Tắc mạch u xơ tử cung là phương pháp điều trị bệnh u xơ tử cung không phẫu thuật, sử dụng ống thông đi trong lòng mạch, được thực hiện trên máy chụp mạch. Phương pháp điều trị này có hiệu quả cao, không gây mê, không mất máu, không để lại sẹo trên bụng, không can thiệp vào ổ bụng, còn khả năng có thai và sinh con, ra viện sau hai – ba ngày, hồi phục sức khỏe nhanh.
Các hạt tắc mạch được bơm qua ống thông vào động mạch tử cung
Trước nay, căn bệnh u xơ tử cung (UXTC)ở phụ nữ thường được xử lý bằng phương pháp phẫu thuật cắt bỏ. Phương pháp này tuy giải quyết triệt để ngay khối u xơ, nhưng lại gây thiệt thòi cho phụ nữ khi có thể mất đi tử cung, gây rối loạn nội tiết tố nữ. Hiện đã có phương pháp khác tránh được những điều này.
Bệnh nhân trẻ ngày càng nhiều
Bệnh nhân (BN) trẻ nhất đến Khoa Can thiệp tim mạch, BV Quân Đội 108 (Hà Nội) điều trị u xơ tử cung mới 17 tuổi. Gia đình BN cho biết, cứ đến kỳ kinh nguyệt là BN bị rong huyết và đau bụng quặn thắt. Khi siêu âm phát hiện khối u xơ, phương pháp điều trị trước đây thường là phẫu thuật cắt bỏ tử cung. Nhưng vì còn trẻ, nếu thực hiện phẫu thuật sẽ không thể có con nên gia đình tìm đến phương pháp nút mạch triệt khối u để giữ được tử cung.
BN Quỳnh An, 22 tuổi (tỉnh Sơn La) phát hiện bị UXTC từ 2007. BN còn trẻ, chưa có con nên gia đình yêu cầu được mổ bóc tách khối u xơ để bảo tồn tử cung. Nhưng phương pháp này không thực hiện được vì khối u xơ có kích thước lớn: 69x65mm, nằm dưới niêm mạc, không thể mổ bóc tách mà phải cắt tử cung. Sau khi tìm hiểu thông tin, BN đến Khoa Can thiệp tim mạch để được áp dụng phương pháp nút mạch trong điều trị u xơ. Quá trình nút mạch kéo dài hơn 60 phút, sau ba ngày, khối u xơ xổ ra đường âm đạo, không chảy máu. Sau chín ngày, kết quả siêu âm kiểm tra lại cho thấy hình ảnh tử cung bình thường. BN ra viện, hiện tại lao động sinh hoạt bình thường.
Theo TS Lê Văn Trường, Chủ nhiệm Khoa Can thiệp tim mạch, BV 108, thời gian gần đây, khoa tiếp nhận nhiều BN bị UXTC ở lứa tuổi còn trẻ, chưa lập gia đình. Quan niệm bệnh UXTC chỉ xuất hiện ở phụ nữ đã lập gia đình là sai lầm. Đây là bệnh lý thông thường của phụ nữ. Nhưng phụ nữ sau khi lập gia đình và sinh con mắc bệnh nhiều hơn.
Không phải phẫu thuật đau đớn
Tại Việt Nam, phương pháp nút mạch, không qua phẫu thuật khi điều trị UXTC đã mang lại cho BN một lựa chọn mới từ hơn 10 năm nay. Nhưng thông tin về phương pháp này chưa được nhiều người biết tới. Theo TS Trường, UXTC là u lành tính của các tế bào cơ trơn tử cung. Khoảng 30% phụ nữ ở độ tuổi 30-50 mắc bệnh này, trong số đó, 2/3 số ca không có triệu chứng, chỉ phát hiện tình cờ khi siêu âm. Còn 1/3 có các triệu chứng: rối loạn kinh nguyệt (rong kinh, cường kinh, thống kinh, có máu cục), đau tức hố chậu, đái rắt, táo bón, tự sờ thấy u ở hố chậu, sẩy thai.
