Viêm phế quản mạn là tình trạng sản xuất quá mức chất nhầy phế quản, gây ho và khạc đờm liên tục hoặc tái phát theo từng đợt ít nhất 3 tháng trong 1 năm và ít nhất 2 năm liền, đã loại trừ nguyên nhân do lao, ung thư phổi hay suy tim mạn tính.
Viêm phế quản mạn xuất hiện và tiến triển từ từ. Ví dụ sau khi bị cảm lạnh vào mùa đông, bạn có thể vẫn ho và có đờm trong nhiều tuần. Những đợt sau, ho và đờm nhiều hơn, có khi kéo dài cả năm, nhất là vào buổi sáng thời tiết lạnh và ẩm ướt. Viêm phế quản mạn có thể phát triển thành bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).
Người ta thường bỏ qua những dấu hiệu của viêm phế quản mạn tính cho đến khi nó nặng hơn, vì họ nhầm tưởng rằng bệnh không đe dọa tính mạng. Nhưng nếu không tìm cách điều trị, phổi có thể bị tổn thương nặng, có nguy cơ phát triển các bệnh hô hấp nghiêm trọng hoặc suy tim. Nhưng tin tốt là viêm phế quản mạn tính có thể phát hiện sớm và có nhiều phương pháp để chữa khỏi bệnh.
1. Phân loại
Viêm phế quản mạn tính đơn thuần: chỉ ho và khạc đờm, có thể điều trị khỏi.
Viêm phế quản mạn tính tắc nghẽn: triệu chứng chính là khó thở, do tắc nghẽn lan rộng và thường xuyên của phế quản, ho khạc đờm trong hoặc có mủ nhầy. Còn gọi là bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).
Viêm phế quản mạn tính nhầy mủ: ho và khạc đờm nhầy từng đợt kịch phát hoặc liên tục.
2. Nguyên nhân
- Khói thuốc lá, thuốc lào là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến VPQ mạn.
- Môi trường ô nhiễm: bụi công nghiệp, tiếp xúc nhiều bụi, khí độc hữu cơ, vô cơ.
- Nhiễm khuẩn: vi khuẩn, virus, những ổ viêm nhiễm ở đường hô hấp trên và viêm phế quản cấp là cơ sở thuận lợi cho viêm phế quản mạn tính phát triển.
- Yếu tố cơ địa: cơ địa dị ứng
- Yếu tố thuận lợi: người cao tuổi hút thuốc lá, môi trường sống chật chội, ẩm thấp, thiếu vệ sinh, khí hậu ẩm ướt.
3. Triệu chứng
Bệnh thường xảy ra ở người trên 50 tuổi nghiện thuốc lá, thuốc lào. Bệnh ban đầu nhẹ, sau nặng lên dần. Quá trình diễn biến 5 – 20 năm, có những đợt cấp và biến chứng.
Thường xuyên ho, khạc đờm vào buổi sáng, đờm nhầy, dính, trong hoặc xanh, vàng, đục như mủ. Lượng đờm khoảng 200 ml/ngày. Mỗi đợt kéo dài 3 tuần, tăng về mùa đông và đầu xuân.
Khó thở tăng dần vào giai đoạn cuối, chức năng hô hấp suy giảm trầm trọng.
Đợt bùng phát của VPQ mạn: thường xảy ra ở người già, yếu, do bội nhiễm. Có thể sốt, ho, khạc đờm có mủ và khó thở như cơn hen, có thể tử vong do suy hô hấp cấp.
Biến chứng: bội nhiễm phổi (viêm phổi thùy, áp xe phổi, lao phổi), giãn phế nang, suy hô hấp cấp, suy tim.
4. Cận lâm sàng
- X quang phổi: tuy ít giá trị chẩn đoán nhưng X quang phổi giúp chẩn đoán phân biệt các bệnh gây ho khạc mạn tính và để chẩn đoán biến chứng.
- Soi phế quản: vách phế quản dày, niêm mạc phế quản có chỗ nhợt, có chỗ xung huyết, viêm nhiễm ở những phế quản lớn.
- Chức năng hô hấp: ở giai đoạn đầu chưa có biến chứng, các thông số bình thường. Giai đoạn sau biểu hiện sức cản đường thở tăng sớm, FEV1 giảm, dung tích sống VC giảm.
5. Biến chứng
iến triển: từ từ nặng dần 5 – 20 năm, nhiều đợt bùng phát dẫn đến biến chứng khí phế thũng và tâm phế mạn, suy hô hấp.
Biến chứng:
- Khí phế thũng trung tâm tiểu thuỳ.
- Tâm phế mạn, cao áp động mạch phổi.
- Bội nhiễm: viêm phổi, áp xe phổi, lao phổi.
- Suy hô hấp: cấp và mạn.
6. Mục tiêu điều trị
- Ngăn ngừa yếu tố có thể gây đợt cấp.
- Điều trị kịp thời những đợt cấp.
- Lưu thông đường thở, chống suy hô hấp.
- Khi có nhiễm khuẩn, dùng kháng sinh.
7. Điều trị
7.1. Tránh các yếu tố nguy cơ
- Bỏ thuốc lá, thuốc lào
- Giữ ấm khi trời lạnh, tránh nhiễm lạnh đột ngột
- Tiêm vacxin phòng cúm vào mùa thu đông
- Điều trị những ổ nhiễm khuẩn đường hô hấp trên
- Tránh dùng các chất gây dị ứng với phổi như xịt tóc, nước hoa, sơn.
7.2. Sử dụng kháng sinh
Bình thường, kháng sinh không thể chữa khỏi VPQ mạn. Nhưng kháng sinh sẽ được dùng trong trường hợp có nhiễm khuẩn phổi, biểu hiện:
- Ho có đờm mủ kéo dài, mủ vàng hoặc xanh
- Sốt, thở ngắn, khó thở
- Dự phòng đợt cấp của những bệnh nhân suy hô hấp nặng.
7.3. Điều trị đợt cấp
- Thuốc long đờm: acetylcystein, carbocystein, bromhexin
- Thuốc giãn phế quản nếu có dấu hiệu co thắt phế quản: theophylin, salbutamol, terbutalin
- Chống viêm, phù: corticoid đường uống hoặc hít
- Kháng sinh
- Dẫn lưu đờm ra ngoài, thở oxy nếu cần.
7.4. Phục hồi chức năng
- Tập thể dục thường xuyên, cố gắng ít nhất 3 lần/tuần. Bắt đầu với bài tập nhẹ rồi tăng lên, đi bộ chậm 15 phút, 3 lần/tuần, sau đó có thể tăng 20, 25, 30 phút.
- Tập thở cơ hoành để tăng cường thông khí.
Tuelinh.vn