Bệnh u xơ tử cung là căn bệnh rất hay gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, nhất là những người bị cường oestrogen, không sinh nở hoặc sinh muộn. U xơ tử cung là một bệnh lành tính, nếu được phát hiện sớm sẽ chữa khỏi rất dễ dàng. Tuy nhiên, nó cũng có thể gây nhiều biến chứng, nhất là các trường hợp được điều trị muộn.
U xơ tử cung là gì?
U xơ tử cung là những cục u nhỏ gồm các tế bào cơ mềm và các mô (các sợi nối với nhau) phát triển trong thành tử cung.
Khối u xơ có thể là cục nhỏ đơn hay chụm lại thành đám có kích cỡ từ 1mm đến hơn 20cm.Chúng có thể phát triển bên trong thành tử cung hoặc lồi ra từ phía trong hay ngoài bề mặt của tử cung. Trong những trường hợp hiếm thấy, khối u xơ có thể lồi ra ở phần thân hoặc phần trên của bề mặt tử cung.
Nguyên nhân gây u xơ tử cung
Nguyên nhân ban đầu gây u xơ vẫn chưa được xác định rõ tuy nhiên u xơ tử cung thường xuất hiện nhiều ở những phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, phụ nữ da đen có nguy cơ bị u xơ tử cung cao gấp 2-3 lần phụ nữ da trắng.
Hiếm khi bệnh u xơ tử cung xuất hiện ở những thiếu nữ chưa có kinh nguyệt và bệnh có xu hướng ổn định với những phụ nữ qua giai đoạn mãn kinh.
Triệu chứng của bệnh u xơ tử cung
Triệu chứng đầu tiên của u xơ tử cung là ra khí hư nhiều do niêm mạc tử cung bị kích thích (dịch này thường trong, đôi khi loãng như nước và ngày một nhiều hơn). Sau đó, bệnh nhân bị rối loạn kinh nguyệt; thời gian hành kinh kéo dài hơn bình thường; trong mấy ngày đầu, lượng huyết ra nhiều hơn so với những kỳ kinh trước. Khi khối u xơ đã lớn, huyết không ra theo chu kỳ nữa mà có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào, gọi là rong huyết. Tình trạng ra huyết kéo dài dẫn đến thiếu máu, khiến bệnh nhân xanh xao, mệt mỏi. Khi hành kinh, họ thường bị đau bụng do tử cung phải co bóp mạnh hơn để đẩy huyết kinh ra ngoài.
Nếu khối u lớn, bệnh nhân có thể bí tiểu tiện do u chèn ép bàng quang, hoặc táo bón và đau nếu u phát triển vào trực tràng. Có trường hợp người bệnh tự sờ thấy khối nhân xơ cứng chắc ở vùng bụng dưới (thường là vào ban đêm khi nằm ngủ, các cơ thành bụng được thả lỏng).
Nếu khối nhân xơ tạo thành polyp (bướu thịt) tụt vào âm đạo, mức độ ra máu sẽ nặng hơn. Mỗi khi sinh hoạt tình dục, bệnh nhân cảm thấy vướng và ra máu nhiều. Khi làm vệ sinh, người bệnh có thể sờ thấy một khối trong âm đạo. Nếu lâu ngày polyp bị nhiễm khuẩn, âm đạo sẽ tăng tiết dịch, lẫn máu và mủ nên rất hôi; tình trạng nhiễm khuẩn có khi lan ngược lên tử cung, gây biến chứng nguy hiểm.
Cũng có nhiều trường hợp u xơ tử cung không có biểu hiện nào trong một thời gian rất dài; chỉ khi khối u đã lớn, bệnh nhân mới tự sờ thấy, hoặc bác sĩ phát hiện trong đợt khám phụ khoa định kỳ.
Một số biến chứng của bệnh u xơ tử cung
U xơ tử cung có thể gây nhiều biến chứng, thường gặp và nguy hiểm nhất là chảy máu. Không ít trường hợp ra máu rất nhiều khi hành kinh do khối u xơ cản trở sự co bóp của tử cung, khiến tử cung bị đờ và máu chảy nhiều, gọi là băng kinh, nếu không được xử trí kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
Căn bệnh này cũng có thể gây nên một số biến chứng cho thai nghén, chèn ép gây đau và bí đại tiểu tiện. Điều đáng lưu ý là u xơ tử cung thường xảy ra trùng với thời kỳ tiền mãn kinh cho nên triệu chứng rong huyết dễ bị nhầm là rối loạn kinh nguyệt tiền mãn kinh. Vì vậy, bệnh hay bị bỏ sót; khi phát hiện ra khối u (nhờ khám phụ khoa) thì bệnh nhân đã bị thiếu máu nặng.
Điều trị u xơ tử cung
Việc điều trị u xơ tử cung phụ thuộc vào kích thước của khối u, tuổi và nhu cầu sinh con của người phụ nữ. Nếu bệnh nhân còn có nhu cầu sinh con, khối u nhỏ (đường kính dưới 5 cm) thì nên điều trị nội khoa, dùng các loại thuốc progesteron trong 6 tháng đồng thời theo dõi cẩn thận sự tiến triển của khối u. Sau 6 tháng, phải khám và siêu âm đánh giá kích thước của u (nhỏ đi hay lớn lên) để có cách xử trí thích hợp.
Nếu khối u lớn hơn 5 cm thì mổ bóc tách, bảo tồn tử cung; bệnh nhân vẫn có thể mang thai nhưng phải đợi ít nhất 3 năm. Khi có thai, bệnh nhân cần được theo dõi chặt chẽ vì có nguy cơ vỡ tử cung, gây tử vong cho mẹ và thai nhi.
Nếu bệnh nhân đã nhiều tuổi, đủ số con mong muốn hoặc khối u quá lớn thì phải mổ cắt tử cung.
TS Vương Tiến Hòa, Sức Khỏe & Đời Sống