Còi xương ở trẻ thường xảy ra chủ yếu ở độ tuổi dưới 3 tuổi. Bệnh làm cho xương mềm, xốp, đồng thời làm biến dạng xương ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.
Nguyên nhân trẻ bị còi xương
Còi xương là bệnh do rối loạn chuyển hoá vitamin D hoặc thiếu vitaminD.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến trẻ bị còi xương như thiếu nắng mặt trời – đây là nguyên nhân hay gặp nhất do thói quen kiêng cữ, sợ trẻ tiếp xúc với nắng.
Nhà ở chật chội, thiếu ánh sáng, trẻ sinh vào mùa đông mặc quá nhiều quần áo, không được đưa ra ngoài trời tắm nắng, hoặc ở vùng cao có nhiều mây mù… là những nguyên nhân khiến tiến trình tự tổng hợp vitamin D bị ảnh hưởng.
Nguyên nhân thứ hai là chế độ ăn uống không hợp lý, không được bú sữa mẹ thường xuyên, bị tiêu chảy làm giảm hấp thu vitamin D.
Những trẻ dễ bị còi xương là các bé được cho ăn bột sớm, ăn bột nhiều (gây ức chế hấp thu canxi). Trẻ đẻ non, đẻ sinh đôi, trẻ không bú mẹ, trẻ quá bụ bẫm, trẻ sinh vào mùa đông cũng dễ bị bệnh này.
Một nguyên nhân khác khiến trẻ còi xương là do chế độ ăn thiếu canxi, phốt pho, vitamin và chất khoáng khác, hoặc mắc một số bệnh đường tiêu hoá làm giảm hấp thu vitamin D3.
Một số ít trẻ bị bệnh vì di truyền – do trong quá trình mang thai , người mẹ gặp một số vấn đề về sức khỏe và tình trạng ô nhiễm môi trường cũng có thể ảnh hưởng.
Bệnh còi xương khác với bệnh suy dinh dưỡng, bệnh suy dinh dưỡng là do thiếu calo, protein, làm cho trẻ chậm phát triển về thể chất, “thấp bé nhẹ cân”, còn bệnh còi xương thường xuất hiện ở những trẻ được ăn đầy đủ về năng lượng, thậm chí còn gặp ở những trẻ cân nặng còn cao hơn so với cùng lứa tuổi.
Chính vì vậy mà nhiều bà mẹ đã không chú ý, bỏ qua các dấu hiệu của bệnh, đến khi có biến chứng mới đưa con đi khám.
Theo Mẹ yêu con