Các triệu chứng bệnh tiểu đường thường là khát nước quá độ, uống nhiều, tiểu nhiều, ăn nhiều mà lại sụt cân (vì bao nhiêu năng lượng bị tiểu ra ngoài hết), mờ mắt. Tuy nhiên rất nhiều người dù bị tiểu đường nhưng hầu như không có triệu chứng gì đặc hiệu cả.
Bác sĩ dựa vào thăm khám, và các xét nghiệm.để chẩn đoán bệnh tiểu đường
Trong phần thăm khám (hỏi bệnh), bác sĩ sẽ hỏi xem bệnh nhân có các triệu chứng do mức đường trong máu cao gây ra (như đã kể trên) hay không. Vì di truyền cũng là một yếu tố quan trọng, nên bác sĩ cũng sẽ hỏi xem trong gia đình có ai bị tiểu đường hoặc các bệnh khác cũng thường liên quan đến tiểu đường, như là cao huyết áp, cao mỡ trong máu, mập phì. Bác sĩ cũng sẽ kiểm tra xem đã có biến chứng gì của bệnh tiểu đường hay chưa.Trong giai đoạn ban đầu của bệnh tiểu đường, khám bệnh thường không cho thấy dấu hiệu thể lý của bệnh.
Các xét nghiệm, tương đối đơn giản và không mắc tiền, thường là yếu tố chính yếu trong việc xác định chẩn đoán. Một số xét nghiệm khác có thể giúp phân loại bệnh (loại 1 hay loại 2, hay cả hai) và độ trầm trọng của bệnh.
Thử mức đường trong máu lúc nhịn đói từ 8 đến 12 tiếng đồng hồ là xét nghiệm chính xác nhất để chẩn đoán bệnh. Mức đường trong máu dưới 100 mg/dL được coi là bình thường. Mức đường trong máu ở khoảng từ 100 đến 125 được coi là tiền tiều đường. Mức đường trong máu từ 126 mg/dL trở lên, gợi ý rằng bệnh nhân đã bị tiểu đường. Chẩn đoán sẽ được khẳng định bằng hai lần thử máu lúc nhịn đói từ 8 đến 12 tiếng đều có mức đường cao từ 126mg/dL trở lên.
Thử mức đường trong máu một cách ngẫu nhiênbất cứ lúc nào trong ngày, không cần để ý xem đã ăn lần chót lúc nào cũng có thể giúp xác định bệnh. Nếu cách thử này cho thấy mức đường trong máu từ 200 mg/dL trở lên cộng với các triệu chứng của bệnh, đó cũng là một gợi ý rằng bệnh nhân đã bị tiểu đường.
Trước đây, xác định chẩn đoán bệnh tiểu đường thường được xác định bằng xét nghiệm cho uống nước đường. Trong xét nghiệm này, bệnh nhân được cho uống nước đường, sau đó mức đường trong máu được đo mỗi tiếng đồng hồ trong khoảng thời gian vài tiếng. Mức đường trong máu từ 200 mg/dL trở lên 2 giờ sau khi uống nước đường gợi ý rằng bệnh nhân bị bệnh tiểu đường. Hiện nay, xét nghiệm này ít khi được thực hiện, trừ trường hợp cần chẩn đoán bệnh tiểu đường do thai nghén.
Ðể xác định bệnh tiểu đường loại 1, bác sĩ có thể thử máu để tìm các kháng thể chống lại các thành phần sản xuất ra insulin của tụy tạng, các kháng thể này được gọi là “islet-cell antibodies” (kháng thể chống lại các cụm tế bào sản sinh ra insulin).Các xét nghiệm máu cũng có thể giúp phát hiện ra các kháng thể chống lại glutamic acid decarboxylase, chống lại chính insulin hoặc các thụ thể (receptors) tiếp nhận insulin vào các loại tế bào.
Những người bị tiểu đường cũng thường nghe nói đếnxét nghiệm thử mứchemoglobin A1c (HbA1c) trong máu. Xét nghiệm này có thể cho biết phần nào mức đường trong máu trong khoảng từ 8 đến 12 tuần trước đó. Bình thường, mức HbA1c dưới 6%. Xét nghiệm này hiện đang được dùng trong việc theo dõi những người đã bị tiểu đường.
Hồi Tháng Sáu, năm 2009, một Hội Ðồng Chuyên Gia Quốc Tế (International Expert Committee) đã đưa ra một khuyến cáo rằng nên dùng mức HbA1C từ 6.5% (đo hai lần khác nhau) trở lên như là cách chẩn đoán tiểu đường, vì độ tin cậy cũng cao, sự liên hệ chặt chẽ hơn với biến chứng ở võng mạc mắt (retinopathy) và lại tiện lợi cho bệnh nhân vì khỏi phải nhịn đói trước lúc thử máu. Khuyến cáo này đang được một ủy ban của Hiệp Hội Tiểu Ðường Hoa Kỳ (American Diabetes Association) xem xét để áp dụng. Tuy nhiên, cho đến nay tiêu chuẩn chính thức để chẩn đoán tiểu đường ở Hoa Kỳ vẫn là dùng mức đường trong huyết tương như trình bày trên đây.
