Cơ bàng quang bình thường dãn ra như trái bóng để chứa nước tiểu. Khi bàng quang đầy sẽ có những tín hiệu càng mạnh để thúc giục ta đi tiểu.
Với bàng quang quá nhạy cảm thì không đợi đến khi đầy nước mới gửi tín hiệu cho não mà luôn đánh tín hiệu quá sớm (tín hiệu sai lạc). Đó là khi lớp cơ có khả năng làm cho bàng quang dãn ra để chứa nước tiểu và co lại để đẩy nước tiểu ra ngoài đã hoạt động quá mạnh, khiến cho người bệnh cứ phải muốn đi tiểu nhiều lần.
Tình trạng nói trên có thể xảy ra do tổn thương thần kinh sau đột quỵ, do bị bệnh xơ cứng rải rác hoặc tổn thương tủy sống, cũng có khi do phì đại lành tính tuyến tiền liệt hoặc vừa phì đại lành tính tuyến tiền liệt vừa bị chứng bệnh bàng quang quá nhạy cảm. Tuy nhiên, phần lớn là không xác định rõ nguyên nhân.
Thực ra, phải gọi cho đúng đây là bệnh bàng quang quá nhạy cảm. Bệnh không phải là hệ quả tất nhiên của tuổi tác như nhiều người nhầm, vì bằng chứng là nhiều người mắc ngay từ tuổi 30 – 40, nam mắc nhiều hơn nữ, biểu hiện rất dễ nhận biết là rối loạn tiểu tiện.
Khi mắc bệnh, người bệnh đi tiểu hơn 8 lần/ngày đêm và ít nhất 2 lần/đêm, có thể vừa tiểu xong lại thấy buồn tiểu ngay. Tính chất khẩn cấp của cảm giác buồn tiểu rất khó trì hoãn lại hay xảy ra và có tính đột ngột nên người bệnh khó kìm giữ được, dẫn đến tiểu són. Hầu hết bệnh nhân sẽ cảm thấy mót tiểu khẩn cấp và tăng số lần đi tiểu (60%), số còn lại mất khả năng kìm giữ kèm mót tiểu dữ dội và phải tiểu nhiều lần.
Tiểu vặt, tiểu són thì người bệnh rất ngại phải đi chơi lâu và xa nhà với bạn bè, bởi giữa cuộc chơi cứ phải dè chừng để chạy vào toa lét. Bởi vậy, tuy không phải là bệnh nguy hiểm nhưng nếu không điều trị sớm thì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sống (giấc ngủ, sức khỏe, công việc).
Điều may mắn là bệnh có thể chữa khỏi dù do nguyên nhân gì. Việc điều trị cũng đơn giản và hiệu quả nếu phát hiện sớm. Vấn đề là không phải ai cũng biết đó là bệnh để chủ động đi khám khi chỉ thấy bị tiểu vặt, tiểu són.
Bác sĩ Đào Xuân Dũng – NLĐ