Theo truyền thuyết, cái tên hạ khô thảo được gọi đầu tiên từ thời nhà Minh (Trung Quốc). Truyện kể rằng, cậu tú tài nọ nhà rất nghèo, đến nỗi cậu không đủ tiền để theo học ở xa. Cậu chỉ được học ở vùng quê, dưới sự tần tảo chăm sóc của bà mẹ. Tuy vậy, cậu cũng đậu được danh vị tú tài. Rồi một ngày nọ, mẹ cậu đột nhiên bị mắc bệnh nan y: cổ sưng tấy, nhiều mủ, đau đớn vô cùng. Cậu vô cùng lo lắng và chán chường vì thời đó cho rằng căn bệnh này vô phương cứu chữa.
Cây hạ khô thảo nam (cải trời) dễ nhầm với hạ khô thảo bắc.
Rồi trong làng xuất hiện một cụ lang từ phương xa đến. Sau khi thăm khám cho mẹ cậu, cụ đã cùng cậu tú và các đệ tử vào rừng kiếm thuốc. Ở khu rừng nọ có một loại cây hình dáng tuy thấp bé, song hoa màu tím đẹp, làm rạng rỡ cả một cánh rừng. Cụ hái hoa này đem về, sắc cho mẹ cậu tú uống. Sau khi uống hoa thuốc, bệnh tình của bà dần dần thuyên giảm và đã nhanh chóng khỏi bệnh.
Cậu tú vui mừng khôn xiết. Rồi một ngày kia, mẹ của một chàng thanh niên trong làng cũng mắc căn bệnh giống như mẹ cậu tú nọ. Khi tìm đến cậu tú, chàng thanh niên này hy vọng mẹ mình cũng sẽ được cứu chữa. Cậu tú tỏ ra tin tưởng, vì mình đã có bí quyết mà cụ lang truyền cho. Vào một buổi sáng, cậu tú cùng chàng thanh niên nọ vào rừng, nơi mà mới một năm trước đây, cậu đã cùng cụ lang hái thuốc để chữa khỏi bệnh cho mẹ. Song mọi việc diễn ra không như mong đợi, cả một vùng hoa tím biếc đều biến mất.
Cậu vô cùng buồn bã, thất vọng. Hai người trở về với tâm trạng vừa chán chường vừa bất lực. Đang khi bối rối thì cụ lang năm ngoái lại xuất hiện. Cậu tú vô cùng phấn khởi, thưa lại: “Những cây hoa màu tím năm ngoái đã biến mất cả rồi”. Nghe xong cụ lang cười và bảo: “Chính vì điều này mà ta phải trở lại đây. Cây này chỉ ra hoa vào mùa hạ và sau đó thì khô đi”. Để ghi nhớ đặc điểm của cây thuốc quý giá này, từ đó cây thuốc được gọi bằng cái tên thân thuộc: Hạ khô thảo, tức mùa hạ thì cây bị khô đi.
Theo Tretoday