Cây sa kê có tên khoa học là Artocarpus altilis, thuộc họ dâu tằm (Moraceae), đây là loại cây được trồng nhiều ở miền Tây Nam bộ.
Trái sa kê
Nhiều bạn đọc hỏi về việc dùng cây sa kê trị bệnh. Theo hướng dẫn của lương y Phạm Như Tá, các bộ phận như trái, rễ, lá, vỏ và cả nhựa của cây sa kê đều có nhiều dược tính, nên được y học, dân gian dùng làm các bài thuốc trị bệnh. Theo Đông y, thịt của quả sa kê có tác dụng bổ tỳ, ích khí. Còn hạt sa kê thì có tác dụng bổ trung ích khí, lợi trung tiện. Vỏ cây có tác dụng sát trùng. Còn lá sa kê có tác dụng kháng sinh, tiêu viêm lợi tiểu. Nhưng lưu ý, người không có bệnh thì không nên tự ý dùng lá sa kê nấu uống thường xuyên.
Một số cách áp dụng
Theo lương y Phạm Như Tá, lá sa kê thường được đốt thành than, tán mịn, phối hợp với dầu dừa và nghệ tươi, giã nát, làm thành bánh để đắp chữa mụn rộp. Hoặc dùng lá sa kê và lá đu đủ tươi, lượng bằng nhau, giã với chút vôi (vôi ăn trầu) cho đến khi có màu vàng dùng để đắp chữa sưng háng, mụn nhọt, áp xe.
Những người bệnh gout hay bị sỏi thận có thể lấy lá sa kê (loại lá đã già, còn tươi) độ 100g, quả dưa leo 100g, cỏ xước khô 50g. Cho cả 3 loại vào nồi nấu lấy nước dùng.
Những người bị viêm gan vàng da, có thể dùng lá sa kê còn tươi chừng 100g, diệp hạ châu tươi 50g, củ móp gai tươi 50g, cỏ mực khô 20-50g. Tất cả đem nấu chung để lấy nước dùng trong ngày.
Những người bị bệnh đái tháo đường (tiểu đường) dạng 2 có thể dùng lá sa kê (loại lá đã già) chừng 100 gr, quả đậu bắp tươi 100g, lá ổi non 50g. Tất cả đem nấu chung để lấy nước uống. Có thể uống thường xuyên.
Khi bị đau răng, để chữa cơn đau tạm thời trước khi đến khám ở nha sĩ, có thể lấy rễ cây sa kê đem nấu nước ngậm và súc miệng.
Những người bị tình trạng tăng huyết áp dao động có thể dùng lá sa kê vàng (lá vừa rụng), lấy 2-3 lá, rau bồ ngót tươi 50g, lá chè xanh tươi 20g, đem tất cả nấu chung lấy nước uống trong ngày.
Minh Thúy.CHITI
Theo Thanhnien