Số là gần đây, ông H. thấy mình có hiện tượng tiểu dắt. Điều bất tiện là mỗi lần có cảm giác buồn tiểu, ông phải tìm cách “giải quyết” ngay, chỉ cần chậm trễ một chút là nước tiểu lại són ra khiến ông không kiềm chế được.
Bệnh đái dắt – Hình ảnh minh họa
Khi đi khám ở bệnh viện, ông Ngô V.H (62 tuổi, ở Bắc Giang) mới biết rằng, không thể chủ quan với hiện tượng tiểu dắt vì triệu chứng này không chỉ xuất hiện do tuổi già mà còn có thể do bệnh u xơ tuyến tiền liệt gây ra.
Số là gần đây, ông H. thấy mình có hiện tượng tiểu dắt. Điều bất tiện là mỗi lần có cảm giác buồn tiểu, ông phải tìm cách “giải quyết” ngay, chỉ cần chậm trễ một chút là nước tiểu lại són ra khiến ông không kiềm chế được.
Vì sự bất tiện đó mà ông phải hạn chế thói quen la cà đến nhà mấy ông bạn già hàng xóm để bàn chuyện thế sự hay vui vẻ bên bàn cờ tướng. Tuy vậy, ông không đi khám vì nghĩ rằng, đó là chuyện bình thường ở người già, chỉ cần hạn chế uống nước là sẽ hết.
Thế nhưng, oái oăm thay, điều khó nói đó không những chẳng mất đi như suy nghĩ của ông, mà mấy ngày nay còn kèm theo biểu hiện tia nước tiểu rất yếu và ông phải rặn thì mới tiểu được. Thấy ông cứ ra vào nhà vệ sinh thường xuyên với vẻ mặt lo lắng, cô con gái gặng hỏi mãi thì mới được ông ngại ngần bày tỏ sự tình.
Được con gái đưa đến bệnh viện khám và làm một số xét nghiệm cần thiết, ông mới vỡ lẽ khi bác sĩ cho biết, đó là những dấu hiệu của bệnh phì đại lành tính (còn gọi là u xơ) tuyến tiền liệt.
TS Trần Văn Hinh, Bệnh viện Quân y 103 cho biết, tiền liệt là một tuyến nhỏ nằm sát đáy (cổ) bàng quang ở nam giới, bao xung quanh đường dẫn nước tiểu từ cổ bàng quang đi ra.
Khi có u phì đại lành tính tuyến tiền liệt (thường gặp ở nam giới trên 40 tuổi) , niệu đạo và cổ bàng quang bị chèn ép làm cản trở dòng nước tiểu đi từ bàng quang ra ngoài (hội chứng tắc nghẽn), đồng thời bàng quang tăng sức co bóp để cố gắng chống lại sự tắc nghẽn trên (hội chứng kích thích).
Hội chứng tắc nghẽn gây các cảm giác như: tiểu khó với biểu hiện như khi tiểu tiện phải rặn mạnh, thời gian đi tiểu kéo dài, tia tiểu yếu có khi không thành tia; đang tiểu thì bị dừng lại do tia tiểu yếu, sau đó nếu rặn cố thì lại có nước tiểu.
Còn hội chứng kích thích gây các cảm giác như: tiểu tăng lần trong ngày (đái dắt), tiểu gấp (khi buồn tiểu phải đi ngay không thể nhịn được), tiểu són (hay còn gọi là đái không tự chủ), đi tiểu song người bệnh không có cảm giác thoải mái.
Về điều trị, nếu các triệu chứng rối loạn tiểu tiện không gây cảm giác khó chịu, không làm người bệnh bận tâm nhiều, không gây nguy hại cho sức khỏe và người bệnh có thể điều chỉnh, kiểm soát được thì không nhất thiết phải dùng thuốc ngay nhưng cần có kế hoạch kiểm soát.
Ngược lại, nếu các triệu chứng ngày càng trầm trọng, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày, đe dọa đến sức khỏe… thì nhất thiết phải tìm cách điều trị bằng các thuốc có tác dụng giãn cơ chậu và thu nhỏ tuyến nhằm cải thiện triệu chứng.
Chỉ định điều trị ngoại khoa được đặt ra chủ yếu không phải do độ lớn của u xơ mà do khối lượng nước tiểu tồn lưu trong bàng quang (>80ml) khiến bệnh nhân luôn có cảm giác bàng quang căng nước tiểu, thúc ép đi tiểu nhiều lần trong ngày hoặc tiểu tiện ngắt quãng, bí tiểu, són tiểu, tiểu đêm nhiều, thường xuyên nhiễm trùng đường tiểu…
Bên cạnh phương pháp cổ điển là phẫu thuật mở cắt bỏ tuyến còn có phẫu thuật nội soi, với ưu điểm: cách thức tiến hành “nhẹ nhàng” hơn, ít rủi ro hơn, thời gian nằm viện ngắn hơn nhiều, khả năng phục hồi sức khỏe nhanh hơn…
Hà Giang