Nước mắt chảy xuôi, sự đời vẫn vậy, cha mẹ nào cũng thương con. Sinh ra nuôi dưỡng, cho ăn học, lo cho từ miếng cơm manh áo, rồi khi già lại lo cho cháu. Nhưng rồi đến khi không may mắc bệnh, họ lại không muốn các con phải phiền lòng vì mình.
Người cao tuổi rất cần được quan tâm, chăm sóc
Nhập viện thì bệnh đã quá nặng
Bà N.T.H ở Khương Thượng, 74 tuổi, vào cấp cứu tại Viện lão khoa Trung ương trong tình trạng méo miệng, nói khó. Sau khi thăm khám được biết, bà H. bị tăng huyết áp rất lâu nhưng không theo dõi và điều trị thường xuyên. Chỉ khi nào bà thấy mệt thì uống một viên thuốc hạ huyết áp là lại khoẻ bình thường. Bà tâm sự “Các con nó bận đi làm tối ngày lại chăm sóc các cháu nên tôi cũng ngại nhờ chúng nó đưa đi khám, mình thì già, đường đi lối lại không thông nên…”. Bà kể, sáng hôm đó, bà đột nhiên thấy méo miệng, nói khó, nghĩ mình bị tăng huyết áp nên xin người hàng xóm 1 viên thuốc hạ huyết áp. Uống xong cũng không thấy đỡ. Lúc này, anh con trai thấy mẹ mệt nhiều mới đưa vào viện. Bà được chẩn đoán là nhồi máu não.
Bà H. bị nhồi máu não, huyết áp khi vào viện trong giới hạn bình thường. Trường hợp này theo khuyến cáo của các bác sĩ tim mạch, không được dùng thuốc hạ huyết áp trong những giờ đầu vì làm tăng nguy cơ tổn thương thêm vùng nhồi máu não. Chính vì thế mà khi uống thuốc hạ huyết áp bà H đã bị méo miệng, nói khó. Giá như bà H. đi khám thường xuyên thì…
Trên giường bệnh, bà H. tâm sự: “Tôi cũng muốn đi khám thường xuyên, nhưng đường đi lối lại thì không thông thạo, mà nhờ con thì chúng chỉ nghỉ thứ 7, chủ nhật, chứ ngày thường đi khám cho mẹ mà phải bỏ công bỏ việc thì tôi cũng không đành lòng. Chúng nó đi làm cả ngày rồi, tối về lại dạy con cái học nên tôi cũng không muốn phiền. Hơn nữa đi khám bệnh mất thời gian lắm cô ạ, thời gian chờ đến lượt khám, rồi lấy kết quả cũng cả tuần. Nên tôi toàn tự uống thuốc lấy thôi. Cái đơn thuốc tôi đi khám từ năm ngoái…”. Thì ra là vậy, chỉ vì tâm lý ngại đi khám mà tự điều trị nên đã làm bệnh nặng thêm. Các bác sĩ ở đây cho biết “May mà anh con trai đưa bà H. đến viện còn kịp chứ muộn hơn chắc khó giữ tính mạng”.
Một trường hợp khác, ông Vũ Văn L., 82 tuổi, bị ung thư đã phẫu thuật 10 năm. Ông mệt đã lâu nhưng ngại nhờ con cái và nghĩ mình già rồi lại ốm đau nên không muốn nhờ. Khi phát hiện ra thì bệnh đã quá nặng. Ông bị thiếu máu rất nặng khi nhập viện. Các bác sĩ phải cho truyền máu ngay. May mà còn giữ được tính mạng.
Bà Đỗ Thu T. ở Ba Đình, Hà Nội, 67 tuổi khi đi khám thì đã mắc bệnh đái tháo đường với chỉ số đường máu rất cao, các bác sĩ yêu cầu nhập viện ngay để điều trị kịp thời. Bà T. được điều trị 10 ngày hết cơn nguy hiểm và được ra viện điều trị ngoại trú.
“Tôi thấy người mệt cũng cả năm nay rồi, nhưng cứ nghĩ là già thì phải mệt, tự nghỉ ngơi sẽ hết, hơn nữa các con đều bận nên ngại nhờ con đưa đi bệnh viện. Ai ngờ bệnh nặng thế!”, giọng bà T. trùng xuống, nhưng lại vui vẻ ngay “Lần sau nếu thấy khó chịu trong người thì phải nói với các cháu ngay thôi cô ạ. Già cậy con. Không gì bằng con mình!”.
Bác sĩ Hồ Thị Kim Thanh, Trưởng khoa Nội tiết chuyển hoá (Viện Lão khoa Trung ương) cho biết còn rất nhiều trường hợp khác tương tự nhập viện trong tình trạng bệnh nặng cũng chỉ vì tâm lý ngại nhờ con cái. Khi đó, cả bác sĩ, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đều rất vất vả trong điều trị và chăm sóc.
