Gừng là cây được trồng hầu như ở tất cả các vùng miền nước ta. Ngoài làm gia vị trong chế biến thực phẩm, nó còn là vị thuốc đa dụng trong Đông y. Tất cả các bộ phận của cây gừng đều được dùng làm thuốc. Củ gừng được sử dụng dưới dạng tươi (sinh khương) và khô (can khương). Trong thành phần của gừng chủ yếu là tinh dầu; zingiberen, curcumen… các hợp chất alcol: geraniol, linalol, borneol, zingeron, zingerol…
Theo y học cổ truyền:
Sinh khương: có vị cay, tính ấm, nhập vào 3 kinh: phế, vị, tỳ, với công năng phát tán phong hàn, ấm vị, chỉ nôn, hóa đờm, chỉ ho, lợi niệu, giải độc. Gừng được làm thuốc trong các trường hợp:
– Trị cảm mạo phong hàn, sốt cao, đau đầu, rét, tắc ngạt mũi: dùng 1 củ gừng tươi (10g), thái lát, sắc lấy nước uống; hoặc phối hợp tía tô, kinh giới, bạc hà mỗi vị 12g; bạch chỉ, địa liền, trần bì mỗi vị 8g; gừng tươi 4g. Sắc uống ngày 1 thang. Uống liền vài thang tới hết các triệu chứng. Mặt khác có thể lấy 1 củ gừng tươi, giã nát, xào nóng, gói vào miếng vải gạc, đôi khi cùng với tóc rối và rượu rồi chà xát lên người, trước tiên vùng trán, thái dương, sau gáy, sống lưng, ngực, lòng bàn tay, bàn chân… Cơ thể sẽ dần dần ấm trở lại và giảm đau nhanh.
– Trường hợp trúng phong cấm khẩu: dịch cốt gừng tươi 12g, kinh giới 12g (sắc nước riêng, khoảng 12ml), trúc lịch 6ml (lấy măng vòi hơ nóng, vắt lấy nước), rượu trắng 6ml. Trộn đều 4 dịch trên, dùng thìa cho người bệnh uống.
– Trường hợp đau bụng do lạnh, bụng đầy trướng, không tiêu: có thể ăn 1 củ gừng nướng; đặc biệt tốt cho phụ nữ sau đẻ bị cảm lạnh, khí huyết ngưng trệ dẫn đến đau bụng, chân tay lạnh, mặt nặng. Hoặc cũng do lạnh dẫn đến đau bụng dữ dội, đau lan ra lưng, sườn, ngực, nên phối hợp với một số vị thuốc khác, như: ngải diệp, quế chi mỗi vị 12g; sinh khương 8g. Sắc uống.
– Trị ho, đờm nhiều, ho do viêm phế quản: có thể phối hợp sinh khương với cam thảo, bách bộ, mạch môn, đồng lượng. Sắc uống ngày 1 thang; hoặc sinh khương 10g, giã nát, vắt lấy nước cốt, trộn đều với 5ml mật ong, uống.
– Trị phù thũng, tiểu tiện bí, dắt: tang bạch bì, trần bì, phục linh, đại phúc bì, đồng lượng 12g, sắc uống ngày 1 thang cho tới khi các triệu chứng thuyên giảm.
– Giải độc, trị giun chui ống mật: trước hết cho người bệnh uống giấm thanh, độ 10ml, một lát sau cho uống nước cốt của gừng, độ 10ml.
Can khương: là những củ gừng già, phơi khô, hoặc thái phiến phơi khô. Khi dùng có thể sao vàng, sao cháy (thán khương). Có thể sử dụng trong một số trường hợp sau:
– Các trường hợp trúng hàn, tức hàn nhập vào phần lý, nhập sâu vào phần dinh, phần huyết, vào tạng phủ. Biểu hiện: dương khí thoát, người lạnh toát, chân tay co quắp, đờm bít tắc cổ họng, nặng thì không nói được: can khương 5g, phụ tử (chế) 10g, cam thảo 12g. Sắc uống ngày 1 thang.
– Nếu trúng hàn dẫn đến vừa thổ, vừa tả: gừng nướng khô, tán bột, mỗi lần 8-10g quấy đều vào cháo nóng ăn. Cũng có thể dùng bài này cho phụ nữ có thai, bị đau bụng, tiêu chảy.
– Trường hợp sao cháy dùng khi cơ thể lạnh mà có xuất huyết: băng huyết, đại tiện ra huyết… có thể dùng thán khương, ngải diệp, đồng lượng 10-12g. Sắc uống ngày 1 thang. Uống nhiều ngày tới khi hết triệu chứng.
– Gừng còn được dùng nhiều trong phương pháp cứu gián tiếp: cắt các lát gừng tươi dày 3-5mm, trên lát cắt, chọc một số lỗ nhỏ sau khi đặt lát gừng lên huyệt, sẽ đặt mồi ngải lên để đốt.
Chú ý: Khi mồi ngải cháy đến độ nhất định phải bỏ ra để tránh gây bỏng cho bệnh nhân.
Ngoài ra, gừng tươi còn là như một phụ liệu quý trong chế biến thuốc. Để tẩy rửa các chất gây tanh trong dược liệu có nguồn gốc động vật, như các gạc hươu, nai… khi nấu cao, sau khi cọ rửa, cưa, chặt gạc ra thành các mảnh nhỏ, cần có giai đoạn ủ gạc với gừng tươi, giã nát. Hoặc sau khi mổ rắn để ngâm rượu, người ta cũng dùng gừng tươi với rượu để khử mùi tanh. Bên cạnh đó, rất nhiều vị thuốc Đông dược khác, khi chế biến cần lấy dịch cốt gừng tươi để chích tẩm làm cho vị thuốc bớt tác dụng phụ: bán hạ…, hoặc tăng tính ấm cho vị thuốc: nhân sâm, đảng sâm…, tăng tác dụng chữa ho của vị thuốc: cát cánh, trần bì…
Minh Thúy.CHITI
Theo Sức khỏe đời sống