Lotensin/Cibacen
HOẠT CHẤT:
- Benazepril hydrochloride
CHỈ ĐỊNH:
- Dùng một mình hoặc phối hợp với thuốc lợi tiểu thiazid để điều trị tăng huyết áp.
- Dùng kết hợp với thuốc lợi tiểu và digitalis để điều trị suy tim sung huyết không đáp ứng với các biện pháp khác.
LIỀU DÙNG:
Liều thường dùng người lớn:
Tăng huyết áp
- Bắt đầu: Uống, 10 mg, ngày một lần.
- Duy trì: Uống 20 – 40 mg, ngày một lần hoặc chia thành 2 lần.
- Ghi chú: Dùng liều bắt đầu 5 mg, cho người mất natri và nước do dùng thuốc lợi tiểu trước đó, người đang tiếp tục dùng thuốc lợi tiểu, hoặc người suy thận (độ thanh thải creatinin dưới 30 ml/phút/1,73m2). Những người bệnh này phải được theo dõi trong ít nhất 2 giờ sau liều ban đầu (và thêm 1 giờ sau khi huyết áp đã ổn định), để đề phòng hạ huyết áp quá mức.
Suy tim sung huyết:
- Bắt đầu: Uống, 5 mg, ngày một lần.
- Duy trì: Uống, 5 – 10 mg, ngày một lần.
CÁCH DÙNG:
- Dùng benazepril qua đường uống. Phải ngừng dùng thuốc lợi tiểu 2 – 3 ngày trước khi bắt đầu dùng benazepril, trừ trường hợp người có tăng huyết áp tiến triển nhanh hoặc ác tính, hoặc tăng huyết áp khó kiểm soát. Ở những người này, có thể bắt đầu điều trị ngay với benazepril với liều thấp hơn dưới sự giám sát cẩn thận của bác sỹ, và tăng dần liều một cách thận trọng. Ở người giảm chức năng thận, phải dùng liều thấp hơn hoặc với khoảng cách giữa các liều dài hơn và mức gia tăng liều nhỏ hơn.
- Benazepril thường có hiệu quả khi dùng thuốc một lần mỗi ngày. Tuy vậy, nếu tác dụng gây hạ huyết áp giảm trước 24 giờ, phải chia tổng liều trong ngày thành 2 lần uống.
TÁC DỤNG PHỤ:
- Khi dùng benazepril, cần lưu ý là một thuốc ức chế enzym chuyển khác, captopril, đã gây mất bạch cầu hạt, đặc biệt ở người bệnh giảm chức năng thận hoặc tổn thương mạch máu trong bệnh tạo keo như luput ban đỏ lan tỏa, hoặc bệnh xơ cứng bì. Không có đủ tư liệu để chứng minh benazepril không có ADR này.
- Thường gặp: ho nhất thời; nhức đầu, chóng mặt, mệt mỏi, ngủ gà; buồn nôn.
- Các tác dụng phụ khác như hạ huyết áp, nhịp tim nhanh, phù mạch; lo âu, mất ngủ, tình trạng kích động; ban, hội chứng Stevens – Johnson, ban đỏ đa dạng, mẫn cảm với ánh sáng; tăng kali – huyết; mất bạch cầu, giảm tiểu cầu; táo bón, viêm dạ dày, nôn, đại tiện máu đen; vàng da; liệt dương, nhiễm khuẩn đường niệu; tăng trương lực, dị cảm, đau khớp, viêm khớp, đau cơ, yếu cơ; viêm phế quản, khó thở, viêm xoang, hen; ra mồ hôi.
CHỐNG CHỈ ĐỊNH:
- Phù mạch; quá mẫn với benazepril hoặc với bất cứ thuốc ức chế enzym chuyển angiotensin nào.
THẬN TRỌNG:
- Ở người bệnh có chức năng thận suy giảm; hẹp động mạch thận một bên hoặc hai bên; người bị mất nước hoặc điều trị với thuốc lợi tiểu mạnh; điều trị với thuốc lợi tiểu giữ kali; người bệnh hẹp lỗ động mạch chủ hoặc hẹp lỗ van hai lá, cần bắt đầu điều trị với liều thấp và sau đó dùng liều thấp hơn liều thường dùng.
- Sau khi dùng liều thuốc ban đầu, người có hệ renin hoạt hóa nhiều đôi lúc có thể có phản ứng hạ huyết áp mạnh trong những giờ đầu. Khi có hạ huyết áp mạnh, tiêm truyền tĩnh mạch natri clorid 0,9%. Sự hạ huyết áp nhất thời này không ngăn cản việc tiếp tục điều trị. Nếu dùng liều ban đầu thấp, thời gian hạ huyết áp mạnh sẽ ngắn.
- Trong phẫu thuật lớn, hoặc khi gây mê với thuốc gây hạ huyết áp, thuốc ức chế enzym chuyển angiotensin ngăn cản tạo angiotensin II sau giải phóng renin. Ðiều này gây hạ huyết áp mạnh, có thể hiệu chỉnh dễ dàng bằng tăng thể tích huyết tương.
- Ở người bệnh giảm chức năng thận, đơn thuần hoặc kết hợp với bệnh mô liên kết, cần theo dõi số lượng bạch cầu trong 3 tháng đầu. Cần báo cho người bệnh phải đến khám bác sỹ ngay khi có nhiễm khuẩn, đau họng, sốt đôi khi do mất bạch cầu hạt. Nguy cơ này tăng lên khi có bệnh mô liên kết, sử dụng thuốc giảm miễn dịch, hoặc giảm chức năng thận. Phụ nữ có thai và cho con bú.
TƯƠNG TÁC THUỐC:
- Thuốc lợi tiểu: Người dùng thuốc lợi tiểu, đặc biệt người mới dùng thuốc này, đôi khi có thể có giảm huyết áp quá mức sau khi bắt đầu điều trị với benazepril.
- Thuốc gây hạ huyết áp: Dùng đồng thời với thuốc ức chế enzym chuyển angiotensin có thể gây tác dụng hạ huyết áp cộng hợp; thuốc điều trị tăng huyết áp gây giải phóng renin hoặc ảnh hưởng đến hoạt động giao cảm có tác dụng cộng hợp lớn nhất.
- Thuốc chống viêm không steroid, đặc biệt indomethacin: Có thể đối kháng với tác dụng chống tăng huyết áp của thuốc ức chế enzym chuyển angiotensin do ức chế tổng hợp prostaglandin ở thận và/hoặc gây giữ natri và dịch.
- Thuốc đồng (chủ) vận giao cảm: Dùng đồng thời, gây giảm tác dụng chống tăng huyết áp của thuốc ức chế enzym chuyển angiotensin.
- Thuốc bổ sung kali và thuốc lợi tiểu giữ kali: Benazepril có thể làm giảm bớt mất kali do thuốc lợi tiểu thiazid. Thuốc lợi tiểu giữ kali (spironolacton, amilorid, triamteren, và thuốc khác) và các thuốc bổ sung kali có thể làm tăng nguy cơ tăng kali – huyết.
- Lithi: Người dùng đồng thời thuốc ức chế men chuyển angiotensin trong khi điều trị với lithi có nồng độ lithi huyết thanh tăng lên và có triệu chứng ngộ độc lithi.