Một nghiên cứu gần đây phát hiện ra rằng nồng độ vitamin D thấp khá phổ biến ở trẻ em béo phì và có liên quan với các yếu tố nguy cơ tiểu đường týp 2. Nghiên cứu này được công bố trên tạp chí Clinical Endocrinology & Metabolism.
Nghiên cứu này xem xét mối liên quan giữa nồng độ vitamin D và thói quen ăn uống ở trẻ em béo phì và tìm hiểu xem liệu có mối liên quan giữa nồng độ vitamin D và các chỉ báo chuyển hóa glucose bất thường và huyết áp.
Các nhà nghiên cứu đã đo nồng độ vitamin D, nồng độ đường huyết, insulin, chỉ số khối cơ thể (BMI) và huyết áp ở 411 đối tượng béo phì và 87 đối tượng không bị thừa cân làm đối chứng. Những người tham gia được yêu cầu cung cấp thông tin về chế độ ăn bao gồm mức độ tiêu thụ soda, nước ép, sữa, lượng hoa quả và rau xanh hàng ngày cũng như liệu các đối tượng tham gia có thường xuyên bỏ bữa sáng hay không.
Tác giả chính của nghiên cứu Micah Olson thuộc Trung tâm Y khoa Southwestern Đại học Texas nói: “Nghiên cứu của chúng tôi phát hiện ra rằng trẻ em béo phì với nồng độ vitamin D thấp có mức độ kháng insulin cao hơn. Mặc dù nghiên cứu này không chứng minh mối quan hệ nhân quả song nó cho thấy rằng nồng độ vitamin D thấp có thể đóng vai trò trong tiến triển bệnh tiểu đường týp 2”.
Các thói quen ăn uống không lành mạnh như bỏ bữa sáng và tăng mức tiêu thụ soda có liên quan với nồng độ vitamin D thấp hơn ở những trẻ béo phì. Cần có các nghiên cứu trong tương lai để xác định tác động lâm sàng của nồng độ vitamin D thấp ở những trẻ béo phì và liệu việc điều trị bằng vitamin D có thể cải thiện các đầu ra lâm sàng cơ bản như kháng insulin không”.
Anh Khôi
Theo Tân hoa xã