Uốn ván là một bệnh nhiễm khuẩn nghiêm trọng gây co cứng các cơ ở hàm và các cơ khác, dẫn đến khó thở và có thể tử vong.
Dấu hiệu và triệu chứng
- Cứng cơ vùng hàm, cổ và các cơ khác
- Cơ bị kích thích
- Co thắt cơ vùng hàm, cổ và các cơ khác
- Sốt
Cơ co cứng và co thắt khiến bệnh nhân khó nuốt, khó thở, vật vã. Các triệu chứng có thể xuất hiện vài ngày hoặc vài tuần sau khi bị thương. thời gian ủ bệnh thường từ 3 ngày đến 3 tuần, trung bình là 8 ngày.
Nguyên nhân
Vi khuẩn gây bệnh uốn ván là Clostridium tetani, thường được tìm thấy trong đất, bụi và phân động vật. Khi xâm nhập vào vết thương sâu, bào tử của vi khuẩn có thể sinh ra một độc tố mạnh là tetanospasmin, tác động đến những vùng khác nhau của hệ thần kinh. Tác động của độc tố khiến cơ co cứng và co thắt.
Xét nghiệm và chẩn đoán
Chẩn đoán dựa trên khám thực thể và các dấu hiệu cơ co cứng, co thắt và đau. Xét nghiệm cận lâm sàng nói chung không giúp ích cho chẩn đoán uốn ván.
Điều trị
- Kháng độc tố uốn ván. Chỉ có tác dụng trung hòa độc tố chưa kết hợp với mô thần kinh.
- Kháng sinh đường uống hoặc tiêm để chống lại vi khuẩn.
- Thuốc an thần và làm liệt cơ để giảm co thắt.
- Hỗ trợ tuần hoàn, hô hấp như thở máy
Phần lớn các trường hợp bệnh nhân đã lên cơn uốn ván sẽ tử vong mặc dù được điều trị. Tử vong có thể do co thắt cơ hô hấp, viêm phổi hoặc mất chức năng của hệ thần kinh tự động.
Bệnh có thể khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên một số bệnh nhân bị di chứng kéo dài do tổn thương não vì thiếu oxy.
Phòng bệnh
– Tiêm vaccin chống lại độc tố uốn ván. Vaccin thường được tiêm cho trẻ ở dạng kết hợp 3 loại vaccin bạch hầu-uốn ván-ho gà (DPT)
– Xử trí vết thương
- Giữ sạch vết thương. Rửa kỹ vết thương và vùng xung quanh bằng xà phòng và nước sạch. Nếu vết thường bị lẫn đất bẩn, cần đến bác sĩ.
- Cẩn thận với những vết thương có nguy cơ gây uốn ván, gồm vết thương do châm chích hoặc đứt sâu, vết đốt của côn trùng, nhất là những vết thương bẩn.
- Dùng kháng sinh. Sau khi rửa sạch vết thương, bôi một lớp kem hoặc mỡ kháng sinh mỏng. Kháng sinh không làm vết thường liền nhanh hơn nhưng có thể ngăn chặn vi khuẩn phát triển và gây nhiễm trùng.
- Băng vết thương. tiếp xúc với không khí có thể làm vết thương liền nhanh hơn, nhưng băng sẽ giúp giữ cho vết thương sạch và ngăn không cho vi khuẩn xâm nhập. Nên băng cho đến khi vết thương đóng vảy.
- Thay băng. Thay băng ít nhất mỗi ngày một lần hoặc khi băng bị ướt hoặc bẩn sẽ giúp ngăn ngừa nhiễm trùng.