“Thế kỷ 21 là thế kỷ của các bệnh nội tiết và rối loạn chuyển hóa” – đó là những dự báo của các nhà chuyên gia y tế từ những thập niên 90 của thế kỷ XX. Dự báo đó đã và đang trở thành hiện thực. Một trong số đó, đái tháo đường là bệnh không lây nhiễm được WHO quan tâm hàng đầu trong chiến lược chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Vậy thế nào là đái tháo đường? Và khi nào thì được chẩn đoán là đái tháo đường? đó là những câu hỏi luôn được đặt ra cho những người khi chưa được tiếp cận nhiều với các nguồn thông tin y học. Bài viết này chúng tôi mong muốn sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin hữu ích nhất về Đái tháo đường.
Bệnh đái tháo đường là gì ?
Đái tháo đường là một nhóm bệnh chuyển hóa với đặc trưng là tăng đường huyết (glucose máu). Glucose máu gia tăng do sự tiết insulin bị thiếu hụt hoặc do insulin tác dụng kém, hoặc do cả hai. Tăng glucose máu mạn tính trong đái tháo đường dẫn đến những thương tổn, rối loạn chức năng va suy yếu nhiều cơ quan đặc biệt là mắt, thận, thần kinh, tim và mạch máu. Đái tháo đường là một trong những bệnh có tốc độ phát triển nhanh nhất, gây tử vong và tàn phế nhiều nhất, chi phí điều trị cao nhất.
Theo tiêu chuẩn chẩn đoán Đái tháo đường theo hiệp hội đái tháo đường Mỹ năm 2010. Đái tháo đường được chẩn đoán khi có một trong các tiêu chuẩn sau:
- Tăng đường huyết tương thời điểm bất kỳ ≥11,1 mmol/l kèm theo các triệu chứng của tăng đường huyết (khát nhiều, tiểu nhiều, ăn nhiều, gầy sút).
- Đường huyết tương lúc đói (nhịn ăn 8 – 14h) ≥ 7mmol/l trong 2 buổi sáng khác nhau (cách nhau ít nhất 3 ngày).
- Đường huyết tương 2giờ sau khi uống 75g glucose ≥11,1mmol/l.
- Xét nghiệm máu thấy HbA1c ≥6,5%.
Kiểm tra đường máu mao mạch một phương pháp để phát hiện đái tháo đường(Ảnh minh họa).
Chẩn đoán chỉ được xác định với lần thứ 2 (ngày sau) với các kết quả thỏa mãn một trong các tiêu chuẩn trên (không bắt buộc phải đúng với xét nghiệm lần đầu), trừ tiêu chuẩn 1 (glucose máu bất kỳ) chỉ cần một lần xét nghiệm.
- Giảm dung nạp glucose: khi glucose huyết tương 2 giờ sau nghiệm pháp dung nạp glucose từ 140mg/dL (7,8 mmol/L) đến 200 mg/dL.
- Rối loạn glucose đói (giảm dung nạp glucose lúc đói): khi glucose huyết tương lúc đói từ 100mg/dL (5,6 mmol/l) đến dưới 126mg/dL (7,0 mmol/l).
Tiền đái tháo đường: năm 1980, Tổ chức Y tế Thế giới mô tả những trường hợp giảm dung nạp glucose với tên gọi Tiền đái tháo đường. Năm 1997, Hiệp hội đái tháo đường Hoa Kỳ bổ sung thêm những trường hợp rối loạn glucose đói vào nhóm tiền đái tháo đường. Hiện nay đã thống nhất hai dạng rối loạn glucose huyết trên và những trường hợp có HbA1C từ 5,7% – 6,4% được gọi là Tiền đái tháo đường.