Vô sinh được định nghĩa là tình trạng mất khả năng thụ thai sau một năm giao hợp mà không áp dụng biện pháp tránh thai (hiếm muộn nguyên phát).
Những cặp vợ chồng có ít con hơn số con mong đợi được gọi là hiếm muộn thứ phát.
Hiện nay, có khoảng 15% cặp vợ chồng không thể có thai một cách tự nhiên. Trong số đó, nguyên nhân do người vợ chiếm khoảng 50%, 30% trường hợp do người chồng và do cả hai vợ chồng chiếm 20%.
Nguyên nhân gây vô sinh ở nam giới
Theo Tiến sĩ – bác sĩ Nguyễn Thành Như, nguyên Trưởng khoa Nam học Bệnh viện Bình Dân TP.HCM, trong khoảng hai thập niên vừa qua, những tiến bộ của hỗ trợ sinh sản đã giúp khảo sát các nguyên nhân gây vô sinh nam thường bị bỏ qua. Có nhiều nguyên nhân gây vô sinh nam có thể điều trị được một cách hiệu quả như giãn tĩnh mạch tinh, tắc ống dẫn tinh và nhiễm trùng.
Hiện tại, dựa trên các thông số của tinh dịch đồ, các bác sĩ nam khoa chia vô sinh nam thành từng nhóm, mỗi nhóm có những nguyên nhân như sau:
Nhóm không có tinh dịch hay tinh dịch rất ít
Nguyên nhân gây nên tình trạng trên do rối loạn tâm lý; suy tinh hoàn hoàn toàn; hút thuốc lá; bệnh nhân phẫu thuật sau phúc mạc hay cổ bàng quang; bị bệnh đái tháo đường; bị chấn thương tủy sống; bị tắc ống phóng tinh; không lấy trọn tinh dịch xuất ra; một số trường hợp không rõ nguyên nhân.
Nhóm vô sinh do không có tinh trùng trong tinh dịch
Do có các suy tuyến sinh dục, giảm hướng sinh dục; có các bất thường trong quá trình sinh sản tinh trùng; nhiễm sắc thể bất thường; do mất đoạn nhiễm sắc thể Y; bị ảnh hưởng các chất độc hại ảnh hưởng đến quá trình sinh sản tinh trùng; giãn tĩnh mạch tinh; viêm tinh hoàn do bị bệnh quai bị; bị xoắn tinh hoàn; bị tắc đường dẫn tinh (như tắc ống phóng tinh, ống dẫn tinh, mào tinh, ống xuất, lưới tinh) và một số trường hợp không rõ nguyên nhân.
Nhóm vô sinh do tinh trùng ít và yếu
Những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên gồm: do bệnh nội tiết; giãn tĩnh mạch tinh; tinh hoàn ẩn; thuốc; sức nóng; chất độc hại; nhiễm trùng toàn thân; không rõ nguyên nhân.
Nhóm có tinh dịch đồ bình thường nhưng vẫn vô sinh
Những nguyên nhân chính gồm: do bất thường ở người vợ; thói quen giao hợp bất thường; cực đầu của tinh trùng (acrosome) không bình thường; có kháng thể kháng tinh trùng; một số trường hợp không giải thích được nguyên nhân.
Tinh trùng có đủ số lượng nhưng chết hoàn toàn
Nguyên nhân do tinh trùng có cấu trúc bất thường; hoặc lâu ngày không giao hợp; nam giới bị nhiễm trùng ở đường sinh dục; có kháng thể kháng tinh trùng; giãn tĩnh mạch tinh; tắc bán phần đường dẫn tinh; một số trường hợp không rõ nguyên nhân.
Những phương pháp điều trị vô sinh ở nam giới
Hiện nay, điều trị vô sinh nam có 3 phương pháp: nội khoa (dùng thuốc hay các biện pháp đơn giản không dùng thuốc), phẫu thuật và hỗ trợ sinh sản hay còn gọi là thụ tinh nhân tạo (bơm tinh trùng vào buồng tử cung và thụ tinh trong ống nghiệm). Theo nguyên tắc điều trị vô sinh, phải đi từ dễ đến khó, đơn giản đến phức tạp, biến chứng thấp đến biến chứng cao, chi phí thấp đến chi phí cao. Vì vậy, điều trị nội khoa luôn là chọn lựa đầu tiên. Sau đó, phẫu thuật điều trị bệnh là chọn lựa thứ hai. Thụ tinh nhân tạo là chọn lựa sau cùng nếu nội khoa và phẫu thuật không thể thực hiện được hoặc thực hiện được nhưng thất bại.
