Dịch sốt xuất huyết Dengue trong những năm gần đây có xu hướng lan rộng không những trong mỗi nước mà còn lan ra nhiều vùng khác nhau trên thế giới. Đông Nam Á, Tây và Nam Thái Bình Dương là những vùng có dịch lưu hành nặng. Nước ta nằm trong vùng có dịch sốt xuất huyết Dengue lưu hành nặng.
Sốt xuất huyết Dengue là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra và muỗi cái Aedes là trung gian truyền bệnh. Bệnh có đặc điểm lâm sàng chủ yếu là sốt và xuất huyết dưới nhiều dạng khác nhau. Bệnh nhân nếu không được điều trị kịp thời và đúng mức sẽ dẫn đến tử vong.
Đối tượng dễ mắc bệnh là trẻ em trong lứa tuổi 2-9 tuổi. Ở Việt Nam, cứ chu kỳ 3-5 năm sốt xuất huyết Dengue lại phát thành dịch lớn, vào khoảng tháng 6 đến tháng 10.
Nguyên nhân và nguồn lây bệnh
Mầm bệnh là virus Dengue truyền qua vết muỗi đốt. Có 4 typ gây bệnh cho người và có miễn dịch chéo.
Người bệnh là nguồn lây, trong suốt thời gian người bệnh có virus trong máu. Bệnh nhân thường là trẻ em.
Vật trung gian truyền bệnh là muỗi Aedes, ở thành thị, chủ yếu là muỗi Aedes aegypti cái, ở nông thôn, chủ yếu là muỗi Aedes albopictus.
Aedes aegypti (muỗi vằn) có nhiều ở thành phố, thị xã, sống trong nhà và ngoài trời, ưa đốt người, đốt dai (đốt nhiều lần đến khi no), sau khi đốt đậu ở nơi tối, đốt chủ yếu ban ngày, bay xa 400 m, đậu cao 2 m trở xuống. Sinh sản thuận lợi ở những dụng cụ chứa nước nhân tạo gần nhà. Nhiệt độ thuận lợi cho trứng phát triển là trên 26°C (11-18 ngày), ở nhiệt độ cao hơn: 32-35°C chỉ cần 4-7 ngày
Phân độ sốt xuất huyết
- Độ 1: sốt đột ngột, kéo dài từ 2-7 ngày, kèm theo nổi hạch, đau nhức, mạch, huyết áp bình thường, dấu hiệu dây thắt dương tính.
- Độ 2: triệu chứng như độ 1 kèm theo xuất huyết nhẹ ở dưới da hoặc niêm mạc.
- Độ 3: trụy mạch, xuất huyết vừa, tiền sốc.
- Độ 4: Sốc thật sự, mạch nhanh nhỏ khó bắt, huyết áp không đo được.
Triệu chứng lâm sàng
Thời gian ủ bệnh 5-7 ngày, sau đó xuất hiện các hội chứng sau:
Hội chứng nhiễm virus:
- Sốt cao đột ngột 38-39 độ C hoặc sốt thành 2 pha, kéo dài từ 2-7 ngày.
- Rối laonj tiêu hóa: bỏ ăn, nôn, đau bụng, táo bón
- Gan to, đau tức ở vùng gan, hay gặp ở trẻ em
- Đau đầu, đau mỏi cơ, khớp, nhức mắt
- Sưng hạch cổ, khuỷu tay, sưng đau nhẹ toàn thân
- Da và niêm mạc mắt xung huyết, có phát ban trên da
Hội chứng xuất huyết:
- Xuất huyết thường xảy ra ở ngày thứ 2-3 của bệnh
- Xuất huyết dưới da có thể dưới dạng chấm, nốt, mảng
- Xuất huyết niêm mạc: chảy máu cam, chảy máu chân răng
- Xuất huyết nội tạng: nôn ra máu, đi ngoài phân đen, kinh kéo dài ở phụ nữ.
Hội chứng suy tuần hoàn:
- Giai đoạn nguy hiểm từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 6 dễ xảy ra sốc, hạ nhiệt độ:
- Nhẹ: huyết áp giao động hoặc giảm nhẹ, mạch nhanh
- Nặng: dấu hiệu tiền sốc hoặc sốc.
- Tiền sốc: bệnh nhân bứt rứt, hốt hoảng, li bì, nhiệt độ hạ nhanh, đau bụng tăng, nhất là hạ sườn phải, nôn nhiều. Tay chân lạnh, tím tái quanh môi. Tiểu ít, da nổi vân tím.
- Sốc: mạch nhanh, yếu, không bắt được, huyết áp tụt, kẹt, mệt lả, da tím, lạnh, lơ mơ.
- Khoảng 1/4 số bệnh nhân có biến chứng sốc, xuất huyết tiêu hoá. Tỷ lệ tử vong ở những người bị biến chứng sốc là 2-3%.
- Người đã nhiễm virus 1 lần, nếu nhiễm lần nữa rất dễ rơi vào trạng thái sốc.
Xét nghiệm
- Tiểu cầu < 100.000/mm3
- Hematocrit tăng, protid máu giảm
- Phân lập virus trong 3 ngày đầu
Điều trị
a) Nguyên tắc điều trị
- Bổ sung dịch sớm và dầy đủ tùy mức độ
- Hạ nhiệt khi sốt cao trên 40 độ C, an thần.
- Xử trí ngay mọi xuất huyết, truyền máu khi xuất huyết nội tạng nặng và hematocrit thấp.
- Phát hiện và xử trí sớm sốc.
b) Điều tri cụ thể
Độ 1 và 2:
- Bù nước và điện giải bằng đường uống: oresol, nước cam, chanh
- Nếu bệnh nhân nôn nhiều, huyết áp dao động, suy tuần hoàn thì truyền dịch ngay: truyền NaCl 0,9%, glucose 5%, ringer lactat.
- Hạ sốt bằng paracetamol, an thần.
Độ 3 và 4:
- Chống sốc bằng truyền dung dịch điện giải, dung dịch keo, máu
- Thuốc trợ tim mạch
- Thở oxy
- Chống xuất huyết tiêu hóa
- Nếu bệnh nhân xuất huyết nhiều cần truyền máu tươi, khối tiểu cầu, huyết tương.
c) Điều trị bằng thảo dược
Với độ 1 và 2:
- Thanh nhiệt: Bạc hà, Lá dâu, Núc nác, Lá tre, Sắn dây…
- Giải độc, chống dị ứng: Cỏ nhọ nồi, Hoa hoè, Kim ngân, Cam thảo..
- Chống xuất huyết: Cỏ nhọ nồi, Hoa hoè, Trắc bách diệp…
- Chống rối loạn tiêu hoá: Gừng tươi hoặc khô…
Phòng bệnh
- Theo dõi các trường hợp có sốt
- Kiểm soát trung gian truyền bệnh được xem là phương pháp phòng bệnh duy nhất có hiệu quả. Giảm thiểu các khu vực có nước đọng là nơi đẻ trứng của muỗi, đậy kín các dụng cụ chứa nước, giảm tối đa các vật dụng chứa nước, phun thuốc diệt muỗi, phát quang bụi rậm, ngủ nằm màn…