Tổn thương của cầu thận, ống kẽ thận phụ thuộc rất nhiều vào nguyên nhân gây suy thận cấp và xử trí, các tổn thương về cấu trúc và chức năng có thể bao gồm:
Những thay đổi của cầu thận
- Dày màng đáy mao quản cầu thận
- Cầu thận có thể bị hyaline hóa hoặc xơ hóa
- Giảm mức lọc cầu thận
- Tăng lọc ở cầu thận bởi các cầu thận lành
- Giảm độ thanh thải inulin
- Tăng nồng độ creatinin máu
- Giảm độ thanh thải urê
- Tăng phân số lọc
Những thay đổi của ống- kẽ thận
- Teo ống thận
- Xơ hóa kẽ thận
- Giảm bài tiết phenolsulfonphtalein
- Giảm khả năng cô đặc nước tiểu
Một vài biến đổi khác
- Protein niệu kéo dài
- Giảm kích thước thận
- Suy thận cấp tiếp tục tiến triển nặng hơn
- Tiến triển đến suy thận mạn tính trong một số ít trường hợp
Tiên lượng
Từ những năm 1960 đến nay, tiên lượng đã có nhiều thay đổi tốt hơn, nhờ có sự đóng góp của các kỹ thuật hồi sức hiện đại. Tuy nhiên tỷ lệ tử vong còn cao, ở những trung tâm có lọc máu bằng thận nhân tạo hoặc lọc màng bụng, tỷ lệ tử vong vẫn còn 20 – 40%, tuỳ theo từng nhóm bệnh nhân. Đối với những bệnh nhân suy thận cấp sau mổ lớn, chấn thương nặng, bỏng nặng, nhiễm trùng tử cung sau đẻ, ngộ độc kali loại nặng, tiên lượng rất xấu.
Nguyên nhân gây tử vong có thể do bệnh chính, do nhiễm khuẩn, hội chứng urê máu cao, kali máu cao. Tiên lượng còn phụ thuộc vào bệnh chính, kỹ thuật hồi sức, công tác hộ lý và các biện pháp đề phòng bội nhiễm nhất là bội nhiễm phổi và nhiễm khuẩn từ các vết thương, vết loét.
Dự phòng
- Hạn chế tối đa việc sử dụng các thuốc có thể gây độc cho thận, điều chỉnh liều lượng căn cứ vào mức lọc cầu thận
- Duy trì đủ thể tích tuần hoàn, gây tăng bài niệu trong một số trường hợp cụ thể (như phẫu thuật tim, chấn thương nặng, tiêu cơ vân, tan máu trong mạch, dùng các thuốc cản quang nhất là cản quang đường tĩnh mạch…).
- Hồi sức tích cực cho các bệnh nhâm chấn thương, bù đủ dịch sớm để đề phòng suy thận cấp trước thận.
- Giải quyết ngay các nguyên nhân gây tắc nghẽn đường dẫn niệu khi được phát hiện nhằm ngăn ngừa biến chứng suy thận cấp.
Theo Cẩm nang bệnh