Theo quan niệm của các bậc cha mẹ, hễ trẻ còi xương là bổ xung canxi. Tuy nhiên, thực tế chỉ bổ sung canxi liệu có đủ ?
Chỉ bổ sung canxi không đủ
Bé Linh Chi (20 tháng tuổi, ngụ tại phường 17, quận Gò Vấp, TP.HCM) cứ còi cọc hoài, người lúc nào cũng mướt mồ hôi, da xanh xao. Mặc dù mẹ bé không tiếc tiền bồi bổ bằng thuốc, sữa canxi đắt tiền nhưng thể trạng bé vẫn cứ còi, nuôi hoài không lớn. Nhiều bà mẹ rất tự tin tìm đến nhóm thực phẩm giàu canxi để chuẩn bị bữa ăn cho bé, mong muốn bé cao, tránh còi xương. Tuy nhiên, dù có cho ăn liên tục nhưng bé vẫn không phát triển như mong muốn. Theo BS Phạm Mai Hoa, trưởng Khoa nhi, Bệnh viện Tân Bình, TPHCM, canxi chỉ là một thành phần cấu tạo của xương.
Xương gồm 1/3 là chất hữu cơ, 2/3 là chất khoáng. Tỷ lệ này sẽ thay đổi tùy theo tuổi và theo thể trạng. Chất hữu cơ trong xương gồm có chất căn bản, sợi collagen và tế bào xương. Chất khoáng trong xương chủ yếu là tinh thể hydroxy – apatit chứa phần lớn canxi và một ít CO3, Mg, K, Na. Còi xương (một dạng loãng xương) là sự mất dần không chỉ canxi mà cả các chất khác như đạm, chất vi lượng. Vì vậy, nếu chỉ bổ sung mỗi canxi thì không đủ, mà phải kết hợp với các chất khác như: kẽm, photpho… Một đứa trẻ còi xương, dù lượng canxi trong máu không thiếu hoặc đã bổ sung canxi nhưng vẫn còi cọc vì thiếu sinh tố D (vitamin có tác dụng tăng cường hấp thu canxi ở ruột).
Làm gì khi trẻ còi xương
Bữa ăn không dầu mỡ sẽ làm giảm sự hấp thu của cơ thể với vitamin D, một nhân tố quan trọng trong chống còi xương. Nhiều bà mẹ còn sai lầm khi nghĩ rằng, trẻ còi xương chỉ cần bổ sung sữa canxi là đủ. Nếu không kết hợp ăn uống hợp lý với những biện pháp về sinh hoạt, vận động đúng cách, uống sữa canxi cũng không ngừa được còi xương. Ngoài ra canxi trong sữa cũng còn phụ thuộc vào khả năng hấp thu chất béo của từng người – BS Mai Hoa khẳng định. Như vậy, uống sữa canxi chỉ có hiệu quả khi có sự hiện diện của vitamin D và chất đạm. Do đó, muốn tránh được còi xương cần phải cho trẻ ăn uống đa dạng chứ không chỉ uống sữa canxi mà thôi.
Lưu ý chung:
- Cho trẻ tắm nắng hàng ngày: để chân, tay, lưng, bụng trẻ lộ ra ngoài từ 10 -15 phút lúc buổi sáng (trước 9 giờ). Về mùa đông không có ánh nắng cho trẻ đi tắm điện ở khoa vật lý liệu pháp tại các bệnh viện. Dưới da có sẵn các tiền vitamin D là 7 dehydrocholesterol, dưới tác dụng của tia tử ngoại của ánh nắng mặt trời các tiền vitamin sẽ bị hoạt hóa chuyển thành vitamin D. Vitamin D có tác dụng điều hòa chuyển hóa và hấp thu canxi, phospho, ánh nắng mặt trời phải được chiếu trực tiếp trên da mới có tác dụng, nếu qua lần vải thì sẽ còn rất ít tác dụng.
- Cho trẻ uống vitamin D 4000 UI/ngày trong 4 – 8 tuần, trong trường hợp trẻ bị viêm phổi, tiêu chảy cần tăng liều 5.000 – 10.000 UI/ngày trong 1 tháng, hoặc cho trẻ tiêm vitamin D 200.000 UI/uống, 3 tháng tiêm nhắc lại một lần trong năm đầu tiên.
- Cho trẻ uống thêm các chế phẩm có canxi như: canxi B1 – B2 – B6: 1 – 2 ống/ngày, trẻ lớn có thể ăn cốm canxi 1 – 2 thìa cà phê/ngày.
- Cho trẻ bú mẹ; ăn bổ sung các loại thực phẩm có chứa nhiều canxi: sữa, cua, tôm, cá trong các bữa ăn hàng ngày (cần xóa bỏ quan niệm cho trẻ ăn xương ống, xương chân gà sẽ chống được còi xương); cho dầu mỡ vào bữa ăn hàng ngày của trẻ: vì vitamin D là loại tan trong dầu, nếu chế độ ăn thiếu dầu mỡ thì dù có được uống vitamin D trẻ cũng không hấp thu được nên vẫn bị còi xương.
Theo: 24h