Rối loạn tiêu hóa là sự thay đổi bất thường của cơ quan tiêu hóa. Đối với trẻ nhỏ, rối loạn tiêu hóa kéo dài làm trẻ bị kém hấp thụ, lâu ngày dẫn đến tình trạng thiếu hụt chất dinh dưỡng và diễn tiến đến suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ. 3 dạng rối loạn tiêu hóa chính ở trẻ đó là trào ngược dạ dày thực quản, táo bón và tiêu chảy.
Trào ngược dạ dày thực quản
Trào ngược dạ dày thực quản là hiện tượng trào ngược những chất chứa trong dạ dày vào trong thực quản. Trẻ hay bị nôn trớ, nếu trẻ nôn ít vẫn bú khỏe, lên cân tốt thì không sao. Hiện tượng này sẽ giảm dần khi trẻ lớn lên, khoảng 60% trẻ sẽ tự hết và 40% còn lại có thể kéo dài đến khi trẻ 4 tuổi.
Táo bón
Táo bón là tình trạng bé có số lần đi tiêu ít hơn bình thường với phân to, cứng, đau khi đi tiêu và đôi khi có máu. Táo bón có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như viêm ruột, thủng ruột …Do đó, cần được khám và tìm hiểu về nguyên nhân gây táo bón để điều trị thích hợp.
Táo bón gặp nhiều ở trẻ còn nhỏ khi thức ăn có quá nhiều mỡ, chất đạm và ít chất khoáng, cũng có khi do uống nhiều sữa bò, sữa bột vì ít sữa mẹ. Sự thay đổi của các cơ bụng và thành ruột cũng là nguyên nhân dẫn đến táo bón ở trẻ. Ngoài ra, táo bón ở trẻ cũng hay xảy ra ở trẻ ị còi xương, sinh thiếu tháng. Ở những trẻ lớn hơn, táo bón thường do ăn nhiều thức ăn cứng hoặc không đủ lượng vitamin B1 cần thiết, có khi do lỗ hậu môn bị rạn.
Tiêu chảy
Ngược với táo bón, tiêu chảy là hiện tượng trẻ đi tiêu ra phân lỏng như nước trên 3 lần một ngày. Tiêu chảy kéo dài sẽ dấn đến mất nước, mất điện giải trầm trọng có thể dẫn tới tử vong nếu không được bù nước, bù điện giải kịp thời.
Khi trẻ bị tiêu chảy, trẻ phải được bù điện giải ngay, tốt nhất bằng nước oresol và phải tuân thủ hướng dẫn pha oresol, cho trẻ uống đúng cách, uống từng ít một, uống liên tục và rải rác trong ngày. Còn nếu trẻ diễn tiến bệnh nặng hơn, tốt nhất hãy đưa trẻ đến một cơ sở y tế để điều trị.
Phòng bệnh tiêu chảy cho trẻ, cha mẹ cần chú ý đảm bảo vệ sinh cho trẻ, thực hiện ăn chín uống sôi, vệ sinh tay sạch sẽ trước và sau ăn. Còn khi bệnh, ngoài việc bù nước, điện giải tốt nhất, cần cho trẻ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, ăn những thức ăn loãng, dễ tiêu giúp tăng cường sức khỏe, trẻ sẽ có đủ sức chống đỡ bệnh, cơ thể chóng phục hồi, không bị suy sụp vì thiếu dinh dưỡng sau tiêu chảy.