Ho gà là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp rất dễ lây, đặc trưng bởi cơn ho khan rũ rượi, tiếp theo là thở hít vào nghe như tiếng rít.
Dấu hiệu và triệu chứng
Triệu chứng thường xuất hiện vài ngày đến vài tuần sau khi lây bệnh. Triệu chứng ban đầu thường nhẹ và giống cảm lạnh: chảy nước mũi, ngạt mũi, hắt hơi, mắt đỏ chảy nước mắt, sốt nhẹ, ho khan, cảm giác khó ở và chán ăn.
Sau một hai tuần, triệu chứng sẽ nặng hơn và thường bao gồm:
- Những cơn ho dữ dội – một tràng tới 15 tiếng ho liên tiếp – kết thúc bằng tiếng rít âm vực cao khi bệnh nhân hít không khí. Cơn ho có thể dữ dội đến mức khiến mặt trẻ đỏ hoặc tím tái do phải cố sức.
- Mết mỏi do ho quá nhiều
- Dấu hiệu và triệu chứng bệnh ở người lớn tương tự nhe viêm phế quản. Trẻ dưới 2 tuổi bị ho gà có thể hoàn toàn không thở rít hoặc tiếng rít không to như ở trẻ lớn. Ho dữ dội có thể gây ra những chấm đỏ trên do vỡ mạch trên da hoặc ở củng mạch mắt. Ho thường nặng lên vào ban đêm.
Nguyên nhân
Vi khuẩn Bordetella pertussis là thủ phạm gây bệnh ho gà. Vi khuẩn lây lan qua những giọt dịch tiết bắn ra không khí khi người bệnh ho và hắt hơi. Khi xâm nhập vào đường hô hấp, vi khuẩn sẽ nhân lên và sinh ra độc tố cản trở khả năng tống xuất của đường hô hấp. Đờm nhày đặc được tạo thành ở sâu trong đường hô hấp gây ra ho không kìm được. Vi khuẩn cũng gây viêm khiến phế quản bị chít hẹp, khiến bệnh nhân phải cố sức hít vào sau mỗi cơn ho, gây ra tiếng rít.
Xét nghiệm và chẩn đoán
Bệnh có thể khó chẩn đoán trong giai đoạn đầu do khá giống với triệu chứng của các bệnh hô hấp thông thường khác, như cảm lạnh, cúm hoặc viêm phế quản. Bác sĩ có thể chẩn đoán dựa vào nghe tiếng ho. Một số xét nghiệm giúp chẩn đoán xác định gồm:
- Xét nghiệm và nuôi cấy dịch mũi họng tìm vi khuẩn.
- Xét nghiệm công thức máu thấy bạch cầu tăng.
- Chụp X quang phổi.
Điều trị
– Đối với trẻ lớn và người lớn
Khi mới có chẩn đoán, bệnh nhân thường được chỉ định nằm nghỉ tại giường và dùng kháng sinh như azithromycin hoặc erythromycin. Mặc dù kháng sinh không chữa khỏi ho nhưng có thể rút ngắn thời gian bị bệnh và thời gian phải cách ly. Có thể phải dùng kháng sinh trong ít nhất 2 tuần hoặc hơn.
Nếu bệnh đã tiến triển sang giai đoạn ho nhiều, kháng sinh không còn hiệu quả nhưng có thể vẫn được chỉ định. Có rất ít thuốc có hiệu quả giảm ho. Các thuốc ho không kê đơn thường ít có tác dụng đối với ho gà. Ho thường hết trong vòng 6 tuần nhưng cũng có thể lâu hơn.
– Đối với trẻ nhỏ
Trẻ cần được điều trị tại bệnh viện để tránh nguy cơ biến chứng. Điều trị bao gồm:
- Kháng sinh đường tĩnh mạch
- Thuốc nhóm corticosteroid để giảm viêm phổi
- Hút đờm, truyền dịch nếu trẻ nôn nhiều gây mất nước, thuốc an thần để giúp trẻ ngủ yên. Theo dõi chặt chẽ hô hấp và cho trẻ thở thêm oxy nếu cần.
- Cách ly trẻ để không lây bệnh sang người khác.
Phòng bệnh
- Tiêm vaccin: Vaccin được tiêm ở dạng phối hợp 3 vaccin bạch hầu-ho gà-uốn ván (DPT). Trẻ cần được tiêm 5 mũi vaccin khi ở độ tuổi 2 tháng, 4 tháng, 6 tháng, 12 – 18 tháng, 4-6 tuổi.
- Kháng sinh dự phòng khi trong nhà có người bị ho gà hoặc khi có tiếp xúc với người bị ho gà.