Mộc hương là cây thảo sống lâu năm, rễ mập. Thân hình trụ rỗng, cao 1,5 – 2m. Vỏ ngoài màu nâu nhạt. Lá mọc so le, phiến chia thùy không đều ở cuống, dài 12 – 30cm, mép khía răng, có lông ở cả hai mặt nhất là ở mặt dưới;
cuống lá dài 20 – 30cm. Các lá ở trên thân nhỏ dần và cuống cũng ngắn dần, lá trên ngọn hầu như không cuống; hầu như ôm lấy thân. Cụm hoa hình đầu, màu lam tím. Quả bế hơi dẹt, màu nâu nhạt lẫn những đốm màu tím.
Cây được nhập trồng và thích nghi với một số vùng cao của nước ta như Sapa, Tam Đảo, Đà Lạt và vùng phụ cận. Trồng một năm thì thu hoạch, có thể qua năm vào tháng 1, 2 khi cây bắt đầu tàn lá, thân khô và lụi dần. Đào bằng cuốc để tránh gãy nát, cắt bỏ phần mấu thân, lấy củ rửa sạch, phơi hay sấy khô .
Mộc hương có vị cay, đắng, tính ấm; có tác dụng hành khí chỉ thống, kiện tỳ tiêu tích; nói chung nó có tác dụng làm tan ứ trệ, hòa tỳ vị, đuổi phong tả, tả khí hỏa, phát hãn, giải cơ biểu. Còn có tác dụng lý khí, dùng để hành khí giảm đau, kiện tỳ, chỉ tả. Loại nướng có tác dụng hòa hoãn hành khí, trợ sức cho đại tràng, chỉ tả lỵ.
Thường dùng trị mọi chứng đau, trúng khí độc bất tỉnh, tiểu tiện bế tắc, đau bụng, khó tiêu, trướng đầy, gây trung tiện, ngừng nôn mửa, tiết tả đi lỵ.
Những bài thuốc đã được ứng dụng:
– Chữa đi lỵ mạn tính : Mộc hương, hoàng liên bằng nhau, tán bột làm viên, mỗi lần uống 0,2 – 0,5g, uống ngày 2 – 3 lần.
– Chữa tiêu chảy trẻ em do tích trệ thức ăn: Mộc hương, bạch truật, mạch nha, chỉ thực, hoàng liên, sơn tra, trần bì, thần khúc, mỗi vị 12g; liên kiều, sa nhân, la bạc tử mỗi vị 8g. Tán nhỏ làm viên. Ngày uống 4 – 8g.
– Chữa lỵ cấp tính: Mộc hương 8g, hoàng liên 20g, khổ sâm, bạch thược mỗi vị 12g, chỉ xác 8g, cam thảo 4g. Tán bột làm viên hoàn. Ngày uống 10 – 20g;
– Chữa viêm đại tràng mạn tính thể co thắt, rối loạn tiêu hóa kéo dài: Mộc hương 6g, bạch truật, hoài sơn, ý dĩ, phòng đẳng sâm mỗi vị 12g, phụ tử chế 8g, can khương, chỉ thực, thương truật mỗi vị 6g, xuyên tiêu, nhục quế mỗi vị 4g. Sắc uống ngày 1 thang. Sau 5 thang cần khám lại.
– Chữa viêm đại tràng mạn tính do amip co cơ tái phát cấp diễn: Mộc hương, bạch truật, phòng đẳng sâm, Ý dĩ mỗi vị 12g, hoàng bá, hoàng liên, uất kim, xuyên khung mỗi vị 8g, chỉ thực 6g. Sắc uống ngày 1 thang. Liệu trình 5 – 10 thang.
– Chữa viêm loét dạ dày tá tràng: Mộc hương 6g, đương quy, bạch thược, phục linh, kỷ tử, đại táo mỗi vị 12g; xuyên khung 10g; a giao, táo nhân mỗi vị 8g; ngũ vị tử, trần bì mỗi vị 6g, gừng 2g. Sắc uống ngày 1 thang. Uống 5- 10 thang.
Các bài thuốc trên khi sử dụng cần được bắt mạch kê đơn tại các cơ sở khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền có giấy phép hành nghề. Tùy theo thực trạng của bệnh nhân mà thầy thuốc cho liệu trình điều trị .
YHTH
Theo SK&ĐS