Thiếu ngủ kinh niên có thể gây ảnh hưởng xấu đến tim mạch, huyết áp và các chức năng chuyển hóa của cơ thể, dẫn đến hậu quả là huyết áp cao, đau tim, tiểu đường và những triệu chứng rối loạn dạ dày như khó tiêu và dư a xít. ..
Ngủ đủ giấc và sâu là điều thiết yếu cho sức khỏe thể chất, tinh thần và trạng thái cảm xúc của mỗi người. Nói một cách chính xác, nó cho phép cơ thể nghỉ ngơi và tái tạo năng lượng. Đó chưa kể giấc ngủ và tim mạch có quan hệ mật thiết về mặt khoa học lẫn cảm xúc. Trong trường hợp người trưởng thành, thời gian ngủ không đủ vào buổi tối và nhất là giấc ngủ bị gián đoạn có thể gây bất lợi cho chức năng của nhiều hệ thống trong cơ thể, đặc biệt là tim mạch và não bộ.
Lối sống bận rộn suốt ngày đêm đã đẩy chuyện ngủ nghỉ xuống tầm thứ yếu, nhất là khi con người quyết định hy sinh giấc ngủ để hoàn tất những công việc cần thiết trong ngày. Số giờ ngủ của mỗi người tùy thuộc vào một số yếu tố, trong đó có độ tuổi. Trẻ con ngủ gần như suốt ngày (khoảng 16 giờ); độ tuổi ô mai cần ngủ khoảng 9 giờ; còn người lớn có thể dao động từ 7 đến 8 giờ mỗi ngày. Dù người lớn tuổi cần ngủ nhiều như lứa tuổi thanh thiếu niên, họ thường ngủ ít hơn và giấc ngủ cũng không sâu như giai đoạn còn trẻ. Khoảng 50% người trên 65 tuổi bị rối loạn giấc ngủ, dù không rõ yếu tố ảnh hưởng đến vấn đề này. Hiện có hơn 70 trường hợp rối loạn giấc ngủ, và được phân làm 3 dạng: thiếu ngủ, ngủ bị cản trở và ngủ quá mức.
Thiếu ngủ kinh niên có thể gây ảnh hưởng xấu đến tim mạch, huyết áp và các chức năng chuyển hóa của cơ thể, dẫn đến hậu quả là huyết áp cao, đau tim, tiểu đường và những triệu chứng rối loạn dạ dày như khó tiêu và dư a xít. Thiếu ngủ kinh niên còn gây nên hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng ngáy trong khi ngủ, vốn là triệu chứng dễ thấy nhất của hội chứng ngừng thở khi ngủ do tắc nghẽn đường thở (OSA). OSA cũng là dạng rối loạn giấc ngủ thường thấy nhất, và những người bị tình trạng này thường than phiền về chuyện hay ngáy khi ngủ, ngủ gục và mệt mỏi vào ban ngày.
OSA có thể xảy ra đối với người béo phì hoặc cân nặng bình thường. Bệnh nhân mắc OSA đối mặt nguy cơ huyết áp cao, thậm chí đau tim, tiểu đường dạng 2, đột quỵ, béo phì và mất trí nhớ. Để vượt qua các cơn buồn ngủ, đối tượng có thể hút thuốc hoặc uống nhiều trà và cà phê hơn thường lệ, dẫn đến tình trạng có thể tồi tệ hơn do tác dụng của chất kích thích.
Trong hầu hết các trường hợp, rối loạn giấc ngủ có thể được điều chỉnh nếu được chẩn đoán đúng và kịp thời. Nếu bạn lâm vào tình trạng trên, hãy nhanh chóng đến chuyên gia tư vấn để được giúp đỡ.