Phải hiểu được tâm lý của người già
Theo BS. Hồ Thị Kim Thanh, tâm lý người già thường rất ngại làm phiền các con, không muốn con phải nghỉ làm để đưa mình đi khám. Ngoài ra còn vô vàn lý do khác để các cụ trì hoãn việc đi khám bệnh như: Không biết đi khám ở đâu? Sợ mất nhiều thời gian của con cháu, rồi sợ nếu đi khám sẽ phát hiện ra bệnh nan y nào đó (ví dụ như ung thư) mà bản thân và con cái không đủ khả năng về kinh tế để chữa trị… Do vậy, con cái cần hết sức quan tâm, không nên để đến khi các cụ “ngỏ lời” mới đưa đi khám, mà cần đưa các cụ đến các cơ sở y tế ngay khi phát hiện ra những dấu hiệu khác lạ.
Phản ứng chậm, thiếu chú ý và hay quên, hay ngã té và đặc biệt là người cao tuổi dễ mắc bệnh hơn người trẻ, nguyên nhân là do sự lão hoá và suy nhược của các cơ quan trong cơ thể, và do khả năng miễn nhiễm không còn mạnh mẽ như thời trẻ. Những bệnh như cảm cúm, sưng phổi, rất dễ đưa tới cái chết cho người già, mặc dù đối với người trẻ chỉ là bệnh thông thường dễ vượt qua và bình phục một cách dễ dàng. Những triệu chứng báo động của cơ thể không còn bén nhạy như trước, do đó, người già có thể không cảm thấy là mình đang khát mặc dù cơ thể đang bị thiếu nước trầm trọng, người già có thể không bị sốt cao như người trẻ mặc dù đang bị sưng phổi hay nhiễm trùng. Những sự thay đổi như hay cau có, gắt gỏng, thay đổi tính nết trở thành khó chịu, hay quên, xuống cân, ít ngủ, biếng ăn… có thể là dấu hiệu của những căn bệnh của người già. Cần kịp thời đưa các cụ đi khám bác sĩ, thay vì cho rằng đó chỉ là những thay đổi thông thường. Những sự thay đổi tinh tế mà nếu không lưu tâm, chúng ta sẽ không nhận ra, và từ đó, đưa đến sự thiếu sót trong việc chăm sóc cho các cụ, nhiều khi đưa tới những hậu quả tai hại cho sức khỏe.
Bác sĩ Thanh nhấn mạnh: “Tất cả chúng ta cùng biết lợi ích của việc được phát hiện bệnh sớm, lợi ích của khám bệnh thường xuyên. Như thế mỗi người sẽ biết tình trạng sức khỏe của mình, các yếu tố nguy cơ mà mình đang mắc, các bệnh mình có thể sẽ bị mắc để có biện pháp dự phòng hay điều trị thích hợp. Việc phát hiện bệnh vô cùng quan trọng, nhưng nhiều người cao tuổi lại sợ mắc bệnh không chữa được nên không đi khám. Do đó, con cái nên chủ động đưa bố mẹ, ông bà đi khám bệnh định kỳ và ngay khi thấy khó chịu trong người, không chờ đến khi mệt nặng mới đi khám. Đặc biệt không được tự dùng thuốc vì có thể vô ý làm bệnh nặng thêm”.
Bác sĩ Thanh khuyên, con cái nên tìm những cơ sở khám chữa bệnh chuyên khoa cho người cao tuổi như vậy các bác sĩ chuyên khoa cũng hiểu tâm lý người bệnh hơn, đặt lịch hẹn khám trước để tiết kiệm thời gian.
Hãy quan tâm nhiều hơn thế!
Mấy hôm trước đây thôi, tôi đi thăm mẹ của cô bạn thời cấp 3, bà bị đái tháo đường nhưng lại không đi khám và uống thuốc thường xuyên, bây giờ đã bị biến chứng bàn chân. Đi lại rất khó khăn và đau đớn. Cô bạn ôm tôi khóc ròng, ân hận: “Mải công việc quá tao không để ý đến sức khỏe của cụ, bây giờ thì bệnh nặng rồi…”. Nước mắt chảy xuôi, sự đời vẫn vậy, cha mẹ nào cũng thương con. Sinh ra nuôi dưỡng, cho ăn học, lo cho từ miếng cơm manh áo, rồi khi già lại lo cho cháu, rồi đến khi không may mắc bệnh, họ lại không muốn các con phải phiền lòng vì mình.
Với người cao tuổi, chuyện ốm đau là chuyện bình thường, việc nhờ con cái đưa đi khám, chăm sóc cũng là chuyện rất bình thường. Song, có nhiều người già ngại nhờ con để đến khi bệnh nặng mới ân hận. Để xảy ra những câu chuyện như trên, không ai khác là chính chúng ta, những người con hiếu nghĩa! Vẫn biết ngoài kia là cả chuỗi những vất vả, lo toan, nhưng đừng vì lo toan vất vả ấy mà trong giây phút nào đó chúng ta lãng quên người đã cho ta cuộc sống này.
Hãy quan tâm nhiều hơn đấng sinh thành! Bởi “mẹ già như chuối chín cây…”.
Bảo Ngọc