Đái tháo đường là một bệnh chuyển hóa với đặc trưng là tăng đường huyết (glucose máu). Bệnh thường được biểu hiện bởi nhiều các triệu chứng khác nhau, rất đa dạng và phong phú. Các triệu chứng hay gặp nhất là: ăn nhiều, uống nhiều, đái nhiều, gầy sút cân.
Ăn nhiều, uống nhiều, đái nhiều và gấy sút nhiều là những triệu chứng thường gặp.(Ảnh minh họa)
Tuy nhiên các triệu chứng này còn phụ thuộc vào mức độ thiếu insulin, có thể xuất hiện rầm rộ ở các người bị Đái tháo đường tuýp 1, nhưng với những người bị Đái tháo đường tuýp 2 thì các triệu chứng lại thường âm thầm và ít chú ý đến, bệnh có thể được phát hiện tình cờ khi khám sức khỏe hoặc khi đã có biến chứng.
Mệt mỏi, gầy nhiều:
Do rối loạn trao đổi chất nên cơ thể không giải phóng được năng luợng một cách bình thường, tổ chức tế bào bị mất nước, điện giải làm người luôn bị mệt mỏi, uể oải. Mệt mỏi, gầy sút nhiều 2 – 15kg, có thể kéo dài trong nhiều tháng. Lý do của gầy sút cân là sử dụng đường gặp trở ngại, việc tạo glucoza giảm, bắt buộc phải phân giải protid, lipid, lượng này tiêu hao nhiều làm thể trọng gầy sút nhiều và nhanh trong một khoảng thời gian ngắn.
Biểu hiện ngoài da người đái tháo đường:
– Ngứa là triệu chứng hay gặp: có thể ngứa toàn thân hoặc bộ phận sinh dục (nguyên nhân có thể do nấm âm hộ, âm đạo hoặc nấm qui đầu, thường nhiễm nấm candida). Viêm da do liên cầu hoặc tụ cầu, chốc đầu do nhiễm liên cầu khuẩn. Mụn nhọt ở mông, ngoài da hoặc những áp xe sâu ở cơ đáy chậu…Những vết xước do ngã rất khó liền, hoặc những chấm sẫm màu ở mặt trước cẳng chân.
– Da lòng bàn tay hoặc bàn chân có màu ánh vàng: nguyên nhân là do rối loạn chuyển hoá vitamin A, tích lại trong lớp sâu của da nhiều caroten.
U vàng (xanthoma): thường chỉ xuất hiện trong một vài ngày rồi hết. Nó là những u cục cứng, nhỏ, đường kính vài mi li mét, màu vàng nhạt và ngứa. Vị trí hay gặp ở mông, gan bàn tay, gan bàn chân. Nguyên nhân của những u này là do có sự tập trung các tổ chức bào (hystiocyte) có chứa triglycerid và cholesterol; thường gặp ở những bệnh nhân có tăng mỡ máu.
– Hoại tử mỡ dưới da: xuất hiện ở mặt trước cẳng chân, đùi, là những u cục cứng, đường kính vài milimét đến hàng chục milimét, có màu sáng hoặc hơi ánh vàng. Nguyên nhân là do hoại tử tổ chức liên kết, tích lại bên ngoài các phospholipit và cholesterol.
Triệu chứng về mắt:
– Đục thủy tinh thể do đái tháo đường có 2 thể: Thể dưới vỏ (dạng bông gòn): thường gặp ở những bệnh nhân đái tháo đường týp 1 tiến triển nhanh. Biểu hiện giống “hoa tuyết” phát triển dưới vỏ thủy tinh thể. Thể lão hoá (thể nhân trung tâm): thường gặp ở người lớn tuổi (kể cả những người không bị đái tháo đường) nên rất khó chẩn đoán. Nguyên nhân của đục thủy tinh thể do tích lũy sorbitol dẫn đến thay đổi độ thẩm thấu, xơ hoá trong thủy tinh thể
– Viêm võng mạc: Viêm võng mạc không tăng sinh (viêm võng mạc tổn thương nền): thường xuất hiện sớm, biểu hiện là các phình mạch, xuất huyết hình chấm, xuất tiết và phù võng mạc. Tất cả các triệu chứng trên dẫn đến giảm thị lực và có thể gây mù loà.
– Viêm võng mạc tăng sinh: Phát triển các mạch máu tân tạo và tổ chức xơ tại võng mạc, tắc các mạch máu nhỏ và dẫn đến giảm thị lực. Đối với đái tháo đường týp 1 thì mù loà thường là hậu quả của viêm võng mạc tăng sinh, xuất huyết trong thể kính hoặc bong võng mạc. Còn đái tháo đường týp 2 mù loà là do phù nề và thiếu máu tại chỗ của hoàng điểm hoặc đục thủy tinh thể.
Tiêu hoá: Có cảm giác đói nhiều, ăn nhiều nhưng cũng có thể chán ăn.
– Viêm lợi, lung lay răng, và dễ rụng răng: Nguyên nhân do đường máu tăng là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn ở miệng phát triển dẫn đến nha chu viêm, cộng thêm những rối loạn tuần hoàn thiếu máu chi phối đến 2 hàm răng làm cho răng rất dễ lung lay và rụng sớm (có những bệnh nhân tổn thương cả 2 hàm răng mặc dù còn rất trẻ).
