Bổ sung một loài cây thuốc mới – Ngải hoa đỏ
Canna warszewiczii A. Dietr. – cho hệ thực vật Việt Nam
Ngô Đức Phương1*, Nguyễn Duy Như2, Nguyễn Duy Thuần3
1Công ty CP Đầu tư và Phát triển Dược liệu Đông Dương, 2Công ty TNHH Tuệ Linh
3Viện NC Y Dược cổ truyền Tuệ Tĩnh – Học Viện Y Dược cổ truyền Việt Nam
*E-mail: ngophuongimm@gmail.com
1. Summary
The occurrence of the plant Canna species was detected in Phieng Luong commune, Moc Chau district, Son La province (North Vietnam). In botanical morphology, indentified as Canna warszewiczii A. Dietr. (Cannaceae), the species is distinguishable from other known Canna species native to Vietnam with purple-red-margined leaves, purple-red fruits and slightly corm-like thickened terrestrial stem at the base. In addition, there are normally two staminodes, recurved backwards, and the stamens are often strongly reflected at the apex. These charateristics are fairly stable for this taxon. It is for the first time, this species camr to supplement the List of Medicinal plants and the Flora of Vietnam.
Keywords: Canna warszewiczii, hoa ngải đỏ, Sơn La, newly recorded medicinal plant.
2. Đặt vấn đề
Cannaceae là một họ thực vật một lá mầm, phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới và á nhiệt đới. Nhiều loài trong họ này được trồng làm cảnh và có nhiều giống cây trồng khác nhau [5,10]. Hiện nay thuộc họ này trên thế giới có khoảng 10-20 loài [1,7,9,10]. Trong dó có nhiều loài trước đây theo các quan điểm của các tác giả khác nhau đã được nhập vào loài Canna indica với hơn 140 tên đồng danh.
Ở Việt Nam, theo Phạm Hoàng Hộ[3], Nguyễn Tiến Bân (chủ biên) [1], Võ Văn Chi [2] có 5 loài gồm Canna edulis Ker-Gawl., C. generalis Bail., C. glauca L., C. indica L và C. sylvestris Rosc..
Trong quá trình điều tra dược liệu tại bản Piềng Sàng, xã Phiêng Luông, Mộc Châu, Sơn La, chúng tôi đã phát hiện 1 loài cây thuốc mà dân gian thường gọi là ngải hoa đỏ chưa được ghi trong các tài liệu tham khảo. Đây là 1 cây thuốc mọc tự nhiên trong rừng và hiện được trồng rải rác trong các hộ dân để dùng làm thuốc chữa đau dạ dày, đau nhức xương và tức ngực; tên khoa học được xác định là Canna warszewiczii A. Dietr.. Với phát hiện này đã nâng tổng số loài thuộc họ Cannaceae ở Việt Nam thành 6 loài.
3. Vật liệu và phương pháp nghiên cứu
3.1 Vật liệu nghiên cứu
Bao gồm các tiêu bản, mẫu vật, hình ảnh thu thập và chụp được trong các chuyến điều tra thực địa tại bản Piềng Sàng, xã Phiêng Luông, Mộc Châu, Sơn La ngày 22 tháng 11 năm 2014.
Các tiêu bản mang số hiệu ĐD.001 của loài này thu tại thực địa sẽ được lưu tại Bảo tàng Dược liệu của Việ Dược liệu (NIMM) và Bảo tàng Thực vật của Trường ĐH KHTN Hà Nội (HNU).
3.2 Phương pháp nghiên cứu
Sử dụng phương pháp so sánh hình thái, có đối chiếu với khóa phân loại chi Canna L. trong các tài liệu về phân loại như Cây cỏ Việt Nam của Phạm Hoàng Hộ (2000) [3], Thực vật chí Bắc Mỹ [11]… Đây là phương pháp phân loại phổ biến trên thế giới vì đơn giản, dễ sử dụng và có độ tin cậy cao.
Việc định danh được xác định bởi TS. Nguyễn Thị Đỏ – Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật – Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam.
Phương pháp thu thập thông tin về các đặc điểm sinh học khác và công dụng của cây dựa vào tính kế thừa các kết quả điều tra nghiên cứu trước đây và các tài liệu chuyên ngành đã được công bố như Danh lục các loài thực vật Việt Nam [1], Thực vật chí Đài Loan [4], Tài nguyên thực vật Đông Nam Á [5], Thực vật chí Trung Quốc [8]…
4. Kết quả nghiên cứu
4.1 Xác định tên khoa học
Trên cơ sở so sánh hình thái với các khóa phân loại, tên khoa học của mẫu nghiên cứu được xác định là Canna warszewiczii A. Dietr.
