Viêm phế quản là tình trạng viêm của lớp niêm mạc các ống phế quản, ống mang không khí đến và đi từ phổi. Căn cứ vào thời gian tiến triển của bệnh và mức độ tái phát, người ta phân loại viêm phế quản thành 2 dạng cấp và mãn tính. Điều trị bệnh viêm phế quản ở 2 thể này cần căn cứ vào triệu chứng, biểu hiện của từng bệnh nhân và thường thì viêm phế quản cấp có thể tự khỏi sau vài ngày hoặc một tuần.
- Tìm hiểu trước về viêm phế quản cấp và viêm phế quản mạn
Điều trị viêm phế quản cấp
Viêm phế quản cấp xảy ra khi có siêu vi tấn công vào lớp niêm mạc của phế quản. Viêm phế quản cấp thường xuất hiện nhiều vào mùa đông xuân hoặc mùa lạnh, Trong mùa nóng bệnh cũng có thể xuất hiện ở những người có thói quen uống nước đá hoặc ngồi máy điều hòa để nhiệt độ quá thấp. Viêm phế quản cấp thường bắt đầu rất từ từ, khởi phát với các triệu chứng của viêm long đường hô hấp trên như sốt nhẹ, hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mũi, đau rát họng.
Đôi khi bệnh xuất hiện với các triệu chứng rầm rộ: sốt cao, nhiệt độ có thể tới 39 – 40 độ C, người bệnh ho nhiều, ho khan hoặc khạc đờm trắng, đờm đục như mủ, hoặc đờm có màu xanh, màu vàng, cũng có thể gặp trường hợp ho khạc đờm ra máu. Khám phổi có thể thấy hoàn toàn bình thường, một số trường hợp nghe có tiếng rít hai bên phổi hoặc như tiếng mèo rên do ứ đọng đờm trong lòng phế quản. Khi tiến hành chụp X quang phổi thì thấy bình thường hoặc có hình ảnh của dày thành phế quản. Người bệnh có thể bi ho kéo dài nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng do các phế quản chưa lành lại. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp viêm phế quản cấp đều tự khỏi sau vài ngày hoặc một tuần.
Do hầu hết các viêm phế quản đều có nguyên nhân virus nên các kháng sinh không có vai trò điều trị ở đây. Ngay cả khi ho có đàm đặc & có màu đi chăng nữa, kháng sinh hầu như cũng không có tác dụng cải thiện bệnh nếu như nguyên nhân là virus.
Ở một số trường hợp, bác sỹ có thể kê các toa thuốc thường thấy trong điều trị hen suyễn nhằm mục đích làm sạch đờm nhớt trong phế quản. Trong thời gian điều trị người bệnh cần hạn chế hoặc bỏ hẳn thuốc lá.
Sau một tuần, nếu người bệnh bệnh vẫn còn các biểu hiện như ho, khò khè, đặc biệt nhiều hơn khi đi ngủ hay khi vận động nhiều, người mệt, sốt cao liên tục, ho ra máu, khó thở khi nằm, hoặc sưng phù chân thì cần lập tức đi thăm khám lại.
Điều trị viêm phế quản mãn tính
Viêm phế quản mạn tính có thể do nhiều yếu tố gây ra. Nếu bệnh nhân bị viêm phế quản cấp lặp đi lặp lại nhiều lần theo thời gian thì sẽ làm suy yếu, kích thích phế quản và có thể gây ra viêm phế quản mạn. Ngoài ra, người sống trong môi trường ô nhiễm, bụi bặm, hoặc hút thuốc lá nhiều cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh này.
Viêm phế quản mạn thường xuất hiện dưới 3 dạng chính : đơn thuần ho khạc đờm nhày, ho khạc đờm mủ và khó thở.
Các triệu chứng thay đổi khác nhau theo từng giai đoạn, mới đầu là ho và khạc đờm mỗi khi thời tiết thay đổi, lâu ngày có thể thêm biến chứng giãn phế quản hoặc apxe hóa, khối lượng đờm tăng lên. Các đợt ho xảy ra lặp đi lặp lại, ban đầu là 4-5 lần mỗi năm sau đó 10-15 ngày về sau thì thường xuyên và kéo dài hơn. Người bệnh thường xuyên bị khó thở, cảm giác như bị đè nén trong ngực. Ngoài ra, một số ít bệnh nhân bị sút cân, xanh xao, buồn ngủ lơ mơ suốt ngày, tim đập nhanh …
Việc điều trị viêm phế quản mạn không giống nhau ở từng trường hợp cụ thể. Việc điều trị cần tuân thủ nguyên tắc chống nhiễm khuẩn mới, phục hồi lưu thông không khí và chống nguy cơ suy hô hấp cho bệnh nhân.
Trong thời gian điều trị, người bệnh cần bỏ hẳn thuốc lá, hạn chế tiếp xúc với khói bụi, không khí bẩn, điều trị các ổ viêm nhiễm mạn tính vùng mũi họng, giảm uống rượu, bia để quá trình điều trị được hiệu quả hơn.
Tuelinh.vn (Tổng hợp)