Phương pháp nội khoa
Dành điều trị cho các trường hợp có tinh trùng yếu. Chi phí điều trị thấp, hầu như vô hại nhưng hiệu quả không cao, không thuyết phục. Có thể chia làm 2 nhóm (dùng thuốc và không dùng thuốc).
Nhóm không dùng thuốc: áp dụng cho những bệnh nhân không có bệnh lý rõ ràng, bằng cách khuyên bệnh nhân mặc quần lót rộng, tắm thường xuyên để hạ nhiệt ở bìu thì chất lượng tinh trùng có thể cải thiện.
Bỏ thuốc lá cũng là một biện pháp tốt giúp tăng chất lượng tinh trùng. Ngoài ra, hai vợ chồng cần giao hợp thường xuyên, khoảng 2-4 lần mỗi tuần, để giúp kích thích tinh hoàn sinh tinh.
Nhóm điều trị bằng thuốc: thường dùng là các thuốc chống ôxy hóa như vitamin E và C hay clomiphene. Nhìn chung, chưa có thuốc nào, dù Đông y hay Tây y, chứng minh được thuốc có hiệu quả rõ ràng trong điều trị vô sinh nam.
Nếu bệnh nhân có tinh dịch bị nhiễm trùng thì dùng kháng sinh sẽ giúp tinh dịch đồ cải thiện nhanh. Nếu bệnh nhân không có tinh trùng do não không tiết ra các nội tiết tố hướng sinh dục để kích thích sinh tinh (FSH và LH), thì chích các chất này mang lại hiệu quả cao (90%) nhưng rất tốn kém (300.000đ – 600.000đ/mũi) và phải chích liên tục với 3 mũi/tuần, trong 6 tháng.
Phương pháp phẫu thuật: dành cho các bệnh nhân có bệnh lý. Đối với giãn tĩnh mạch tinh, vi phẫu thuật cột tĩnh mạch tinh giãn hai bên ngả bẹn – bìu giúp tỉ lệ tinh trùng cải thiện trong 60%-70% trường hợp và tỉ lệ có thai là 40% trong 1 năm.
Đối với tắc ống dẫn tinh do triệt sản, vi phẫu thuật nối ống dẫn tinh có kết quả thành công đến 70%-90% trường hợp và tỉ lệ có thai tự nhiên là 30%-55% trường hợp. Đối với tắc mào tinh, vi phẫu thuật nối ống dẫn tinh – mào tinh kiểu lồng hai mũi có kết quả thành công thấp hơn đạt khoảng 80% trường hợp, với tỉ lệ có thai tự nhiên sau mổ vào khoảng 40%-50% trường hợp. Riêng trường hợp tinh hoàn ẩn, thành công rất thấp (10%-15%), nếu điều trị quá trễ thì không còn hy vọng. Phẫu thuật nội soi cắt ống phóng tinh để điều trị vô sinh do tắc ống phóng tinh có tỉ lệ thành công vào khoảng 60% trường hợp với tỉ lệ có thai tự nhiên là 30%-40% trường hợp.
Thành công của phẫu thuật phụ thuộc vào phương pháp mổ, tay nghề của bác sĩ phẫu thuật. Thời gian cải thiện tinh trùng, có thai tự nhiên tùy thuộc vào từng trường hợp. Ví dụ, giãn tĩnh mạch tinh từ 6 tháng đến 1 năm; tắc ống tinh cần 3 – 6 tháng. Không ít trường hợp sau mổ 1-2 năm người vợ mới có thai tự nhiên.