Tên đồng nghĩa: Canna indica var. warszewiczii (A. Dietr.) Nb. Tanaka
Họ: Dong riềng (Cannaceae)
Theo quan điểm của một số nhà khoa học gần đây, loài Canna warszewiczii cùng với C. edulis đều là đồng danh của Canna indica. Tuy nhiên, qua phân tích các đặc điểm của các mẫu, chúng tôi nhận thấy:
– Loài Canna indica khác biệt với 2 loài trên bởi toàn bộ phần trên mặt đất (trừ hoa) đều có màu lục và được trồng để làm cảnh. Trong khi đó loài C. edulis và C. warszewiczii có thân và mép lá màu tía, thường được trồng để lấy củ làm miến dong hoặc làm thuốc.
– Loài Canna warszewiczii khác với loài C. edulis bởi toàn cây có màu đỏ tía, lá có kích thước nhỏ và ít thô hơn, các bộ phận của hoa màu đỏ tía, kích thước cây nhỏ hơn, thân rễ nhỏ và cứng hơn (thường không ăn). Quan sát quần thể cây ngải hoa đỏ trồng lẫn với quần thể Dong riềng nhưng cây con giao từ hạt không thấy có sự lai tạo (vẫn bảo lưu các tính trạng của loài).
4.2 Mô tả đặc điểm hình thái của loài
Cây cao 1-1,5 m, thân thô to, màu đỏ tím, có phấn trắng như sáp ở phần cụm hoa, có lá xếp dày sít. Phiến lá hình trứng hoặc thuôn dạng trứng, lá to nhất dài tới 50 cm, rộng 20 cm, chóp nhọn, gốc hình tim hoặc hình nêm màu lục tối, mép, gân lá màu tím hoặc đồng cổ. Cụm hoa chùm dài 15 cm, vượt lên trên lá; lá bắc màu tím, hình trứng, lõm vào trong, vượt qua bầu, có phấn màu lam. Đài hình mũi giáp, chóp nhọn, dài 1,2-1,5 cm. Thùy hình mũi giáo, dài 4-5 cm màu đỏ tối, phía ngoài hơi màu lam, chóp lõm vào trong. Nhị thoái hóa vòng ngoài 2, hình mũi giáo ngược, 1 chiếc dài tới 5,5 cm, rộng 0,8-0,9 cm, màu tím đỏ, 1 nhị thoái hóa bên sài 4 cm, rộng 0,4-0,5 cm; cánh môi dạng lưỡi hoặc hình tròn tròn dài dạng dải, chóp hơi lõm hoặc xẻ 2, cong ra ngoài, màu đỏ. Nhị mang bao phấn hình mũi giáo, màu nâu nhạt, chóp nhọn, hơi dài hơn bao phấn. Bầu hình quả lê, màu đỏ thẫm, có các nốt ruồi nhỏ dày đặc. Vòi nhụy dạng dải, dài hơn bao phấn. Quả chín màu đen. Hạt to cỡ 4-5 mm, tròn, nhẵn, màu đen.
4.3 Khóa định loại các loài thuộc chi Canna L. ở Việt Nam
1. Nhị thoái hóa to, dài 5-10 cm, rộng 2-3,5 cm.
2. Phiến lá hình thuôn, thô, kích thước có thể tới 100×40 cm. Hoa màu đỏ cam……. 1- C. sylvestris.
2’. Phiến lá hình thuôn hoặc hình mũi giáo, kích thước 40-50 x 10-20 cm. Hoa thường màu vàng hoặc có sắc đỏ và trắng.
3. Phiến lá hình mũi giáo. Hoa xếp thưa, màu vàng, nhị thoái hóa vòng ngoài rộng không quá 2 cm……… 2- C. glauca
3’. Phiến lá hình thuôn. Hoa xếp dày hơn, có màu sắc vàng, đỏ, trắng. Nhị thoái hóa vòng ngoại rộng 2-5 cm……… 3- C. generalis.
1’. Nhị thoái hóa nhỏ hẹp hơn, dài 3,5-5 cm, rộng không quá 1 cm.
