Thế nào là suy thận mạn?
Suy thận mãn nghĩa là thận của bạn không hoạt động tốt như bình thường. Thận có vai trò quan trọng trong lọc máu, loại bỏ các chất thải và dịch thừa ra khỏi cơ thể dưới dạng nước tiểu. Khi thận không hoạt động tốt, chất thải ứ đọng và gây rối loạn bệnh lý.
Suy thận mạn xảy ra từ từ trong nhiều năm do tổn thương thận.
Mỗi quả thận có khoảng 1 triệu “màng lọc” gọi là nephron. Nếu nephron bị tổn thương, nó sẽ ngừng hoạt động. Trong chừng mực nào đó, các nephron khỏe sẽ đảm nhiệm thêm việc lọc. Nhưng nếu tổn thương tiếp tục diễn ra, ngày càng nhiều nephron ngừng hoạt động. Đến một thời điểm nào đó, các nephron còn lại không thể lọc máu tốt để giữ cho bạn khỏe mạnh nữa.
Một cách để đánh giá thận làm việc tốt hay không là xác định mức lọc cầu thận (MLCT). MLCT thường được tính dựa vào chỉ số creatinin máu. Sau đó, giai đoạn suy thận được xác định bằng MLCT. Có tất cả 5 giai đoạn, từ lúc có tổn thương thận nhưng MLCT bình thường đến bệnh thận giai đoạn cuối.
Có những cách để làm chậm hoặc ngừng tổn thương thận. Dùng thuốc và thay đổi thói quen sống có thể giúp bạn kiểm soát bệnh và cảm thấy khỏe mạnh hơn.
Nguyên nhân gây suy thận mạn?
Suy thận mạn xảy ra do tổn thương thận. Các nguyên nhân gây tổn thương phổ biến nhất là:
- Tăng huyết áp
- Tiểu đường
Các nguyên nhân khác là:
- Bệnh thận và nhiễm khuẩn, ví dụ bệnh vách thận, viêm thận, viêm cầu thận hoặc các rối loạn thận bẩm sinh.
- Hẹp hoặc tắc động mạch thận. Động mạch thận vận chuyển máu đến thận.
- Sử dụng thuốc độc với thận kéo dài. Ví dụ các thuốc chống viêm phi steroid như ibuprofen, celecoxib.
Triệu chứng bệnh như thế nào?
Bạn có thể gặp triệu chứng chỉ một vài tháng sau khi chức năng thận suy giảm. Nhưng hầu hết mọi người đều không có triệu chứng sớm. Thực tế, nhiều người không có triệu chứng trong vòng 30 năm hoặc hơn. Thận làm việc tốt như nào được gọi là chức năng thận. Khi chức năng thận trở nên kém, bạn có thể bị:
- Tiểu ít hơn bình thường
- Phù do giữ nước
- Cảm thấy rất mệt mỏi hoặc buồn ngủ
- Không thấy đói, hoặc bạn có thể tự giảm cân
- Thường buồn nôn hoặc nôn.
- Có vấn đề về giấc ngủ
- Đau đầu hoặc khó suy nghĩ
Chẩn đoán suy thận mạn như thế nào?
Bác sĩ sẽ làm các xét nghiệm máu và nước tiểu để xác định chức năng thận của bạn. Các xét nghiệm này có thể cho thấy dấu hiệu bệnh thận hoặc thiếu máu. (Bạn có thể bị thiếu máu do tổn thương thận). Bạn cũng có thể cần làm những xét nghiệm để loại trừ các bệnh khác.
Bạn cũng có thể phải làm những xét nghiệm đánh giá hình ảnh thận ví dụ siêu âm hoặc chụp CT.
Điều trị thế nào?
Suy thận mạn thường gây ra bởi những nguyên nhân khác. Do đó bước đầu tiên là điều trị bệnh gốc.
Tiểu đường và tăng huyết áp là nguyên nhân chính gây suy thận mạn. Nếu bạn kiểm soát được đường huyết và huyết áp, bạn có thể làm chậm hoặc ngừng tổn thương thận. Giảm cân và tập thể dục cũng sẽ rất có ích. Bạn cũng có thể cần phải dùng thuốc.
Thay đổi chế độ sinh hoạt đóng vai trò quan trọng trong điều trị. Các chú ý sau có thể giúp giảm triệu chứng và làm chậm tổn thương thận:
- Chế độ ăn: các bác sĩ dinh dưỡng có thể giúp bạn tính toán lượng muối và protein ăn vào hợp lý. Lượng nước uống vào mỗi ngày cũng có thể phải tính toán chi tiết.
- Tập thể dục thường xuyên
- Không hút thuốc và uống rượu
- Không tự ý dùng thuốc mà không có ý kiến của bác sĩ.
Điều gì xảy ra nếu bệnh thận diễn biến xấu đi?
Khi tổn thương thận càng nặng, những vấn đề trên tim mạch, xương, não sẽ xuất hiện nhiều hơn. Suy thận không được điều trị có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Ở giai đoạn nặng, bạn có thể phải lựa chọn: bắt đầu thẩm tách máu hoặc ghép thận. Cả hai biện pháp đều có ưu và nhược điểm riêng.
- Thẩm tách là quá trình lọc máu bên ngoài khi thận bạn không thể thực hiện được việc này nữa. Đây không phải là biện pháp chữa trị nhưng sẽ giúp bạn cảm thấy tốt hơn và sống lâu hơn.
- Ghép thận có thể là biện pháp tốt nhất, giúp bạn có thể bắt đầu lại cuộc sống bình thường. Tuy nhiên, bạn có thể phải chờ thận thích hợp (với máu và loại mô tế bào). Bên cạnh đó, bạn sẽ phải dùng thuốc suốt phần đời còn lại để ngăn quá trình thải ghép thận mới.