– Đi ngoài phân lỏng: Là triệu chứng hay gặp, nhất là ở những bệnh nhân đái tháo đường nặng có nhiều biến chứng đi kèm. Nguyên nhân có thể do thiếu các men tiêu hoá của tụy, viêm ruột, viêm dạ dày (do tổn thương vi mạch tại ruột dẫn đến thiếu máu chi phối), do rối loạn thần kinh thực vật (chủ yếu thần kinh giao cảm ruột).
– Rối loạn chức năng gan: Những rối loạn quá trình phân hủy mỡ ở ngoại vi dẫn đến tăng ứ đọng các axit béo ở gan làm cho gan to ra, lâu ngày có thể dẫn đến suy chức năng gan.Chức năng túi mật cũng bị tổn thương dễ tạo ra sỏi mật.
Hô hấp :
Lao phổi hay gặp, thường hay đi cùng với bệnh đái tháo đường: Viêm phổi, áp xe phổi. Nguyên nhân đường máu tăng cao sẽ tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn phát triển, mặt khác ở những người bị đái tháo đường sức đề kháng giảm thì sẽ dễ bị nhiễm khuẩn hơn.
Tim mạch:
Những rối loạn về lipit máu hậu quả do tăng đường huyết thường dẫn đến vữa xơ động mạch (vữa xơ động mạch não, vữa xơ động mạch vành và các động mạch chi dưới) rất sớm, nhất là ở những bệnh nhân có tăng lipit máu. Những biểu hiện của vữa xơ động mạch não thường có triệu chứng nhức đầu lú lẫn, thoáng quên, có thể biến chứng nhồi huyết não hoặc xuất huyết não gây tàn phế và tử vong khá cao.
– Biểu hiện tim mạch: Thường gặp vữa xơ động mạch vành gây cơn đau thắt ngực, đau khi gắng sức hoặc cơn đau dữ dội điển hình, đau như dao đâm, đau thắt, bóp lấy ngực như trong nhồi máu cơ tim.
– Biểu hiện ở chi dưới: Hẹp hoặc tắc động mạch chi dưới do các mảng vữa xơ làm chít hẹp dẫn đến hoại tử chi, nhiều trường hợp phải cắt cụt.
Triệu chứng về thận – tiết niệu: Đái nhiều 3 – 10l/ngày, gây khát và uống nhiều. Có thể có dấu hiệu mất nước.
Nhiễm khuẩn đường tiết niệu thường gặp trong đái tháo đường, có thể viêm bàng quang, niệu đạo hoặc viêm thân-bể thân, áp xe quanh thân: Được phát hiện nhờ xét nghiệm một lượng nhỏ albumin niệu từ 30 – 300 mg/l. Xét nghiệm này rất quan trọng để theo dõi tiến triển của bệnh. Nếu điều trị sớm có thể ổn định và không tiến triển nặng thêm. Khi bệnh tiến triển dần có thể thấy xuất hiện protein niệu > 300 mg/l hoặc hội chứng thận hư (biểu hiện phù to toàn thân, protein niệu rất cao); giảm albumin, protein, tăng cholesterol và tăng anpha 2 globulin huyết thanh. Nếu không được điều trị thì bệnh nặng dần và dẫn đến suy thân mạn (thiếu máu, urê và creatinin máu tăng dần), huyết áp tăng và dẫn đến tử vong.
Triệu chứng thần kinh:
– Tổn thương thần kinh hay gặp trong đái tháo đường là tổn thương thần kinh ngoại vi (viêm đa dây thần kinh ngoại vi): Biểu hiện lâm sàng đầu tiên là dị cảm ngoài da (cảm giác như kim châm hoặc kiến bò), ngứa, đau, rối loạn cảm giác (giảm hoặc mất cảm giác đau, nóng, lạnh…), có những vết loét hoặc hoại tử ở chi dưới.
– Tổn thương thần kinh sọ não: Tổn thương dây III gây sụp mi. Tổn thương dây IV dẫn đến lác ngoài. Tổn thương dây VI gây lác trong. Tổn thương dây VII gây liệt mặt. Tổn thương dây thần kinh VIII, điếc sớm cũng hay gặp ở bệnh nhân đái tháo đường không được điều trị tốt. Tổn thương thần kinh thực vật: ở giai đoạn muộn của đái tháo đường dễ gây tổn thương thần kinh thực vật. Buồn nôn, nôn, táo lỏng thất thường do mất trương lực dạ dày, hay đi lỏng về đêm, phân tự chảy do rối loạn cơ thắt hậu môn.
Tổn thương bàn chân:
Nhiễm khuẩn bàn chân rất hay gặp ở bệnh nhân đái tháo đường. Tổn thương mạch máu lớn do vữa xơ động mạch dẫn đến tắc mạch và hoại tử chi phải cắt cụt.
Các triệu chứng khác:
Giảm thị lực, chuột rút, tê bì chân tay, giảm tình dục, liệt dương, rối loạn kinh nguyệt. Ở người già có thể thấy biểu hiện của lú lẫn, chóng mặt do mất nước