Bạn đang bị stress, căng thẳng do áp lực công việc, gia đình hay sự cố nào đó chưa giải quyết được. Bạn muốn biết được đặc điểm nhận dạng, nguyên nhân và cách chữa trị căn bệnh phổ biến này. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu được dấu hiệu nhận biết và nguyên nhân gây ra stress.
Đặc điểm nhận dạng stress
Stress, căng thẳng có rất nhiều đặc điểm nhận dạng. Trong đó dấu hiệu đầu tiên và dễ nhận biết nhất chính là tâm trạng mệt mỏi. Tiếp đó người bệnh sẽ cảm thấy suy kiệt về tinh thần và thể xác… Họ thường xuyên nóng nảy, giận dữ và mất kiểm soát cũng như khả năng tự đánh giá mình. Vậy làm thế nào để biết được mệt mỏi thông thường và khi nào mệt mỏi cảnh báo bệnh căng thẳng, stress.
Những đặc điểm dưới đây sẽ giúp bạn hiểu được và nhận ra căn bệnh tuy dễ mà khó này.
- Thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, khó chịu và rất khó thức dậy vào buổi sáng.
- Cảm giác công việc của mình ngày càng nhiều, áp lực deadline nhiều dẫn đến kết quả ngày càng tồi tệ.
- Bạn có suy nghĩ tiêu cực về những nỗ lực, cống hiến của mình với công ty không được mọi người coi trọng, chú ý.
- Đôi khi hoặc nhiều lúc bạn quên những cuộc hẹn mà trước đó đã hứa hoặc đồng ý đi. Ngoài ra nhiều khi hay cáu giận.
- Vì một số lý do nào đó mà bạn ít gặp người thân hay bạn bè thân thiết.
Những đặc điểm ở trên tuy chưa đầy đủ để bạn nhận ra mình bị stress, căng thẳng và biểu hiện của nó có thể không giống nhau ở mỗi người. Điều quan trọng là chúng ta hãy biết lắng nghe cơ thể mình.
Stress kinh niên
Những người bị stress kinh niên có thể do bạn bận rộn, căng thẳng với công việc trong suốt 1 hoặc nhiều tuần. Ngoài ra khi đi ngủ bạn có thể mơ thấy những giấc mơ lạ hay đau bụng cũng là một trong số các dấu hiệu dẫn đến stress kinh niên.
Bất cứ ai bị cũng có thể stress vì công việc
Hiện nay tình trạng các công ty thắt chặt nhân viên, giảm biên chế ngày càng nhiều dẫn đến sức ép công việc ngày càng lớn, khối lượng công việc càng ngày càng cao. Hơn nữa để tìm được một công việc như mong muốn thì càng ngày càng khó… Đây đều là những vấn đề không mới và hầu hết mọi người ai cũng đều trải qua cảm giác này trong quá trình làm việc của mình tại công ty.
Đối với những người đang làm trong lĩnh vực như y tế, công nghệ, khoa học, kinh doanh, truyền thông….thì có nguy cơ bị stress cao hơn những người làm ở các lĩnh vực khác. Tất nhiên, các bạn đang làm trong những ngành nghề ở trên thì luôn luôn phải phấn đấu, cập nhật thông tin mới nhất, học hỏi để tự hoàn thiện mình, giữ vững vị trí hiện tại và cơ hội để thăng tiến lên cao. Đương nhiên đi kèm với những cơ hội đó là áp lực, thử thách, căng thẳng, mệt mỏi trong môi trường cạnh tranh cao, khốc liệt.
Mệt mỏi là một trong những dấu hiệu của stress
Một trong những biểu hiện đầu tiên của stress, căng thẳng đó là sự mệt mỏi. Khi đó, họ sẽ dần dần mất đi khả năng tự kiểm soát, đánh giá mình và thường xuyên có những biểu hiện tiêu cực như cáu giận, bực tức, khó chịu. Lúc đấy tinh thần và thể xác của bạn sẽ bị suy giảm, có cảm giác chán nản và muốn buông xuôi mọi thứ. Nếu những dấu hiệu này thường xuyên xảy ra và kéo dài liên tục thì chắc chắn bạn đã mắc bệnh stress.
Nguyên nhân gây stress
Nguyên nhân gây ra stress thường có rất nhiều nhưng tựu trung lại thì có 4 nguyên nhân chủ yếu: môi trường bên ngoài, những căng thẳng từ xã hội và gia đình, các vấn đề về thể chất và suy nghĩ của bạn.
- Môi trường bên ngoài: Những yếu tố môi trường bên ngoài như tiếng ồn, thời tiết, giao thông, khói bụi, ô nhiễm… tưởng chừng chả liên quan nhiều đến chúng ta nhưng thường mang đến sụ ức chế, khó chịu.
- Những căng thẳng từ xã hội và gia đình: Stress thường xảy ra khi bạn có những rắc rối gặp phải ở công ty, cơ quan, vấn đề về tài chính, thời hạn phải hoàn thành công việc được giao trước đó, áp lục công việc dẫn đến quá tải,… Đó là những vấn đề thường gặp ở xã hội còn ở gia đình thì sao ? Tác nhân gây ra căng thẳng tại gia đình với bạn thường là mâu thuẫn với ai đó trong gia đình (anh/chị, bố/mẹ, họ hàng, vợ/chồng…), quan hệ bạn bè có sự rạn nứt hoặc không tốt, sự mất mát khi chứng kiến người thân ra đi, tình yêu tan vỡ hoặc bị phụ bạc…
- Các vấn đề về thể chất: Vấn đề này đa phần thường gặp ở các chị em nhiều hơn vì hiện tượng cơ thể đột nhiên béo lên hoặc tụt xuống hay như ốm đau, bệnh tật mãi không dứt… cũng khiến chị em và mọi người khi gặp phải sẽ lo lắng, buồn phiền nhiều và căng thẳng, stress lại diễn ra.
