Thoái hoá khớp là bệnh thoái hoá loạn dưỡng của khớp, biểu hiện sớm nhất ở sụn khớp sau đó có biến đổi ở bề mặt khớp và hình thành các gai xương, cuối cùng dẫn đến biến dạng khớp.
Thoái hóa khớp gây đau và biến đổi cấu trúc khớp dẫn đến tàn phế làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và còn là gánh nặng cho kinh tế gia đình và toàn bộ xã hội. Thoái hóa khớp nếu được chẩn đoán sớm và điều trị sớm có thể làm chậm phát triển của bệnh, giảm triệu chứng đau đớn, giúp duy trì cuộc sống hoạt động.
Thoái hoá khớp là bệnh hay gặp nhất trong các bệnh khớp, thường ở những người lớn tuổi, cả nam và nữ. Thống kê của WHO cho thấy có 0,3-0,5% dân số bị bệnh khớp thì trong đó có 20% bị thoái hóa khớp. Ở Mỹ 80% người trên 55 tuổi bị thoái hóa khớp. Ở Pháp thoái hóa khớp chiếm 28% số bệnh về xương khớp. Ở Việt Nam thoái hóa khớp chiếm 10,41% các bệnh về xương khớp. Trên 50% số người trên 65 tuổi có hình ảnh X quang thoái hoá khớp cấp, ở những người trên 75 tuổi có hình ảnh X quang thoái hoá ít nhất ở một khớp nào đó.
Hầu hết các bệnh nhân thoái hoá khớp không có triệu chứng lâm sàng, chỉ có 5-15% số người bệnh có triệu chứng lâm sàng khi đó được gọi là bệnh thoái hoá khớp.
Nhiều thuyết giải thích sự thoái hoá sụn trong bệnh thoái hoá khớp. Nhưng chủ yếu là thuyết cơ học khi có sự quá tải cơ học làm thay đổi chuyển hoá của các tế bào sụn, hình thành các men proteolytic gây phá vỡ các chất căn bản của sụn. Hiện tượng bệnh lý đầu tiên là những mảnh gãy nhỏ nhiều cỡ khác nhau; sau đó gây thoái hoá và mất dần sụn khớp, biến đổi cấu trúc của khớp và hình thành gai xương.
Một số yếu tố nguy cơ liên quan đến thoái hóa khớp
- Bệnh thường gặp ở người già nên có thể nói đây là một bệnh do quá trình lão hóa.
- Chấn thương và vi chấn thương làm thay đổi bề mặt sụn hay gãy xương, trật khớp làm tổn thương sụn.
- Yếu tố nội tiết và chuyển hóa: phụ nữ sau mãn kinh, suy tuyến giáp
- Dị tật bẩm sinh, khớp lỏng lẻo
- Viêm khớp nhiễm khuẩn cấp tínhy hoặc mạn tính (viêm mủ khớp, lao khớp).
- Viêm khớp do các bệnh khớp mạn tính (viêm khớp dạng thấp…).
- Thiếu máu, hoại tử xương.
- Loạn dưỡng xương.
- Rối loạn dinh dưỡng sau các bệnh thần kinh.
- Bệnh rối loạn chảy máu (hemophilia), u máu.
- Bệnh tiểu đường
- Bệnh gút, chứng vôi hóa sụn khớp
- Sự quá tải như béo phì hoặc do nghề nghiệp làm gia tăng bất thường lực nén trên mặt khớp hoặc đĩa đệm cũng là yếu tố gây thoái hóa khớp thứ phát.
Triệu chứng
- Đau, cứng ở trong khớp hoặc quanh khớp, hạn chế cử động khớp. Đau khởi phát từ từ, mức độ đau vừa hoặc nhẹ, đau tại chỗ ít khi lan. Đau tăng lên khi cử động, khi đi lại, mang vác nặng, đau giảm hoặc hết khi nghỉ ngơi. Đau khi nghỉ hoặc đau về đêm thường là có kèm theo viêm màng hoạt dịch thứ phát.
- Cứng khớp buổi sáng, dưới 30 phút, khác với bệnh viêm khớp dạng thấp.
- Cứng khớp sau thời gian nghỉ hoặc không hoạt động, triệu chứng này mất đi sau ít phút.
- Có thể đau và cứng khớp khi thay đổi thời tiết như lạnh, mưa, nắng… do thay đổi áp lực trong ổ khớp có liên quan đến thay đổi áp suất khí quyển.
- Khám thực thể: thường phát hiện các triệu chứng ở vị trí khớp đau như phì đại đầu xương, đau khi khám tổ chức cạnh khớp hoặc điểm bám của bao khớp, dây chằng, gân cơ.
- Hạn chế cử động khớp do gai xương, do mặt sụn không trơn nhẵn, hoặc co cứng cơ cạnh khớp. Kẹt khớp khi cử động có thể là do vỡ sụn, hoặc bong các mảnh sụn vào trong ổ khớp.
