Cây ngải cứu có thể thu hái quanh năm, nhưng tốt nhất là vào tháng 6. Ngải cứu thu về phơi khô trong râm mát. Khi khô tán nhỏ, rây lấy phần lông trắng, tơi mịn, gọi là ngải nhung, dùng làm mồi cứu kích thích huyệt trong châm cứu.
Ngải cứu tính ôn, cay dịu. Đông y thường dùng nó chữa các chứng bệnh của phụ nữ như đau bụng khi hành kinh, kinh nguyệt không đều, rong kinh, động thai, thổ huyết…
Làm thuốc điều kinh: Một tuần trước ngày có kinh dùng 5 – 10 gr bột ngải cứu hoặc 1 – 4gr cao đặc để uống. Hoặc dùng 6-12 gr ngải cứu khô sắc với nước hoặc hãm với nước sôi uống như trà, uống ba lần trong ngày.
Chữa kinh nguyệt không đều: Đến ngày bắt đầu kỳ kinh nguyệt và cả những ngày đang có kinh, dùng 10 gr ngải cứu khô sắc với 200 ml nước, cô lại còn 100 ml, chia uống hai lần trong ngày. Nếu khó uống, có thể thêm đường.
Thuốc an thai: Phụ nữ có thai nếu bị đau bụng, ra máu thì dùng 16 gr ngải cứu, 16 gr tía tô, đổ 600 ml nước sắc còn 100 ml, chia uống làm 3 – 4 lần trong ngày.
Chữa rong huyết: Ngải cứu 16 gr, cỏ hôi (cây cứt lợn) 20 gr, hy thiêm 12 gr, ích mẫu thảo 12 gr, hương phụ chế 10 gr. Tất cả đem rửa sạch, phơi khô. Cho 600 ml nước sắc với các vị trên, cô lại còn 150 ml, chia uống làm hai lần trong ngày. Điều trị kiên trì trong 3 – 4 tháng sẽ có hiệu quả.
Theo Tretoday