4. Toàn bộ thân, lá màu lục, không có phấn sương……………… 4- C. indica.
4’. Thân, mép lá hoặc lưng lá màu tím hoặc đồng cổ, có phấn sương ở ngọn thân.
5. Thùy tràng màu vàng cam và có chóp màu đỏ cam. Nhị thoái hóa vòng ngoài màu đỏ, gốc màu vàng cam. Nhụy màu vàng. Bầu màu lục…………… 5- C. edulis.
5’. Thùy tràng màu đỏ thẫm. Nhị thoái hóa vòng ngoài màu đỏ. Nhụy mùa đỏ. Bầu màu đỏ sẫm……………. 6- C. warszewiczii.
5. Đặc điểm sinh học và sinh thái
Ngải hoa đỏ là cây ưa ẩm, ưa bóng, thường mọc ở dưới tán rừng ẩm. Cây được trồng ở trên nương rẫy phát triển mạnh và xanh tốt quanh năm. Cây có khả năng tái sinh mạnh bằng hạt và bằng chồi tách từ thân rễ; thậm chí có thể nhân giống được từ các đoạn thân giả có mắt thân. Cây ra hoa quả gần như quanh năm.
5.1 Phân bố
Ở Việt Nam, hiện mới thấy cây phân bố tự nhiên và được trồng tại huyện Mộc Châu – tỉnh Sơn La. Ngoài ra, cây cũng được trồng tại huyện Võ Nhai – tỉnh Thái Nguyên và huyện Bắc Sơn – tỉnh Lạng Sơn (nhưng không rõ nguồn gốc và nhiều người nói trước đây cây có mọc tự nhiên trong rừng). Cây còn phân bố ở Trung Quốc (Quảng Châu), Nam Mỹ và được trồng ở một số nước khác để làm cảnh.
5.2 Công dụng
Theo kinh nghiệm của người Dao tại bản Piềng Sàng, xã Phiêng Luông, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La thì cả cây ngải hoa đỏ được dùng làm thuốc chữa bệnh đau dạ dày, đau nhức xương và đau tức ngực. Có thể dùng cả cây hoặc cắt bỏ phần thân rễ, để tươi hoặc phơi khô sắc uống.
6. Kết luận
– Đã xác định được tên khoa học của các mẫu thu thập được tại bản Piềng Sàng là Canna warszewiczii A. Dietr., thuộc họ Dong riềng (Cannaceae). Kết quả này đã bổ sung một loài cây mới có tiềm năng làm thuốc cho Hệ thực vật Việt Nam.
– Bước đầu đã thu thập và cung cấp được một số thông tin sơ bộ về các đặc điểm thực vật, sinh học và công dụng làm thuốc của cây Canna warszewiczii A. Dietr. mới được phát hiện ở Việt Nam.
Lời cảm ơn: Xin chân thành cảm ơn TS. Nguyễn Thị Đỏ đã thẩm định về tên khoa học trong quá trình phân tích và giám định tên khoa học của loài cây thuốc ngải hoa đỏ – Canna warszewiczii A. Dietr.
7. Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Tiến Bân (2005), Danh lục các loài thực vật Việt Nam, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, Tập III, 508-509.
2. Võ Văn Chi (2012), Từ điển cây thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, Tập 1, 471, 807.
3. Phạm Hoàng Hộ (2000), Cây cỏ Việt Nam, Nhà xuất bản trẻ, Quyển III, 461-462.
4. Koyama, Tetsuo, Bourfford, David E. (2009), Flora of Taiwan, 725-726
5. H. Mass – Van de Kamer, P. J. M. Mass (2008), The Cannaceae of the World, Blumea, 53, 247-318.
6. L. J. Novara (1995), Cannaceae – Flora fanerogámica Argentina, 1-6.
7. N. Tanaka (1998), “The Angiosperm flora of Singapore Part 8 – Cannaceae”, Garden’s Bullettin Singapore, 50, 35-37.
8. Wu Te Lin (Redactor) (1981), Flora reipublicae popularis Sinicae, Science Press, Tomus, 16(2), 152-158.
9. Wu Z. Y. & P. H. Raven, eds. (2000), Flora of China, Science Press, Beijing, and Missouri Botanical Garden Press, St. Louis; Vol.24, 378.
10. http://www. Efloras.org/florataxon.aspx?flora_id=1&taxo