Lasilix Special
HOẠT CHẤT:
- Furosemide
CHỈ ĐỊNH:
- Phù phổi cấp; phù do tim, gan, thận và các loại phù khác; tăng huyết áp khi có tổn thương thận; tăng calci huyết.
LIỀU DÙNG, CÁCH DÙNG:
- Ðiều trị phù: Liều uống bắt đầu thường dùng là 40 mg/ngày. Ðiều chỉnh liều nếu thấy cần thiết tùy theo đáp ứng. Trường hợp phù nhẹ có thể dùng liều 20 mg/ngày hoặc 40 mg cách nhật. Một vài trường hợp có thể tăng liều lên 80 mg hoặc hơn nữa, chia làm 1 hoặc 2 lần trong ngày. Trường hợp nặng, có thể phải dò liều tăng dần lên tới 600 mg/ngày. Trong trường hợp cấp cứu, hoặc khi không dùng được đường uống, có thể tiêm bắp hoặc tĩnh mạch chậm 20 – 40 mg hoặc cần thiết có thể cao hơn. Nếu liều lớn hơn 50 mg thì nên tiêm truyền tĩnh mạch chậm. Ðể chữa phù phổi, liều tiêm tĩnh mạch chậm ban đầu là 40 mg. Nếu đáp ứng chưa thoả đáng trong vòng một giờ, liều có thể tăng lên 80 mg, tiêm tĩnh mạch chậm.
- Với trẻ em liều thường dùng, đường uống là 1 – 3 mg/kg/ngày, tới tối đa là 40 mg/ngày. Liều thường dùng, đường tiêm là 0,5 – 1,5 mg/kg /ngày, tới tối đa là 20 mg/ngày.
- Ðiều trị tăng huyết áp: Furosemid không phải là thuốc chính để điều trị bệnh tăng huyết áp và có thể phối hợp với các thuốc chống tăng huyết áp khác để điều trị tăng huyết áp ở người có tổn thương thận.
- Liều dùng đường uống là 40 – 80 mg/ngày, dùng đơn độc hoặc phối hợp với các thuốc hạ huyết áp khác.
- Ðiều trị tăng calci máu:
- Uống: 120 mg/ngày uống 1 lần hoặc chia làm 2 hoặc 3 liều nhỏ.
TÁC DỤNG PHỤ:
- Tác dụng không mong muốn chủ yếu xảy ra khi điều trị liều cao (chiếm 95% trong số phản ứng có hại). Hay gặp nhất là mất cân bằng điện giải
- Các tác dụng phụ hay gặp như giảm thể tích máu trong trường hợp liệu pháp điều trị liều cao. Hạ huyết áp thế đứng. Trên chuyển hóa: Giảm kali huyết, giảm natri huyết, giảm magnesi huyết, giảm calci huyết, tăng acid uric huyết, nhiễm kiềm do giảm clor huyết.
- Các tác dụng phụ ít gặp hơn như buồn nôn, nôn, rối loạn tiêu hóa.
- Có thể giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu, mất bạch cầu hạt; ban da, viêm mạch, dị cảm; tăng glucose huyết, glucose niệu. Thuốc có thể gây độc với thính giác bao gồm ù tai, giảm thính lực có hồi phục (ở liều cao).
CHỐNG CHỈ ĐỊNH:
- Mẫn cảm với furosemid và với các dẫn chất sulfo- namid, ví dụ như sulfamid chữa đái tháo đường.
- Tình trạng tiền hôn mê gan, hôn mê gan.
- Vô niệu hoặc suy thận do các thuốc gây độc đối với thận hoặc gan.
THẬN TRỌNG
- Thận trọng với những người bệnh phì đại tuyến tiền liệt hoặc đái khó vì có thể thúc đẩy bí tiểu tiện cấp.
- Với phụ nữ có thai trong 3 tháng cuối thai kỳ, thuốc chỉ được dùng khi không có thuốc thay thế, và chỉ với liều thấp nhất trong thời gian ngắn.
- Dùng furosemid trong thời kỳ cho con bú có nguy cơ ức chế tiết sữa. Trường hợp này nên ngừng cho con bú.
TƯƠNG TÁC THUỐC:
- Tương tác thuốc có thể xảy ra khi dùng furosemid phối hợp với các thuốc sau:
- Cephalothin, cephaloridin vì tăng độc tính cho thận.
- Muối lithi làm tăng nồng độ lithi/ huyết, có thể gây độc. Nên tránh dùng nếu không theo dõi được lithi huyết chặt chẽ.
- Aminoglycozid làm tăng độc tính cho tai và thận. Nên tránh.
- Glycozid tim làm tăng độc tính do hạ K+ máu. Cần theo dõi kali huyết và điện tâm đồ.
- Thuốc chống viêm phi steroid làm giảm tác dụng lợi tiểu.
- Corticosteroid làm tăng thải K+.
- Các thuốc chữa đái tháo đường có nguy cơ gây tăng glucose huyết. Cần theo dõi và điều chỉnh liều.
- Thuốc giãn cơ không khử cực làm tăng tác dụng giãn cơ.
- Thuốc chống đông làm tăng tác dụng chống đông.
- Cisplatin làm tăng độc tính thính giác. Nên tránh.
- Các thuốc hạ huyết áp làm tăng tác dụng hạ huyết áp. Nếu phối hợp cần điều chỉnh liều.
- Ðặc biệt khi phối hợp với thuốc ức chế enzym chuyển angiotensin, huyết áp có thể giảm nặng.