vào mùa lạnh tôi rất lo lắng. Vậy tôi cần chuẩn bị các điều kiện gì để chăm sóc cho con thật chu đáo?
Bích Hạnh (Tổng Cty Sông Đà 3)
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh hen suyễn ở trẻ như thay đổi thời tiết, phấn hoa, lông chó mèo, khói thuốc, vi khuẩn, vi rút thậm chí có trẻ dị ứng với một số ký sinh trùng mà mắt thường không nhìn thấy được (nấm mốc, rệp…), dị nguyên (một số hóa chất có trong thuốc, hóa mỹ phẩm, chất tảy rửa…)… Vì thế, chị cần nắm rõ các nguyên nhân bị hen suyễn của con và tránh cho trẻ tiếp xúc với các vật có chất đó. Mùa lạnh, chị nên đặc biệt chú ý giữ ấm cho con khi đi ra đường.
Cần tắm cho trẻ trong phòng kín gió, có máy sưởi, lau khô người ngay, hạn chế để trẻ bị lạnh đột ngột. Nếu con có tiền sử hen cũng hạn chế cho con ăn các loại thức ăn có nhiều chất gây dị ứng như tôm, cua, hải sản, giữ gìn môi trường sống sạch sẽ, tránh khói thuốc, tránh nấm mốc hoặc tránh dùng nhiều hóa chất tẩy rửa trong nhà. Nếu trẻ dị ứng xà phòng thì không nên giặt quần áo bằng xà phòng…
Khi cháu lên cơn hen suyễn cũng nên cho trẻ đi khám ở bác sĩ chuyên khoa, không tự ý dùng thuốc hoặc dùng quá liều. Một số thuốc chữa hen của trẻ có một số chất có tác dụng phụ nên chị cần hỏi bác sĩ chuyên khoa để dùng đúng liều lượng. Để đề phòng trẻ lên cơn hen cấp tính, gây khó thở, chị nên tích trữ trong nhà một số loại thuốc dạng xịt phù hợp với bệnh tình của trẻ.
Sau khi xịt thuốc để tạm thời làm trẻ thở lại được thì nên đưa trẻ đi khám chuyên khoa. Tuy nhiên, cần phải kiểm tra thuốc thường xuyên, cũng không nên dùng quá lâu một lọ xịt, tránh việc thuốc bị hết hạn sử dụng, nhiễm khuẩn, mất tác dụng, trẻ sẽ bị nguy hiểm.
Theo TS Lưu Thị Liên
(Giám đốc BV Lao Phổi Hà Nội)