Viêm phế quản là tình trạng viêm niêm mạc của các phế quản trong phổi. Niêm mạc phế quản bị kích thích sẽ phồng và dầy lên và làm hẹp hoặc tắc nghẽn các tiểu phế quản gây ra ho có thể kèm theo đờm đặc.
Các dạng viêm phế quản
Tùy theo triệu chứng và thời gian kéo dài của bệnh, người ta chia viêm phế quản thành 2 dạng: viêm phế quản cấp tính và viêm phế quản mãn tính. Ngoài 2 dạng này, còn 1 dạng nữa đó là viêm phế quản dạng hen (chỉ những bệnh nhân bị hen phế quản hay còn gọi là hen suyễn, niêm mạc phế quản bị viêm)
Các triệu chứng của viêm phế quản
Ở người bị viêm phế quản cấp thường xuất hiện các biểu hiện bên ngoài như ho liên tục, ho có đờm, màu vàng, trắng hoặc xanh lá cây, thường xuất hiện từ 24 – 48 giờ sau khi ho. Người bệnh bị sốt cao, lạnh run, đau hay cảm giác thắt ngực, đau dưới xương ức khi thở, thở ngắn. Thỉnh thoảng có kèm nhiễm trùng đường hô hấp trên. Với những người khỏe có thể hệ hô hấp sẽ trở về bình thường sau khi khi hồi phục từ nhiễm trùng hô hấp kéo dài trong vài ngày.
Ở người bị viêm phế quản mạn tính, thường là những người trên 40 tuổi, nghiện thuốc lá, thuốc lào. Người bệnh thường xuyên ho khạc vào buổi sáng. Đờm nhầy trong, dính dính hoặc màu xanh, vàng đục, mỗi ngày không quá 200ml. Mỗi đợt kéo dài 3 tuần, tăng về mùa đông và đầu mùa thu. Bệnh có thể kéo dài ít nhất 3 tháng trong 1 năm và liên tục trong hơn 2 năm
Những người bị viêm phế quản mãn tính lâu năm lồng ngực biến dạng hình thùng, hình phễu, khó thở rút lõm cơ hô hấp, rút lõm kẽ gian sườn, phần đáy bên của lồng ngực co hẹp lại khi hít vào , rút lõm hõm ức, khí quản tụt xuống khi hít vào . Gõ phổi vang trầm, nghe rì rào phế nang giảm, tiếng thở thanh-khí-phế quản giảm hoặc thô ráp, có thể có ran rít, ran ngáy và ran ẩm.Có thể có hội chứng ngừng thở khi ngủ, mạch đảo nghịch cao áp động mạch phổi và tâm phế mạn.
Nguyên nhân gây bệnh
Viêm phế quản cấp tính chủ yếu do virus gây ra. Nhiều đợt viêm phế quản cấp lặp lại sẽ làm suy yếu gây kích thích ở phế quản có nguy cơ dẫn đến viêm phế quản mạn tính.
Ngoài ra, các yếu tố như ô nhiễm, môi trường làm việc, hút nhiều thuốc lá cũng là các yếu tố làm tăng nguy cơ dẫn đến viêm phế quản.
Điều trị bệnh viêm phế quản
Người bệnh viêm phế quản cần được nghỉ ngơi đầy đủ, uống nhiều nước, uống các thuốc ho thông thường. Trong trường hợp nghi ngờ có nhiễm khuẩn và để đề phòng bội nhiễm các bác sỹ có thể kê cho bạn thuốc kangs sinh. Người bị viêm phế quản do hen có thể được dùng các thuốc điều tị hen để làm giảm viêm và mở thông các phế quản trong phổi. Người bệnh không nên tự ý mua thuốc ho ngoài quầy thuốc tây để điều trị viêm phế quản mạn tính trừ khi đã được bác sĩ hướng dẫn.
Những lưu ý khi điều trị nhà:
Với người bị viêm phế quản cấp tính, khi bị sốt thở nhanh, thở khò khè, người bệnh nên được ở trong nhà, uống nhiều nước, không cần thiết phải nằm tại giường nhưng cũng không nên vận động quá nhiều. Có thể sử dụng bình xịt hơi hoặc cố gắng hít hơi nóng từ bình chứa nhiều nước nóng.
Với người bị viêm phế quản mạn tính cần tránh tiếp xúc với nước sơn, xúc động quá mức, bụi và người đang bị cảm cúm. Có thể sử dụng bình xịt hơi hoặc cố gắng hít hơi nước nóng từ bình chứa đầy nước nóng, mặc đồ ấm khi trời lạnh và khô. Tốt nhất nên bỏ hoàn toàn thuốc lá.
Thanh Tú