Đái tháo đường là một bệnh nội tiết bệnh rối loạn chuyển hóa với đặc trưng là tăng đường huyết (glucose máu) do thiếu insulin có kèm hoặc không kèm theo kháng insulin. Cũng giống như các bệnh khác đái tháo đường có rất nhiều dạng khác nhau, mỗi loại đều có những điểm khác nhau. Chính vì vậy, việc có thêm những kiến thức về đái tháo đường là vô cùng cần thiết. Với bài viết này chúng tôi muốn giúp các bạn hiểu thêm về các loại đái tháo đường thường gặp.
Đái tháo đường tuýp 1
(tế bào β tuyến tụy bị phá hủy bởi chất trung gian miễn dịch, thường dẫn đến thiếu insulin hoàn toàn):
Tuyến tụy bị tổn thương dẫn đến tình trạng thiết insulin.
- Thường xuất hiện ở người trẻ tuổi
- Khởi bệnh đột ngột, cấp tính.
- Thể trạng gầy.
- Dễ có nhiễm toan ceton.
- Tổn thương vi mạch thường sau vài năm.
- Nồng độ insulin huyết thanh thấp.
- Bắt buộc phải điều trị bằng insulin.
Đái tháo đường tuýp 1 là bệnh tự miễn: các tế bào β tuyến tụy bị phá hủy bởi chất trung gian miễn dịch, sự phá hủy này có thể diễn ra nhanh hay chậm. Dạng phá hủy nhanh thường xảy ra ở trẻ em nhưng cũng có thể gặp ở người lớn. Dạng phá hủy chậm hay gặp ở người lớn, gọi là đái tháo đường tự miễn dịch tiềm tang ở người lớn.
Các yếu tố môi trường, bao gồm virus coxsackie, rubella, sởi…và các yếu tố dinh dưỡng, như phơi nhiễm sớm với sữa bò đã được cho là nguyên nhân khởi phát bệnh. Tình trạng viêm tế bào tiết insulin của đảo tụy (xâm nhiễm tế bào lympho vào tụy đảo) là một dấu hiệu sớm, tiếp theo là tình trạng chết theo chương trình của các tế bào beta. Người mắc đái tháo đường tuýp 1 có thể có các bệnh tự miễn khác đi kèm theo như bệnh Basedow, viêm tuyến giáp Hashimoto, bệnh Addison…
Đái tháo đường tuýp 1 vô căn, không thấy căn nguyên tự miễn. Những người này thường thiếu hụt insulin liên tục và có khuynh hướng nhiếm toan ceton nhưng lại không thấy rõ bằng chứng căn nguyên tự miễn dịch. Hay gặp ở người Châu Á và Châu Phi.
Đái tháo đường tuýp 2
chiếm khoảng 90% tổng số người bị đái tháo đường
- Thường gặp ở người lớn tuổi > 40 tuổi.
- Bệnh khởi phát từ từ.
- Thể trạng thường béo, ít có nhiễm toan ceton.
- Tổn thương vi mạch thường xuất hiện sớm, nồng độ insulin máu tăng hoặc bình thường.
- Điều trị bằng chế độ ăn, luyện tập thể dục và thuốc hạ đường huyết bằng đường uống thì đường máu trở về bình thường.
Có nhiều nguyên nhân gây nên:
Kháng insulin làm giảm tác dụng của insulin: là nguyên nhân chính ở hầu hết những người mắc đái tháo đường tuýp 2. Giai đoạn đầu có sự tăng tiết insulin bù trừ nên đường huyết vẫn trong giới hạn bình thường, dần dần khả năng tiết insulin của các tế bào beta của tụy giảm dần dẫn đến thiếu hụt insulin, không đáp ứng thỏa đáng nhu cầu chuyển hóa, hậu quả là đường huyết sẽ tăng cao.
Suy các tế bào beta nặng dần theo thời gian bị đái tháo đường tuýp 2, nên theo thời gian người mắc bệnh sẽ cần phải điều trị phối hợp thuốc, tăng liều thuốc và phải điều trị bằng insulin ở gian đoạn muộn.
Yếu tố di truyền được quy kết cso vai trò trong gây tình trạng kháng insulin, nhưng có lẽ chỉ giải thích cho 50% rối loạn chuyển hóa. Béo phì, nhất là béo bụng (tăng mỡ tạng), tuổi cao và ít hoạt động thể lực góp phần vào tình trạng kháng insulin.
Nguy cơ mắc đái tháo đường tuýp 1 tăng theo tuổi, béo phì, ít vận động thể lực. bệnh thường gặp ở những người phụ nữ có tiền sử đái tháo đường thai kỳ, có tăng huyết áp, rối loạn lipid máu và một số chủng tộc.
Đái tháo đường thai kỳ:
Đái tháo đường thai kỳ – một lưu ý của các bà mẹ.(Ảnh minh họa)
Đái tháo đường thai kỳ là tình trạng rối loạn dung nạp glucose ở bất kỳ mức độ nào, khởi phát hoặc được phát hiện lần đầu tiên trong lúc mang thai. Không loại trừ những trường hợp đã có tình trạng rối loạn dung nạp glucose từ trước (nhưng chưa được phát hiện ra) hay là đồng thời xảy ra với quá trình mang thai. Thường gặp ở phụ nữ mang thai vào những tháng cuối từ tháng thứ 6 trở đi của thời kỳ thai nghén. Vì trong 3 tháng cuối thai phát triển rất nhanh nên nhu cầu về cung cấp năng lượng của người mẹ cũng cần phải tăng cao hơn. Chính vì vậy nhu cầu insulin cần phải tăng hơn gấp 3-4 lần so với bình thường để đưa đường từ máu vào tế bào dẫn đến thiếu insulin tương đối và sẽ xuất hiện đái tháo đường. Mặt khác trong khi có thai cơ thể của người mẹ cũng sinh ra một số các nội tiết tố có tác dụng đề kháng insulin. Đái tháo đường trong thời gian mang thai phối hợp với tăng rõ rệt nguy cơ tai biến sản khoa như: dị dạng, thai chết lưu, thai to so với tuổi thai và các biến cố sản khoa sau khi đẻ.
Sau đẻ, có 3 khả năng:
- Trở thành đái tháo đường thực sự.
- Trở thành giảm dung nạp glucose.
- Trở về bình thường nhưng có thể bị đái tháo đường trong những lần mang thai sau.
Tỷ lệ đái tháo đường thai kỳ vào khoảng 5 – 8% phụ nữ có thai, nguy cơ cao hơn ở những thai phụ béo, có thai muộn (>35 tuổi), tiền sử gia đình có người bị đái tháo đường hoặc đã bị đái tháo đường ở lần thai kỳ lần trước.
Các loại đái tháo đường khác:
- Thiếu hụt di truyền chức năng tế bào β: Đái tháo đường thể MODY 1, 2, 3.
- Thiếu hụt về các tác động của insulin: Hội chứng kháng insulin.
- Bệnh tuyến tụy ngoại tiết: Viêm tụy mạn, xơ sỏi tụy, chấn thương tụy, cắt tụy toàn bộ, ung thư tụy.
- Đái tháo đường thứ phát sau các bệnh nội tiết: Bệnh to đầu chi, hội chứng Cushing, cường giáp, u tủy thượng thận.
- Đái tháo đường thứ phát sau dùng thuốc hoặc hóa chất: Corticoid, thuốc tránh thai, thuốc lợi tiểu thải muối (lasix, hypothiazid), hormon tuyến giáp, vacor, dùng lâu, kéo dài có thể dẫn đến tăng đường máu.