Theo các tài liệu nghiên cứu thì ở nước ta tỷ lệ bệnh còi xương chiếm khoảng 9-10% ở trẻ em dưới 3 tuổi, gặp nhiều ở các tỉnh phía Bắc hơn các tỉnh phía Nam. Còi xương là một bệnh thường xảy ra ở trẻ em nhỏ chủ yếu trẻ dưới 3 tuổi. Bệnh này làm cho xương mềm, xốp, đồng thời làm biến dạng xương.
Bệnh còi xương ở trẻ em
Bệnh còi xương khác với bệnh suy dinh dưỡng, bệnh suy dinh dưỡng là do thiếu calo, protein, làm cho trẻ chậm phát triển về thể chất, “thấp bé nhẹ cân”, còn bệnh còi xương thường xuất hiện ở những trẻ được ăn đầy đủ về năng lượng, thậm chí còn gặp ở những trẻ cân nặng còn cao hơn so với cùng lứa tuổi. Chính vì vậy mà nhiều bà mẹ đã không chú ý, bỏ qua các dấu hiệu của bệnh, đến khi có biến chứng mới đưa con đi khám.
Nguyên nhân chính của bệnh còi xương là do thiếu vitamin D. Vitamin D là một vitamin tan trong chất béo (dầu mỡ). Nguồn cung cấp chủ yếu vitamin D cho cơ thể do:
– Do ăn uống: thức ăn có chứa nhiều vitamin D như dầu cá, gan cá, trứng, sữa, thịt v.v… Nguồn vitamin D trong sữa mẹ có nhưng không đủ cung cấp cho trẻ, mà nguồn chính là do ánh sáng mặt trời, tia cực tím, kích thích sự tổng hợp vitamin D qua một quá trình quang hóa ở da… Vitamin D giúp cho cơ thể trong quá trình hấp thu và chuyển hóa canxi và phospho để tạo thành xương giúp cho cơ thể phát triển.
Ở những trẻ do nuôi dưỡng thiếu vitamin D thường là do ăn chủ yếu chất bột, hoặc kiêng ăn chất béo khi trẻ bị tiêu chảy v.v… hoặc là sống ở nơi thiếu ánh sáng mặt trời, ẩm thấp hoặc do tập quán giữ trẻ trong nhà, mặc quần áo kín, che kín chân tay khi ra ngoài, đặc biệt là mùa đông nên dễ mắc bệnh còi xương.
Bệnh còi xương biểu hiện tùy theo tuổi của trẻ và tùy theo thời kỳ của bệnh. Có khi xuất hiện rất sớm vài tuần sau đẻ. Đứa trẻ thường biểu hiện: khó ngủ, ngủ hay giật mình, hay ra mồ hôi, kể cả mùa đông, đặc biệt là mồ hôi vùng đầu, gáy, trẻ ngứa lắc đầu nhiều làm rụng tóc vùng gáy, nếu nặng làm đầu mềm, ấn vào bập bềnh như ấn vào quả bóng cao su, dần dần đầu bẹp (bẹp đầu cá trê). Sau đó đứa trẻ da xanh, trương lực cơ giảm, cơ mềm, nhẽo, làm bụng to ra, ngực lép do cơ thành bụng yếu, trẻ hay có rối loạn tiêu hóa, hay bị viêm phế quản và viêm phổi v.v… Trẻ chậm phát triển vận động, như chậm lẫy, chậm bò, chậm ngồi, đi, đứng rồi chậm cả mọc răng và răng mọc không đều (bình thường 6 tháng răng mọc). Đứa trẻ yếu dần, ăn uống kém, rồi lại kiêng ăn khi bị tiêu chảy dần dần đứa trẻ bị suy dinh dưỡng, lúc đó mới đưa bé đi khám thì đứa trẻ đã có biểu hiện biến chứng của bệnh còi xương.
Bệnh còi xương ngoài các biểu hiện toàn thân như trên, còn biểu hiện ở xương như : xương đầu thường bẹp, hay đầu có bướu do xương phát triển không đều.
- Xương ngực bị nhô ra, giống như ngực gà, hạn chế trao đổi khí của phổi.
- Xương chầy ở chi dưới do trọng lực cơ thể đè làm xương bị cong vòng như hình chữ O, hoặc là bẻ ra ngoài như hình chữ bát.
- Xương chậu bị biến dạng làm hẹp lại, rất trở ngại cho việc sinh đẻ nếu là cháu gái.
Ngoài ra bệnh còi xương nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể gây co giật do hạ các ion canxi trong huyết thanh, đôi khi gây khó thở do co thắt các cơ thanh quản có thể nguy hiểm nếu không được cấp cứu kịp thời.
Vì vậy chúng ta nên chú ý phòng bệnh còi xương cho trẻ, và cũng cần phòng bệnh từ trong bụng mẹ, nghĩa là chị em khi có thai cần ăn uống đầy đủ, nên tiếp xúc với ánh sáng mặt trời nhất là mùa đông để tạo được nhiều vitamin D.
Cho trẻ bú sớm sau khi sinh và cho trẻ ăn bổ sung sau 4, 5 tháng, ăn đầy đủ chất, đa dạng, gọi là tô màu cho bát bột.
Một điều quan trọng là cho trẻ được tắm nắng sớm ngay tuần lễ đầu sau khi sinh, nhất là mùa đông. Nên cho trẻ ra tắm nắng vào buổi sáng, mỗi lần chỉ nên từ 5-10 phút và chỉ để hở hai cẳng chân của trẻ tiếp xúc với ánh nắng, sau đó vuốt ve, xoa bóp cho trẻ. Nếu mùa đông trời mưa ẩm nhiều không tắm được nắng, có thể cho trẻ uống vitamin D để phòng bệnh (mỗi ngày chỉ nên uống 400 đơn vị vitamin D).
Mặc khác chị em nên chú ý phát hiện những dấu hiệu của bệnh còi xương, sớm đưa cháu đi khám để được điều trị kịp thời, bệnh sẽ khỏi hoàn toàn và không để lại di chứng. Không nên tự điều trị cho uống vitamin D quá liều sẽ có hại cho trẻ và gây ra các biến chứng ngộ độc vitamin D và làm rối loạn chuyển hóa canxi gây ra sỏi bàng quang và sỏi thận.
Tóm lại bệnh còi xương nguyên nhân chính là do thiếu vitamin D, vitamin D lại do ánh sáng mặt trời tổng hợp quang hóa qua da, là một nguồn vô tận, vừa đơn giản lại không mất tiền. Vì vậy ngoài vấn đề cho các cháu ăn uống đầy đủ, chúng ta cần cho trẻ tắm nắng để phòng bệnh còi xương cho trẻ, đảm bảo cho trẻ phát triển tốt.
Nguồn: BS. Trần Thị Nga – Viện Nhi