Theo kết quả nghiên cứu vừa công bố tại Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos, Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia có chất lượng không khí thấp và ảnh hưởng nhiều nhất đến sức khoẻ.
Sức khoẻ người dân ảnh hưởng do chất lượng không khí ở Việt Nam không đảm bảo.
Ảnh: Lê Hiếu.
Hai trung tâm nghiên cứu môi trường thuộc Đại học Yale và Columbia của Mỹ thực hiện báo cáo thường niên mang tên The Environmental Performance Index (EPI), khảo sát 132 quốc gia. Họ sử dụng số liệu vệ tinh để đo đếm nồng độ ô nhiễm và từ đó tính toán ra mức độ “bẩn” ảnh hưởng đến sức khoẻ con người như thế nào.
EPI xếp hạng các nước dựa trên việc chỉ số đánh giá việc thực hiện các chính sách liên quan đến môi sinh-y tế và chất lượng hệ sinh thái. Các chỉ số này là một trong các thước đo đánh giá ở cấp độ quốc gia, xem mỗi quốc gia đã tiến gần đến mục tiêu đặt ra về môi trường hay chưa.
Kết quả nghiên cứu được công bố theo từng quốc gia (country profile), gồm nhiều chỉ số như chất lượng không khí, nước, ảnh hưởng của môi trường đến sức khoẻ, nông nghiệp, biến đổi khí hậu, rừng….
Về ảnh hưởng của chất lượng không khí, Việt Nam đứng thứ 123 trong bảng xếp hạng 132 quốc gia khảo sát.
Về ảnh hưởng của môi trường đến sức khoẻ, Việt Nam đứng vị trí 77. Về chất lượng nước Việt Nam được xếp hạng 80. Tính theo chỉ số chung EPI, Việt Nam xếp thứ 79.
Giáo sư Phạm Ngọc Đăng, Chủ tịch Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam cho biết, môi trường không khí của hầu hết các khu vực trong thành phố đều bị ô nhiễm bụi, đặc biệt là ở các nút giao thông, các khu vực có công trường xây dựng và nơi tập trung hoạt động sản xuất công nghiệp.
Các chuyên gia cho biết, không khí ô nhiễm, đặc biệt là các dạng hạt nhỏ trong không khí sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ con người. Không khí bẩn và các hạt nhỏ gay nguy cơ mắc bệnh đường hô hấp, bệnh về phổi. Các hạt nhỏ có thể vượt qua rào chắn như khẩu trang, chất nhờn ở trong mũi, miệng để chui vào và nằm lọt trong phổi, gây bệnh nguy hiểm và lâu dài.
Không khí bẩn cũng là tác nhân tạo ra tỷ lệ mắc bệnh về tai, mắt và da cao.
Cũng theo nghiên cứu trên, Ấn Độ là quốc gia có chất lượng không khí tệ hạng nhất thế giới, đứng thứ 132 trong xếp hạng, tính về mức độ ảnh hưởng của không khí đến sức khoẻ. Bà Anumita Roychowdhury, giám đốc Trung tâm nghiên cứu khoa học và môi trường Ấn Độ cho biết, không chỉ ở các thành phố lớn không khí mới ô nhiễm, mà ở thành phố nhỏ môi trường không khí còn tệ hại hơn. Theo bà, thủ phạm chính là số lượng xe ngày càng tăng ở Ấn Độ.
Các nước khác có chất lượng không khí đứng chót bảng gồm nhiều quốc gia châu Á như Trung Quốc, Pakistan, Nepal và Bangladesh.
Đứng đầu thế giới về chỉ số EPI là Thuỵ Sĩ, với chất lượng nước và không khí; cũng như chỉ số bền của hệ sinh thái đều xếp số 1.
Trong khu vực ASEAN, nước có chỉ số EPI xếp hạng cao nhất là Malaysia, với thứ hạng 25. Trong một năm qua, nước này đã qua mặt quốc đảo Singapore để dẫn đầu khu vực về việc thực hiện các chính sách bảo vệ môi trường, đẩy nước láng giềng xuống thứ hạng dưới, ở mức 52.
VNE