Thời tiết chuyển mùa nhất là vào mùa lạnh là điều kiện thuận lợi cho các bệnh xương khớp xuất hiện đặc biệt là người già. Thời tiết lạnh càng làm cho các khớp đang bị bệnh thêm đau nhức, tê, mỏi, khó chịu. Điển hình là những khó chịu trên vùng khớp tay, khớp ngón chân. Để giảm bớt những khó chịu do đau nhức xương khớp mang lại, người già cần chú ý hơn trong chế độ sinh hoạt, đặc biệt cần giữ ấm cơ thể khi tiết trời lạnh giá như thế này.
Mùa lạnh làm gia tăng những cơn đau khớp ở người già
Nguyên nhân đau khớp ở người già
Khi về già, chức năng cũng như cấu tạo khớp đều có sự thay đổi, khớp trở nên kém linh động hơn, tế bào khớp bị thoái hóa, gân và dây chằng bị phân đoạn, đóng vôi, khô cằn, trở nên kém bền bỉ, kém co dãn, không chịu đựng được với căng lực nên dễ bị tổn thương, sụn trở nên đục màu, hóa xơ, khô nước, rạn nứt với nhiều tinh thể calcium làm khớp đau.
Nhiều người bị viêm khớp mà không để ý hoặc biết nhưng chủ quan, xem thường vì vậy không biết để chăm sóc khớp đúng cách. Cộng thêm với thời tiết thay đổi lại làm cơn đau khớp trở nên dữ dội hơn.
Người già bị mắc các bệnh về khớp mạn tính như thoái hóa cột sống, thoái hóa sụn khớp, thoát vị đĩa đệm, viêm dây chằng, lao cột sống hoặc ung thư cột sống …. Vì vậy mỗi khi thời tiết thay đổi, gió mùa, áp thấp nhiệt đới bất thường thì những khó chịu vùng khớp bị tổn thương xảy ra nhiều hơn.
Loãng xương cũng là một nguyên nhân gây ra chứng đau nhức xương khớp thường xuyên ở người già.
Ngoài ra, những người bị béo phì, thừa cân, hồi trẻ bị chấn thương khớp, tật bẩm sinh, mắc các bệnh về chuyển hóa, di truyền cũng làm tăng nguy cơ ảnh hưởng tới các khớp xương. Người ta cũng thấy rằng, nếu một người lúc trẻ tuổi vì một lý do nào đó liên tục bị chấn thương ở khớp dù nhẹ , người làm việc chân tay suốt ngày khuân vác nặng nhọc đều dễ có nguy cơ bị viêm khớp, đau khớp khi tuổi cao.
Nhận dạng cơn đau khớp ở người già
- Khớp đau, sưng, giảm cử động, co cứng là những dấu hiệu thường thấy.
- Khớp bị co cứng vào sáng sớm khi thức dậy hoặc sau một thời gian bất động, kéo dài cả nửa giờ đồng hồ.
- Khi ngâm tay trong nước ấm hoặc tập co cơ khớp thì khớp có thể bớt cứng đi.
- Bị đau khớp khi có những thay đổi tại khớp như viêm màng dịch, viêm dây chằng, sự tiêu hao sụn, co thắt bắp thịt.
- Có những cơn đau khớp bất thình lình khi thời tiết thay đổi, khí hậu lạnh, ẩm, đặc biệt là ở khớp đầu gối. Ban đầu khớp đau âm ỉ, vừa phải, khi tăng cử động khớp thì cơn đau càng tăng theo. Ban đêm ngủ có thể bị những cơn đau khớp hành hạ.
- Sau một thời gian có thể dẫn tới mất chức năng của khớp, người bệnh khó thực hiện các cử động thông thường như cài cúc áo, cột dây giày, cầm lược chải đầu, đứng lên ngồi xuống ….
- Các trường hợp bị viêm khớp khó mà lành hẳn nhưng sau một năm, chứng đau nhức thường giảm bớt. Sự thoái hóa làm mòn hết sụn, hai đầu xương tiếp tục cọ xát vào nhau trở nên nhẵn bóng như ngà.
Đau khớp ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống của người già
Đó là cảm giác khó chịu, đau nhức, tê buốt tại các khớp xương, và bị hành hạ nhiều về ban đêm ảnh hưởng tới giấc ngủ của người cao tuổi. Người bệnh cảm thấy buồn phiền, và ngại cử động dẫn tới các khớp trở nên tê cứng và ngày càng bệnh nặng thêm. Thêm vào đó, nếu không phát hiện sớm để điều trị và dự phòng thì hậu quả khó lường trước.
Phòng và chữa trị đau khớp cho người già
Khi bị đau nhức khớp, người bệnh nên tới các trung tâm y tế, bệnh viện để thăm khám. Tốt nhất là chuyên khoa khớp để xác định nguyên nhân gây tổn thương khớp để có chỉ định điều trị sớm .
Vận động tốt cho người già bị đau xương khớp
Để phòng ngừa bệnh, vào mùa lạnh người già cần được giữ ấm cơ thể, đặc biệt là tại vị trí các khớp. Khi có dấu hiệu nhức khớp, tê, mỏi xảy ra (nhất là khi ngủ dậy) ở vị trí nào thì hãy làm nóng vùng xung quanh vị trí đó bằng cách thoa dầu. Như vậy sẽ làm nóng vùng xung quanh đó để cho các mạch máu giãn ra, vận chuyển máu được dễ dàng để nuôi các khớp.
Ra đường cần mặc đủ ấm, cổ quàng khăn ấm, tay đi găng, chân đi tất. Về chế độ dinh dưỡng, cần có chế độ hợp lý để duy trì cân nặng ở mức độ vừa phải, tránh béo phì, thừa cân và đầy đủ các vi chất cần thiết. Nên bổ sung nhiều thực phẩm có chứa hàm lượng axit béo omega-3, các loại rau lá xanh và trái cây nhiều vitamin C, hạn chế các thực phẩm giầu axit béo omega-6. Hàng ngày, nên vận động nhẹ nhàng các khớp gối, cổ chân, bàn tay, ngón tay theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa khớp. Cần bổ sung canxi và vitamin D theo đơn của bác sĩ khám bệnh.
Nguồn: Tổng hợp