- Tiếng lắc rắc khi cử động khớp là do mặt khớp không trơn nhẵn dấu hiệu này gặp trong khoảng 90% số bệnh nhân thoái hoá khớp gối. Khoảng 50% bệnh nhân thoái hoá khớp gối có dấu hiệu tổn thương dây chằng, biến dạng khớp kiểu chân vòng kiềng, đau khi cử động do kích thích bao khớp, cứng cơ cạnh khớp và viêm quanh các gai xương.
- Dấu hiệu viêm gồm nóng, sưng do tràn dịch trong ổ khớp.
Điều trị
1. Nguyên tắc điều trị
Không có thuốc điều trị quá trình thoái hóa, chỉ có thể điều trị triệu chứng, phục hồi chức năng và phòng bệnh bằng cách ngăn ngừa, hạn chế các tác động cơ giới quá mức ở khớp và cột sống.
2. Điều trị không dùng thuốc
- Thường xuyên xoa bóp, kéo nắn, tập những động tác nhẹ, như xoay khớp cổ, tay, chân, gối.
- Duy trì một chế độ tập luyện và phục hồi chức năng đều đặn, tránh việc bất động khớp (trừ giai đoạn đang viêm cấp) vì khi không vận động khớp sẽ dễ dàng bị cứng, giảm tiết dịch khớp, xơ hóa các dây chằng, teo cơ, loãng xương và mất dần chức năng của khớp.
- Tránh vận động nặng, bê vác, chuyển động đột ngột.
- Giảm sự tỳ đè lên khớp (giảm cân nặng, có gậy chống hoặng nạng để giảm bớt lực tỳ đè lên khớp gối khi đi lại, có ghế ngồi vừa tầm và chỗ vịn để tránh chịu lực cho khớp gối khi đứng lên hay ngồi xuống, có giầy, dép phù hợp với tình trạng bàn chân, có đồ dùng phù hợp với tình trạng bàn tay để thực hiện các công việc hàng ngày…).
- Chườm ấm lên khớp bị đau.
- Bồi dưỡng sụn khớp, xương và các tổ chức quanh khớp bằng chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, vitamin và khóang chất (protein, calcium, vitamin D, vitamin nhóm B)
3. Thảo dược trị đau xương khớp
- Cao xương ngựa: có 17 loại acid amin quan trọng cho sức khỏe con người, trong đó có 10 loại acid amin thiết yếu mà cơ thể không tự tổng hợp được, cần phải cung cấp từ nguồn thức ăn. Có nhiều Canxi và Photpho giúp phòng chống bệnh loãng xương, tăng sinh tế bào xương, sụn.
- Hy thiêm: trừ phong thấp, dùng trong bệnh phong thấp tê đau, thấp khớp, đau xương, chân tay tê mỏi, sống lưng đau; sát khuẩn giải độc, an thần.
- Dây đau xương: Chữa tê bại, xương khớp đau nhức, chấn thương tụ máu, sốt rét kinh niên.
4. Điều trị dùng thuốc
- Dùng thuốc giảm đau: ưu tiên paracetamol, các thuốc chống viêm không steroid (ibuprofen, diclofenac, acid mefenamic) cần thận trọng vì có tác dụng phụ gây chảy máu đường tiêu hóa.
- Tiêm corticoid trong ổ khớp để điều trị thoái hoá khớp có tràn dịch thứ phát: có tác dụng giảm đau do giảm viêm mạnh và nhanh. Chỉ định khi thoái hoá khớp có tràn dịch.
- Glucosamin sulfat: làm tăng sản xuất chất nhầy dịch khớp nên tăngđộ nhớt, tăng khả năng bôi trơn dịch khớp, giảm triệu chứng của thoái hóa khớp, ngăn quá trình thoái hóa khớp tiến triển.
- Chondroitin sulfat: hỗ trợ điều trị các bệnh xương khớp, bảo vệ khớp bằng cách ức chế các enzym phá hủy sụn, kích thích các enzym xúc tác phản ứng tổng hợp acid hyaluronic giúp khớp hoạt động tốt.
5. Phòng chống bệnh thoái hóa khớp
- Chống các tư thế xấu trong lao động và sinh hoạt.
- Tránh các động tác quá mạnh, đột ngột và sai tư thế khi mang vác, đẩy, xách, nâng…
- Kiểm tra định kỳ những người làm nghề lao động nặng dễ bị thoái hóa khớp để phát hiện và điều trị sớm.
- Chống béo phì bằng chế độ dinh dưỡng thích hợp.
- Khám trẻ em, chữa sớm bệnh còi xương, các tật về khớp (vòng kiềng, chân cong). Phát hiện sớm các dị tật của xương, khớp và cột sống để có biện pháp sớm, ngăn ngừa thoái hóa khớp thứ phát.
- Tập luyện đều đặn để tăng cường sức cơ và khối lượng cơ, tăng cường hoạt động của các khớp gối, cột sống, vai.