- Suy nghĩ của bạn: Nhiều khi, đối mặt với những điều mà chúng ta phải suy nghĩ hay lý giải thường đem đến cho chính mình rất nhiều căng thẳng. Thông thường những suy nghĩ đó là tiêu cực như trượt thi đại học, tương lai mù mịt khi ra trường đại học, nếu không hoàn thành công việc sẽ bị sa thải…
Cách giảm stress
Không chỉ là sự tưởng tượng, một câu nói đùa: Công việc của bạn thực tế đang làm cho bạn phát ốm, khiến bạn không có được giấc ngủ ngon và sâu, làm suy giảm hệ thống miễn dịch và xuất hiện thêm những chứng bệnh mà trước đó bạn chưa hề nghĩ tới.
Nếu bạn không có phương pháp ngăn chặn thì càng ngày mọi thứ thực sự trở nên khó kiểm soát và căng thẳng hơn… Trên thực tế, theo nghiên cứu, stress, căng thẳng trong công việc hiện nay đang tăng gấp 3 lần so với vài năm trước đây. Theo kết quả của một nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng tinh thần của bạn chính là kẻ thù của stress. Nguyên nhân chủ quan khiến công việc của bạn căng thẳng không chỉ là những khát vọng nghề nghiệp mà còn là sự phản ứng, thích nghi với những thay đổi và cách bạn chăm sóc sức khỏe bản thân.
Dưới đây là 3 bước đơn giản giúp bạn giản stress và thoải mái hơn trong công việc:
- Bạn nên nhìn các sự việc theo chiều hướng tích cực hơn là việc lúc nào cũng suy nghĩ về những điều tiêu cực và ám ảnh không tốt về nó. Bạn hãy thử nhớ lại những điều tốt đẹp đã làm hoặc giúp đỡ người khác trong ngày vào các buổi tối hàng ngày trước khi đi ngủ.
- Hàng ngày bạn tự nghĩ ra 3 điều mà bạn cho là thú vị, hấp dẫn, vui vẻ và thoải mái đối với bạn nhất. Cách này bạn nên duy trì thường xuyên và đều đặn.
- Không nên để bất cứ điều gì ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn, tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày và ăn uống đều đặn, hợp lý. Tinh thần thoải mái sẽ giúp bạn làm việc có hiệu quả hơn. Vì thế, nếu bạn cảm thấy stress trong công việc, tại sao bạn không bắt đầu thực hiện 3 bước đơn giản trên.
Biện pháp điều trị stress hiệu quả
Người xưa có câu rất hay “Muốn người khác cứu mình thì trước hết hãy tự mình cứu mình trước”. Và để thoát khỏi căn bệnh này một cách hiệu quả nhất đó chính là người bệnh phải tự giúp mình. Biện pháp này luôn được các bác sĩ và các nhà tâm lý đánh giá rất cao.
Để chữa khỏi bệnh này, người bệnh cần thời gian để tìm lại con người mình trước kia và có thể đánh giá được công việc, khả năng của họ. Điều quan trọng là chúng ta cần phải phòng tránh căn bệnh này bằng cách tạo cho mình một cuộc sống cân bằng về thể chất và tinh thần trong công việc và đời sống cá nhân. Như vậy bạn sẽ cảm thấy cuộc sống sẽ đem lại cho mình niềm vui sống và ham muốn làm việc.
Liệu pháp trị bệnh stress
Điều trị bằng tâm lý, điều chỉnh lối sống
Những liệu pháp tác động đến thói quen như một phương pháp giúp giải tỏa cảm xúc một cách có hiệu quả, hệ thống. Những bệnh nhân chưa biết cách sử dụng thời gian một cách hợp lý hoặc gặp khó khăn khi thích nghi với các tình huống dẫn đến trạng thái stress thì cần làm cho họ ý thức rõ về lợi ích của việc làm tăng sức đề kháng của cơ thể với stress, sử dụng cân bằng thời gian một cách hài hòa, hợp lý dành cho việc thư giãn, chơi thể thao và thời gian cho công việc nghề nghiệp. Một điều cũng quan trọng không kém đó là thói quen ăn uống cũng cần phải thích hợp, tránh làm tăng trọng lượng cơ thể một cách quá mức.
Giúp người bệnh khẳng định bản thân
Việc khẳng định bản thân sẽ giúp cho bệnh nhân làm chủ được tình cảm, những thái độ thụ động, cực đoan thường gây ra những phản ứng không thích hợp và quá mức. Những thái độ không thích hợp có thể do cá nhân có những suy nghĩ lệch lạc hoặc do những ức chế xã hội mà tạo nên. Để giúp cho người bệnh đối phó với các tình huống stress thì cần đưa họ vào những tình huống, trường hợp căng thẳng có cường độ tăng dần và thay đổi vai trò của họ từ người bệnh thành người tham gia điều trị.
Hoàng Anh – Tuelinh.vn