Viêm phế quản là một tình trạng bệnh lý thường gặp ở trẻ em. Nếu không được chữa trị kịp thời và đúng cách, viêm phế quản rất dễ trở thành mãn tính. Dưới đây là một số thông tin cơ bản về căn bệnh này.
Dấu hiệu, triệu chứng viêm phế quản ở trẻ em
Trẻ bị viêm phế quản thường có các biểu hiện như khí quản sưng phồng, tấy đỏ và một phần dịch nhầy trong phổi bị ứ đọng lại. Trẻ có thể bị sốt kéo dài vài ngày hay ho kéo dài trong vòng từ 2 – 3 tuần
Giai đoạn sau đó, trẻ có thể bị ho nhiều hơn, có cảm giác đau rát cổ họng và xuất hiện đờm màu xanh, xám hay hơi vàng. Trẻ sẽ có cảm giác đau ngực, sốt nhẹ, khó thở, và mệt mỏi.
Nguyên nhân gây bệnh
Tác nhân chính dẫn đến viêm phế quản là sự xâm nhập của các virus, đứng đầu là virus hợp bào hô hấp. Loại virus này có khả năng lây lan rất mạnh nên bệnh có khả năng xảy ra thành dịch, bệnh có thể có quanh năm nhưng thường là vào mùa mưa, hay mùa lạnh.
Trẻ sống trong vùng có dịch cúm hay viêm đường hô hấp trên thì tỷ lệ bị lây nhiễm rất cao do sức đề kháng của trẻ còn rất yếu, nhất là trẻ đang ở tuổi bú mẹ mà không được bú đầy đủ sữa mẹ. Nguy cơ cao cũng xảy ra ở những trẻ từng bị ốm do nhiễm virut trước đó như viêm mũi họng, viêm amydal, viêm VA… Các trường hợp trẻ bị bệnh tim bẩm sinh, sống trong môi trường hút thuốc lá thụ động, bị bệnh phổi bẩm sinh hay bị suy giảm miễn dịch đều có nguy cơ cao mắc phải viêm phế quản.
Ngoài 2 yếu tố trên, trẻ sống trong môi trường khói thuốc lá và bụi bẩn cũng là các yếu tố nguy cơ dẫn đến viêm phế quản ở trẻ. Đa số các thanh thiếu niên nghiện thuốc lá hay trẻ em phải sống trong môi trường có khói thuốc lá, rất dễ có nguy cơ bị viêm phế quản mãn tính.
Chữa trị viêm phế quản cho trẻ
Để điều trị viêm phế quản cho trẻ nhỏ thì cần đến sự hỗ trợ của các bác sỹ. Nếu nguyên nhân gây bệnh là một loại vi khuẩn gây nhiễm khuẩn, kháng sinh có thể là giải pháp hữu hiệu nhưng trong trường hợp thủ phạm là một loại virus thì việc sử dụng kháng sinh hoàn toàn không có tác dụng.
Thường thì sau thời gian điều trị khoảng từ 7 -10 ngày, bệnh của trẻ có thế có những biến chuyển tích cực về mặt sức khỏe. Bên cạnh việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sỹ, các bậc cha mẹ cần lưu ý một số vấn đề sau:
Cho trẻ uống đủ lượng nước: Cho bé uống khoảng từ 8 – 10 cốc nước mỗi ngày. Uống đủ nước giúp trẻ phòng ngừa được hiện tượng khử nước và sung huyết.
Có thể sử dụng các máy duy trì độ ẩm: Trong mùa khô hanh, các mẹ có thể sử dụng tới các loại máy duy trì độ ẩm, độ ẩm trong không khí sẽ giúp bé thở dễ dàng hơn và cảm thấy thoải mái hơn.
Các mẹ có thể sử dụng nước muối loãng để giảm cẩm giác nghẹt mũi, khó chịu cho bé. Có thể mua sẵn hoặc tự pha nước muối để sử dụng, nhỏ từ 1 – 2 giọt vào trong mũi sẽ giúp bé dễ chịu ngay.
Trẻ cần được nghỉ ngơi nhiều hơn , để tăng khả năng phục hồi hơn.
Lưu ý phòng ngừa viêm phế quản cho trẻ
- Nhắc nhở trẻ thường xuyên rửa tay, ăn uống hợp lý đảm bảo dinh dưỡng, và ngủ đủ giấc.
- Đảm bảo vệ sinh môi trường sống, tiêm phòng cho trẻ theo đúng quy định.
- Nên hạn chế cho trẻ tiếp xúc với môi trường nhiều khói thuốc lá.
- Điều trị dứt điểm những chứng bệnh thường gặp như cảm lạnh, tránh các biến chứng có thể xảy ra.
- Trường hợp bé bị thở dốc, tái mặt, ho ra máu bạn cần ngay lập tức đưa bé tới bệnh viện hoặc trung tâm y tế gần nhất tránh trường hợp bé gặp nguy hiểm do không được cấp cứu kịp thời.
Minh Huế