Tóm lại,cách đơn giản, rẻ tiền và chính xác nhất để chẩn đoán tiểu đường là thử mức đường trong máu (một cách chính xác là trong huyết tương-plasma) lúc đã nhịn đói từ 8 đến 12 tiếng đồng hồ. Nếu từ 126 mg/dL trở lên trong hai lần đo, đó là yếu tố xác định ta đã bị bệnh tiểu đường
Một khi đã được khẳng định bằng xét nghiệm như kể trên là bị tiểu đường, thì dù chưa thấy triệu chứng gì cả, cũng rất cần chữa trị. Vì nếu không, chính bệnh tiểu đường là nguyên nhân thường gặp nhất làm suy thận, và cũng là nguyên nhân gây ra nhiều biến chứng khác về thần kinh, mạch máu, có thể làm mù mắt, mất cảm giác, tê chân, tê tay, đẫn đến bị cưa chân , góp phần làm tăng nguy cơ bị nghẹt mạch máu tim gây ra trụy tim, nghẹt mạch máu não gây đột quị, bán thân bất toại, vân vân.
Tùy theo việc chữa trị có hiệu quả hay không, (trong đó việc uống thuốc đều đặn, để giữ mức đường trong mức cần thiết, là điều rất quan trọng), mà (một hay một số trong các) biến chứng sẽ xảy ra sớm hay trễ hay không xảy ra.
Chú thích: Chẫn đoán bệnh tiểu đường bằng nước bọt
Các nhà khoa học tại Oregon và Indiana đã triển khai một phương pháp đơn giảnxét nghiệm nước bọt để chẩn đoán và đưa ra phương pháp chữa bệnh tiểu đường loại 2. Phương pháp mới này đã làm tăng độ tin cậy của việc chẩn đoán, điều trị sớm và tăng được tuổi thọ cho bệnh nhân.
Trong 30 năm qua, cùng với dịch bệnh béo phì, bệnh tiểu đường loại 2 đã tăng lên gấp đôi. Trong quá trình diễn biến của bệnh, các tế bào trở nên kém mẫn cảm với insulin (là loại hoóc-môn đưa glucozo vào các tế bào) khiến cho đường- huyết toàn phần tăng lên.
Khoảng 7% bệnh nhân mắc tiểu đường loại 2 khi phát hiện ra thì đã bị từ 4 đến 7 năm. Những năm này bệnh sẽ làm suy giảm sức khoẻ của bệnh nhân vì lượng đường huyết cao gây ra các thương tổn huyết quản, dẫn đến mù loà, hư hại hệ thần kinh, phổi và những vấn đề khác. Chính dịch bệnh béo phì ở phương Tây đã làm cho nhiều người vừa trưởng thành đã mắc tiểu đường loại 2. Nếu không được chẩn đoán để chữa trị thì tuổi thọ của bệnh nhân bị giảm đáng kể, do vậy việc phát hiện sớm bệnh tiểu đường là vô cùng quan trọng.
Một trong những bất tiện của việc chẩn đoán bệnh tiểu đường hiện nay là phải cắm xi-lanh vào mạch để hút lấy máu mang đi xét nghiệm và thao tác này khiến nhiều người sợ hãi. Việc xét nghiệm bằng nước bọt đơn giản và dễ dàng hơn nhiều và thời gian cũng chỉ tương đương việc xét nghiệm máu.
Phương pháp xét nghiệm do Paturi V. Rao và các đồng nghiệp phát minh ra, dựa trên việc nhận dạng chất đánh dấu sinh học trong nước bọt của bệnh nhân. Các nhà khoa học phân tích nước bọt của bệnh nhân mắc tiểu đường loại 2 và của người khoẻ mạnh. Họ so sánh những chất đánh dấu sinh học ở protein của hai nhóm ngưởi trên đây. Cuối cùng họ đã xác định được 65 protein có trong nước bọt người tiểu đường nhiều gấp đôi người khoẻ mạnh. Các chất đánh dấu sinh học tìm thấy là các protein có chức năng khác nhau. Đa phần chúng chịu trách nhiệm điều chỉnh sự chuyển hoá và các đáp ứng miễn dịch. Nhóm nghiên cứu cũng chứng minh các chất đánh dấu tăng lên theo tiến trình mắc bệnh từ thời chưa hề có một biểu hiện nhỏ nào cho tới khi bệnh nặng nhất.
Việc phân tích protein nước bọt người để xác định tiểu đường loại 2 cho chúng ta một cái nhìn tổng thể đầu tiên về các cơ chế có thể xảy ra làm thay đổi nước bọt của người tiểu đường và tính hữu dụng của chúng trong việc phát hiện và điều trị tiểu đương. Đặc trưng tiếp theo của các chất đánh dấu này trong các nhóm phụ cũng có thể dùng làm cơ sở cho phương pháp xét nghiệm mới để sàng lọc, phát hiện và điều trị bệnh tiểu đường.
Theo BS Nguyễn Trần Hoàng // Caonien