Phương pháp nút mạch UXTC nhằm triệt tiêu nguồn máu nuôi u xơ được áp dụng rộng rãi ở nhiều nơi trên thế giới từ năm 1995. Người ta sử dụng ống thông nhỏ và mềm, đưa qua động mạch đùi để đi đến động mạch tử cung hai bên. Qua đó, chất gây tắc là các hạt PVA (PolyVinyl Alcohol) được bơm vào và làm tắc động mạch nuôi khối u. Khối UXTC sẽ bị hoại tử vô trùng và teo nhỏ dần vì thiếu máu, trở thành sẹo nhỏ trên thành tử cung. Phương pháp điều trị này có hiệu quả cao, không gây mê, không mất máu, không để lại sẹo trên bụng, không can thiệp vào ổ bụng. BN vẫn còn khả năng có thai và sinh con, hồi phục sức khỏe nhanh.
TS Trường cho biết thêm, tỷ lệ thành công của phương pháp này đạt 95%. BN hết hoàn toàn hoặc gần hoàn toàn triệu chứng trong một-hai tháng đầu tiên sau điều trị. Khối u xơ teo nhỏ dần sau ba-sáu tháng, tối đa sau một năm. Các trường hợp BN có nhiều u xơ cũng có đáp ứng tốt với kỹ thuật này. U xơ tái phát sau điều trị bằng phương pháp này rất hiếm gặp, chỉ khoảng 1% số ca điều trị.
Cần kiêng giữ sau điều trị
Sau khi hai động mạch tử cung được làm tắc hoàn toàn, BN sẽ có cảm giác đau tăng dần vùng bụng dưới. Mức độ đau không giống nhau giữa các BN. Đau nhiều nhất trong vòng 24-48 giờ đầu sau thủ thuật, sau đó giảm dần và chỉ còn cảm giác tức nặng âm ỉ kéo dài năm-bảy ngày. Ngoài ra, có thể sốt nhẹ, nôn, mệt mỏi. BN thường được ra viện sau hai-ba ngày, trở lại làm việc sau năm-bảy ngày. Từ một-ba tuần đầu sau khi thực hiện thủ thuật gây tắc mạch, thường có dịch âm đạo màu hồng nhạt.
Sau khi ra viện, BN cần chú ý: đi lại nhẹ nhàng trong tuần đầu; ăn uống bình thường, kiêng các chất kích thích (như ớt, tiêu); dùng thuốc giảm đau nếu cần; không ngâm mình trong bồn tắm hai tuần đầu; kiêng sinh hoạt vợ chồng trong tháng đầu; đến khám định kỳ: 3-6-12 tháng sau điều trị. Nếu có triệu chứng nhiễm trùng nội mạc tử cung: sốt, mệt mỏi, ra dịch âm đạo nhiều và hôi…, cần đến bệnh viện ngay để chống nhiễm khuẩn.
BS Trường cho biết, hầu hết BN có chu kỳ kinh bình thường ngay trong tháng đầu tiên, có thể sau 2-3 tháng nếu bị rối loạn nặng. Một số trường hợp bị vô kinh trong vài tháng đầu. Khoảng 2-3% bị mất kinh hoàn toàn do suy buồng trứng. Một số trường hợp bị giảm lượng kinh nguyệt. Khối UXTC sẽ giảm dần kích thước. Sau 9-12 tháng. Khi siêu âm kiểm tra thấy còn hình ảnh khối u nhỏ, nhưng thực chất đó chỉ là sẹo. Cần siêu âm màu để biết tình trạng khối u có còn máu nuôi hay không và để đánh giá mạch máu của cơ tử cung lành. Một số ít trường hợp nhân xơ bị hoại tử, rơi vào lòng tử cung và bị đẩy ra ngoài theo đường tự nhiên.
Trường hợp muốn có thai sau điều trị cần được khám và kiểm tra siêu âm màu tỉ mỉ hơn. Chỉ nên có thai sau 9-12 tháng kể từ ngày điều trị. Khả năng thụ thai và sinh đẻ sau điều trị tắc mạch UXTC phụ thuộc vào từng BN.
Trúc Khuê