Chi phí phẫu thuật hiện nay vào khoảng 5-10 triệu đồng. Thời gian mổ trung bình là 60 phút. Bệnh nhân nằm viện một đêm, hôm sau về. Chỉ của vết mổ được cắt sau 7 ngày. Bệnh nhân sinh hoạt trở lại bình thường sau khi mổ từ 3-7 ngày. Sinh hoạt tình dục sau mổ được khuyến khích để giúp tinh dịch đồ mau cải thiện, tăng tỉ lệ có thai tự nhiên.
Phương pháp thụ tinh nhân tạo
Bao gồm 3 kỹ thuật:
Bơm tinh trùng đã được lọc rửa vào buồng tử cung: kỹ thuật này dành cho các trường hợp tinh dịch đồ bình thường nhưng người vợ lâu quá không có thai hay tinh trùng yếu nhẹ, hay yếu vừa. Tỉ lệ thành công của phương pháp trên khoảng 12%-20%. Chi phí từ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng.
Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF): phương pháp dành cho các trường hợp tinh dịch đồ kém hay tắc ống dẫn tinh mà không thể mổ nối được (ví dụ bệnh bất sản ống dẫn tinh hai bên). Người vợ phải được dùng thuốc kích trứng và chính khâu này là khâu gây ra các biến chứng như quá kích buồng trứng, xuất huyết trong ổ bụng, trầm cảm và cũng chính thuốc dùng trong khâu này làm chi phí thụ tinh ống nghiệm lên cao, vài chục triệu đồng cho một lần làm thụ tinh trong ống nghiệm. Phương pháp này có tỉ lệ thành công khoảng 15%.
Thụ tinh trong ống nghiệm với sự hỗ trợ của vi thao tác tiêm tinh trùng vào bào tương trứng (ICSI): để tăng tỉ lệ thành công của thụ tinh trong ống nghiệm, kỹ thuật vi thao tác tiêm tinh trùng vào bào tương trứng ra đời. Tinh trùng không cần bơi đến gặp trứng mà nó được “tóm” lấy và chích thẳng vào trong trứng. Nên dù tinh trùng “lười” không chịu di chuyển nhưng chỉ cần nó sống thì có thể làm thụ tinh trong ống nghiệm. Chính vì nguyên nhân tinh trùng bị “ép” phải làm trứng thụ tinh, làm dấy lên các lo ngại về những đứa trẻ thụ tinh trong ống nghiệm có thể dễ mắc các dị tật di truyền. Với phương pháp này, tỉ lệ có thai lên đến 30%-40%, nhưng khoảng 5%-10% trong số đó bị sảy thai. Ngoài ra, các bé sinh ra bằng phương pháp trên dễ có các bệnh bẩm sinh hơn các bé sinh tự nhiên vì tỉ lệ các thai phụ sinh non khá cao.
Những biện pháp phòng ngừa nam giới có thể làm được
Có những nguyên nhân gây vô sinh không thể phòng ngừa được như không có ống dẫn tinh bẩm sinh hai bên, nhưng cũng có nguyên nhân có thể phòng được như lao sinh dục, quai bị. Phụ huynh nên cho trẻ đi chích ngừa lao, quai bị đầy đủ khi còn nhỏ. Trong trường hợp bị quai bị khi lớn thì nhanh chóng đến cơ sở có ngân hàng tinh trùng để trữ tinh trùng.
Tuy nhiên, không phải ai bị quai bị cũng bị vô sinh, chỉ có 30% bệnh nhân quai bị là bị teo cả hai tinh hoàn gây vô sinh vĩnh viễn.
Ngoài ra, cũng có thể phòng ngừa vô sinh bằng cách quan hệ tình dục an toàn để không mắc phải bệnh viêm nhiễm trùng tinh hoàn, mào tinh, ống dẫn tinh và đường niệu đạo vì sẽ dễ bị tắc đường dẫn tinh. Nếu lỡ bị viêm tinh hoàn, mào tinh thì bệnh nhân cần đi khám để được bác sĩ cho sử dụng thuốc kháng viêm và kháng sinh trong 2-3 tuần, có thể không bị tắc mào tinh-ống dẫn tinh sau này.
Bên cạnh đó, việc không hút thuốc lá, tránh tiếp xúc trực tiếp thuốc trừ sâu v.v… cũng là những biện pháp giúp tránh bị hiếm muộn.
Theo Nguyên Hạnh