Người mắc bệnh đái tháo đường cần có một chế độ ăn cân đối bao gồm chất bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin, khoáng chất và xơ… Nên có một chế độ ăn khoa học và đầy đủ chất dinh dưỡng đối với người bị đái tháo đường.
Chế độ dinh dưỡng hợp lý giúp ngăn ngừa bệnh và các biến chứng.
Chúng tôi xin đưa ra một số ý kiến xây dựng thực đơn cho bữa ăn của bạn. Trong khẩu phần ăn hàng ngày, cung cấp năng lượng theo các tỷ lệ như sau:
– Lượng bột đường: Từ 55 – 60 % tổng số năng lượng mỗi ngày. Nên sử dụng thực phẩm có chỉ số đường huyết hấp thụ thấp như gạo không xay quá trắng, bánh cuốn, bún, mì ống…; không nên ăn thực phẩm có chỉ số đường cao như bánh mì, khoai tây luộc, bánh bột ngô nướng, bánh mì trắng, cốm gạo…; hạn chế thức ăn là các loại đường hấp thu nhanh như đường mía, mật ong, nước ngọt có gas, bánh kẹo ngọt, mứt…
– Lượng chất đạm (protein): Từ 15% đến 20% năng lượng của khẩu phần ăn. Nếu người bệnh có tổn thương thận thì phải giảm lượng đạm và lượng đạm này phụ thuộc vào mức độ suy thận cũng như lời khuyên của bác sỹ. Ăn kết hợp đạm động vật (thịt, cá, trứng…) và đạm thực vật (đậu nành, các loại đậu, tảo, nấm…). Sữa là nguồn cung cấp chất đạm và canxi tốt nhất cho cơ thể.
– Chất béo (lipid): Tỷ lệ chất béo không nên quá 20 – 25% tổng số năng lượng mỗi ngày. Cần hạn chế các chất béo bão hòa có nhiều trong mỡ động vật. có loại có nhiềi cholesterol như các loại thịt màu đỏ, da gà, nội tạng động vật… nên hạn chế sử dụng. nên sử dụng các loại chất béo có lợi cho hệ tim mạch như dầu hướng dương, dầu olive, dầu cá, cá biển…
– Vitamin (vitamin A, C, E, nhóm B, đặc biệt là B6, B12, acid folic…) và các chất khoáng, các yếu tố vi lượng (magie, sắt, kẽm, iod…): Là các chất dinh dưỡng không sinh năng lượng và có vai tròn quan trọng không thể thay thế trong các phản ứng chuyển hóa của cơ thể. Đồng thời nó còn đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát đường huyết, làm giảm lượng cholesterol có hại, khắc phục tình trạng kháng insulin, tạo thuận lợi cho việc theo dõi và điều trị. Các loại này thường có trong các loại rau xanh, quả tươi, các thực phẩm có bổ sung vi chất dinh dưỡng hoặc viên multivitamin và khoáng chất.
– Chất xơ: Nên ăn nhiều thức ăn có chất xơ như trái cây, rau…có tác dụng chống táo bón, giảm tăng glucose sau bữa ăn, giảm cholesterol, triglyceride máu.
Bạn nên lưu ý rằng Đái tháo đường là một bệnh lý mạn tính nên phải có chế độ ăn uống hợp lý liên tục và lâu dài hàng ngày. Chế độ dinh dưỡng hợp lý phù hợp từng tình trạng bệnh và thể trạng của mỗi người sẽ giúp kiểm soát tốt đường huyết từ đó có thể ngăn chặn và đẩy lùi các nguy cơ biến chứng.